Niềm vui tìm mục đích nhân văn trong tác nghiệp…

Ấn tượng nhất với tôi từ những chuyến tác nghiệp trong năm qua là câu chuyện trao nhầm trẻ sơ sinh 6 năm trước xảy ra ở huyện Ba Vì, Hà Nội.

Tôi còn nhớ như in giọng đầy bế tắc của anh Phùng Giang Sơn, 28 tuổi, trú tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội, khi gọi điện đến đường dây nóng (0988811123) của báo PL&XH chia sẻ chuyện gia đình. Nghe chuyện mà tôi “giật mình”, không ngờ tình huống anh kể lại éo le đến thế. Ông bố trẻ này cho hay, 6 năm trước, đúng 7g10, vợ anh sinh con trai đầu lòng tại BVĐK huyện Ba Vì, Hà Nội. Khi ấy, nhìn đứa trẻ sơ sinh được nữ hộ lý trao lại cuốn trong bộ tã lót lạ, những người trong gia đình từng thắc mắc nhưng…

Ngay khi nhận được thông tin về việc gia đình bị trao nhầm con và đang “loay hoay” để được nhận lại, tôi đã xin ý kiến BBT và nhận được chỉ đạo, ngoài bổn phận làm rõ thông tin khách quan, nhân văn, tôi cần phải là cầu nối, giúp ông bố này gỡ nút thắt để những đứa trẻ sớm ổn định cuộc sống.

Quá trình xác minh, ông Phùng Văn Phượng, SN 1960, bố của anh Sơn chia sẻ rằng, thấy cậu bé đang nuôi lớn lên không giống ai, mọi người trong nhà có chút hoài nghi. Rồi một ngày tháng 2-2018, ông Phượng tình cờ nhìn ảnh một đứa trẻ trên mạng facebook và thấy “thằng cu ấy giống người nhà mình quá”. Họ đã đưa cháu bé đi xét nghiệm ADN và kết quả khiến cả nhà bất ngờ, cháu H không phải là con của anh Sơn, chị Hiền. Cũng từ đó, hai vợ chồng anh Sơn nghỉ làm ăn, tập trung vào việc tìm con trai. May mắn, khi lần theo từng manh mối, họ tìm được chị Vũ Thị H (đã ly hôn chồng), người đang nuôi cháu Đoàn Nhật M, con đẻ của anh Sơn.

Nhiều tháng trôi qua, gia đình anh Sơn và chị H đi lại, tạo cơ hội để các bên gần gũi, cải thiện tình cảm. Phía chị H ban đầu cũng mong muốn những đứa trẻ trở về đúng chỗ. Nhưng rồi 1, 2 rồi 4 tháng trôi qua, mọi chuyện vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này khiến vợ chồng anh Sơn thêm sốt ruột, thậm chí họ đã phải nhờ tới TAND huyện Ba Vì phân xử.

Nhưng dù vận dụng tình, lý thì vụ việc này vẫn chưa tìm được hướng. Như lời ông Chánh tòa huyện, để thụ lý vụ án, tòa đã mời hai bên để tiến hành các thủ tục nhưng chị H thường xuyên vắng mặt. Việc nhờ tòa phân xử thêm khó khăn khi cán bộ tòa án cho anh Sơn hay, chị H đã ly hôn và tuyên chị nuôi cả 2 đứa con.

Do đó, để giải quyết được vụ khởi kiện của anh Sơn thì tòa phải xin ý kiến của tòa cấp trên liên quan đến bản án ly hôn của chị H và chồng, phần phán quyết về con chung. Như lời anh Sơn, trong khi gia đình anh mong mỏi nhận con thì chị H dường như chưa sẵn sàng. Có lẽ, chăm và nuôi cháu M 6 năm với nhiều vất vả nên lúc này, chị chưa thể trao lại con và đón nhận bé H. Chính điều đó khiến gia đình anh Sơn sốt ruột. Họ nhẫn nại chờ đợi và cố gắng mềm mỏng để người phụ nữ ấy hiểu, chia sẻ.

Tác giả và cha con anh Sơn trong niềm vui đoàn tụ.

Ngày nối ngày và đã 4 tháng trôi qua mà sự việc không tiến triển, trong khi, thời gian nhập học lớp 1 cho con trai sắp tới khiến anh Sơn nóng như lửa đốt. “Nếu không sớm được nhận con thì sẽ lỡ dở việc học hành của cả hai đứa trẻ. Điều này còn gây ảnh hưởng tâm lý cho chúng khi bước vào lớp 1, giai đoạn chuyển cấp đầu đời, quan trọng” - lời ông bố trẻ. Vậy là anh Sơn phải “cầu cứu” đến các cơ quan báo chí, mà PL&XH là tờ báo đầu tiên anh gửi đơn.

Sau đó, tôi đã nhanh chóng xác minh và báo có loạt bài 5 kỳ: Trao nhầm trẻ sơ sinh ở huyện Ba Vì, Hà Nội - Kỳ 1: Sự thật bất ngờ sau 6 năm; Kỳ 2: Đâm đơn kiện vì 4 tháng mà vẫn…“loay hoay” để nhận lại con!; Kỳ 3: Những lời chia sẻ “đắng chát” của người trong cuộc; Vẫn “đau đầu” tìm hướng giải quyết để con nhanh về với mẹ; Kỳ 4: Giám đốc BV gửi lời xin lỗi vì đã làm các gia đình tổn thương; Kỳ 5: Ấm áp tình ruột thịt.

BVĐK huyện Ba Vì - nơi trẻ sơ sinh bị trao nhầm 6 năm trước.

Khi báo PL&XH lên tiếng, ngày 13-7, UBND TP Hà Nội có Công văn 3205/UBND-TKBT gửi GĐ Sở Y tế Hà Nội để yêu cầu kiểm tra thông tin báo nêu về vụ việc trao nhầm con tại BVĐK huyện Ba Vì. TP giao GĐ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm; chủ trì làm việc với BVĐK huyện Ba Vì và đại diện các gia đình để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc... và báo cáo kết quả tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 20-7-2018. Ngày 19-7-2018, tại BVĐK huyện Ba Vì, hai bên gia đình đã trao con cho nhau. Ngoài việc bồi thường cho 2 bên gia đình, 2 nữ hộ sinh liên quan đến việc trao nhầm trẻ đã bị yêu cầu tạm dừng chuyên môn, điều chuyển sang bộ phận hành chính. Một nữ hộ sinh cũng đã bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách.

Nay, trở lại thăm gia đình anh Sơn, tôi thêm phấn khởi vì những đứa trẻ sớm hòa nhập. “Gia đình đoàn tụ như ngày hôm nay, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới BBT báo PL&XH, PV đã đồng hành, không chỉ lên tiếng, còn tư vấn, giúp gia đình tháo gỡ vướng mắc” – lời anh Sơn bày tỏ.

Tết này sẽ là cái Tết sum vầy của gia đình anh. Với tôi, đó là một phần thưởng lớn hơn hết thảy.

Kể từ khi biết chuyện và cùng đồng hành, tôi đã chia sẻ gánh nặng mà các bên phải chịu đựng và trao đổi thường xuyên giúp anh Sơn bình tĩnh, gỡ rối. Lúc các bên có thể ngồi với nhau và tìm được tiếng nói chung, anh Sơn mừng nhưng tôi cũng mừng không kém. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng trở lại, chị Hiền cũng xin được việc mới. Như lời anh Sơn, các con có thêm bố, mẹ và hai bên đang cố gắng bù đắp, sưởi ấm để các con không cảm thấy bị hụt hẫng, tổn thương.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/niem-vui-tim-muc-dich-nhan-van-trong-tac-nghiep-135936.html