Niềm vui trên Nóc Ông Ruộng

Từ thị trấn Tắc Pỏ, H. Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lên tới trung tâm xã Trà Vân phải mất gần 3 giờ đồng hồ. Nhưng để lên đến Nóc Ông Ruộng còn phải vượt hơn 20km đường đất đỏ, đèo dốc hiểm trở nữa... Ngàn đời nay, Nóc Ông Ruộng (thôn 3) thuộc xã Trà Vân nằm heo hút, hoang sơ tách biệt giữa núi rừng...

Từ thị trấn Tắc Pỏ, H. Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) lên tới trung tâm xã Trà Vân phải mất gần 3 giờ đồng hồ. Nhưng để lên đến Nóc Ông Ruộng còn phải vượt hơn 20km đường đất đỏ, đèo dốc hiểm trở nữa... Ngàn đời nay, Nóc Ông Ruộng (thôn 3) thuộc xã Trà Vân nằm heo hút, hoang sơ tách biệt giữa núi rừng...

Làng mới ở Nóc Ông Ruộng.

Làng mới ở Nóc Ông Ruộng.

Trở lại Nóc Ông Ruộng những ngày này, chúng tôi thật bất ngờ khi thấy Nóc Ông Rộng đã nhiều đổi thay. Ngôi làng như được đánh thức bởi các dự án, công trình giảm nghèo, hệ thống điện lưới quốc gia đang được triển khai xây dựng hơn một năm qua. Vùng đất nghèo khó gần như cô lập, tách biệt với cuộc sống hiện đại đang được khoác lên màu áo mới. Những công trình, dự án đang thắp lên niềm tin cho người dân đồng bào dân tộc Ca Dong nơi đây về một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy hơn ở phía trước. Từ trung tâm xã Trà Vân, một con đường rộng rãi xẻ phăng qua những sườn núi trập trùng tiến thẳng lên Nóc Ông Ruộng. Trưởng thôn Hồ Văn Sơn phấn khởi trò chuyện cùng chúng tôi về một tương lai xán lạn: "Con đường khi hoàn thành sẽ không chỉ xóa bỏ ngăn cách nóc với thế giới bên ngoài, mà còn tạo thêm điều kiện, thúc đẩy người dân phát triển sản xuất, làm ăn kinh tế... Con đường là niềm mong ước của bao thế hệ người dân Ca Dong nơi đây, ai ai cũng hết sức vui mừng, phấn khởi.

Trưởng thôn Sơn cho biết, thôn có hơn 100 hộ dân người Ca Dong. Hơn một năm trước, khi chưa có con đường lớn lên Nóc Ông Ruộng, người dân chỉ biết vượt núi, băng rừng mà đi. Từ làng ra trung tâm xã mất gần cả ngày đường đi bộ. Khổ nhất là khi mùa mưa đến, trong làng có người ốm đau, mọi người buộc võng, thay nhau khiêng người ốm băng rừng, vượt suối ra trung tâm y tế xã chữa trị. Các em học sinh ra điểm trường trung tâm xã cũng phải đi học theo lối mòn này, vất vả, nguy hiểm vô cùng, nhiều khi cả tháng trời không về thăm gia đình. Đường giao thông đi lại khó khăn, cách trở làm cho cái nghèo, cái khó, cái lạc hậu cứ bủa vây, đeo bám người dân... Nhưng bây giờ, đã có nhiều hộ chuẩn bị thu hoạch quế, bắp, trái cây... để bán lấy tiền mua xe máy, tất cả náo nức chờ ngày con đường liên thôn khánh thành.

Niềm vui của người Ca Dong ở Nóc Ông Ruộng càng được nhân lên khi công trình điện lưới quốc gia cũng đang sắp sửa hoàn thành. Phó trưởng CAX Trà Vân Hồ Văn Vĩnh dẫn chúng tôi đi thăm quanh thôn phấn khởi cho biết: "Có điện lưới quốc gia, đời sống người dân sẽ được cải thiện rõ rệt, đã có nhiều hộ dân chuẩn bị mua tivi, máy xay xát gạo, nghiền bắp, sắn... Vậy là sắp tới sẽ được xem tin tức thời sự, các cháu nhỏ sẽ có thêm điều kiện học tập. Trường lớp học sẽ có thêm nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại. Thông tin hàng ngày qua tivi, đài, báo sẽ giúp bà con học hỏi làm ăn phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, sẽ đẩy lùi, loại bỏ các tập tục lạc hậu, giúp bà con xây dựng cuộc sống mới, văn hóa mới...".

Học sinh Ca Dong ở Nóc Ông Ruộng trên đường đến lớp.

Ông Hồ Quang Bửu- Chủ tịch UBND H. Nam Trà My chia sẻ, từ chương trình dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, cùng với các công trình, hệ thống đường, điện, nhiều dự án giảm nghèo đang được triển khai xây dựng tại Nóc Ông Ruộng, chính quyền H. Nam Trà My, xã Trà Vân cũng đang ra sức giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống, ra sức làm ăn kinh tế. Hiện nay, UBND H. Nam Trà My đang tích cực hoàn thiện mặt bằng tái định cư mới cho người dân thôn 3, Nóc Ông Ruộng, khi mặt bằng triển khai xong thì người dân Nóc Ông Ruộng sẽ quần tụ định canh tại khu vực bằng phẳng hết sức thuận lợi, phòng tránh được các thiên tai lở đất, sạt núi gây chết người, thiệt hại tài sản như đã xảy ra ở một số vùng trên địa bàn trong thời gian qua. Không chỉ giúp người dân ổn định nơi ăn chốn ở, huyện cũng chú trọng việc phát triển, mở rộng thêm diện tích đất canh tác, sản xuất cho người dân trong thời gian tới. Phó trưởng CAX Hồ Văn Vĩnh cho biết, UBND xã Trà Vân đang lập phương án triển khai mô hình trồng cây dược liệu tại khu vực Nóc Ông Ruộng, tập trung vào các sản phẩm sẵn có tại địa phương như cây quế, cây sâm cau, sâm dây... Đây là hướng phát triển kinh tế địa phương, đã được hoạch định trong đề án của huyện, của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017 giúp người dân thoát nghèo trong thời gian tới...

Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao huyện nghèo Nam Trà My, thầy Hồ Văn Hạnh- Hiệu trưởng Trường PTCS Trà Vân cũng phấn khởi cho biết, so với các làng khác trên địa bàn xã Trà Vân, Nóc Ông Ruộng có địa hình hiểm trở lại bị sông núi chia cắt nên nhiều năm qua, việc dạy và học của các thầy cô giáo và các em học sinh nơi đây gặp phải vô vàn khó khăn. Chính vì vậy, khi những dự án xóa đói giảm nghèo được triển khai nơi đây, những thầy cô giáo rất phấn khởi, tin rằng sự nghiệp giáo dục tại địa phương sẽ nhiều bước đổi thay...

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_206750_.aspx