Niềm vui và nỗi buồn của người làm nghề trồng hoa Tết ở TP.HCM

Chưa đến 20 ngày nữa là đến Tết nguyên đán. Với quan niệm chưng hoa ngày Tết để cầu mong sự may mắn, và tạo thêm bầu không khí vui tươi cho mọi nhà, thú chơi hoa ngày Tết đã trở thành một nét đẹp truyền thống của người Việt. Nhưng để có được những bông hoa khoe sắc xuân rạng ngời, là biết bao nỗi vất vả, vui buồn của những người làm nghề trồng hoa.

Ở thời điểm này, các làng hoa đang gấp rút những công đoạn cuối để kịp đem sản phẩm của mình vào thị trường Tết. Công đoạn cắt tỉa để chậu hoa gọn gàng, sắp xếp ra vị trí thuận lợi để chuẩn bị “lên xe” các lái buôn đến với mọi nhà được huy động nhiều công nhân thực hiện. Nhưng thời điểm này quan trọng nhất đó là việc tiếp nước cho hoa và bù thêm đất mùn trộn lẫn với phân cho bổ sung thêm vào các chậu mà theo thuật ngữ của người trồng hoa là cho chậu hoa “ăn”.

Những ngày này người dân trồng hoa Tết luôn tất bật công việc cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành các chậu hoa tuyệt đẹp cung ứng ra thị trường.

Theo các công nhân, phải tưới đều đặn 3 lần một ngày để đảm bảo cho các cây hoa luôn đủ nước để chậu hoa được đẹp như vậy vì thời tiết khá nắng nóng. Các chủng loại hoa năm nay cũng khá đa dạng với các loại hoa như, hoa cúc vàng, hoa hướng dương, mào gà, sống đời và cả hoa vạn thọ....và tiến độ vẫn đang được chăm sóc đảm bảo kịp Tết.

Anh Hải, một chủ vườn có thâm niên 20 năm trong nghề trồng hoa cho biết, so với mọi năm thì năm nay các loại hoa nhìn chung sẽ kịp nở đúng thời điểm Tết. Một số chậu cúc đã bắt đầu hé nụ trong khi đó hoa mào gà thì đã vươn mình trổ bông tạo nên một vùng màu sắc đỏ vàng sặc sỡ. Giá hoa năm nay cũng có phần nhỉnh hơn so với mọi năm, các chủ vườn đang hy vọng vào một mùa được giá. Lúc này cũng đã bắt đầu có nhiều thương lái vào vườn hoa để xem và đặt hàng cũng như lấy mẫu đi chào hàng. Tuy nhiên theo những người trồng hoa, thời điểm rầm rộ nhất để hoa “rời khỏi vườn” là rằm tháng chạp trở đi. Đó là đối với những chủ vườn trồng hoa có thâm niên lâu năm, hay có thể nói là nghề “cha truyền, con nối”. Còn đối với những vườn hoa được trồng theo “đơn đặt hàng” trước số lượng, loại hoa được trồng thì khâu quan trọng nhất thời điểm này là hoa nở đúng dịp và đúng kiểu cách đã đặt vẫn đang được đảm bảo.

Theo các chủ vườn có thâm niên lâu năm trong nghề trồng hoa thì ngoài việc làm vì mưu sinh phải có đam mê mới làm được.

Nghề “ăn nắng, nằm sương”.

Có mặt tại làng hoa Thới An, quận 12, mới đầu giờ chiều trời còn nắng oi ả. Dù tại mỗi vườn đều được dựng lên những căn chòi lá, tuy nhiên có vẻ vẫn không “thấm vào đâu” với cái nắng nóng. Thế nhưng, trên các vườn hoa các nhân công vẫn đều tay làm việc. Để bắt đầu cho mùa vụ hoa Tết, các chậu hoa đã được trồng từ thời điểm cách đây vài tháng, loại hoa có thời gian lâu nhất để ra hoa là sống đời. Những người công nhân ở đây cho biết, làm công việc chăm sóc hoa là công việc cần có sự tỉ mỉ và khéo tay. Để có được một châu hoa đẹp thì phải chăm sóc nó như “con” vậy. Anh Nguyễn Văn Thư, một công nhân từ Trà Vinh lên làm việc tại làng hoa Thới An, quận 12 chia sẻ: “Đây là năm thứ hai lên làm, năm trước có người quen giới thiệu vào làm, năm nay lên làm tiếp. Tính chất công việc này không quy định thời gian nhưng nó là niềm vui khi được chăm sóc và học từng công đoạn để biết về cách trồng nhiều loại hoa. Làm công này được tính lương theo ngày, ngủ lại tại chòi trong vườn để thuận tiện chăm sóc”.

Để vườn hoa nở đúng thời điểm Tết mỗi ngày người trồng hoa phải làm việc ngoài trời từ sáng sớm đến tối, bất chấp trời nắng nóng.

Với đặc thù công việc trồng và chăm sóc, những người làm việc tại các vườn hoa không phân biệt chủ hay công nhân đều tham gia làm việc. Chú Diện, người có 40 năm làm nghề trồng hoa khi chúng tôi đến thăm vườn chú đang tưới nước cho hoa nhưng cũng vui vẻ chia sẻ: “ Mấy tháng nay ngày nào cũng ở ngoài vườn chăm sóc, một ngày có thể làm tới 12 tiếng”. Cực là vậy, cho dù năm nay giá các thương lái chào hàng nhỉnh hơn so với mọi năm. Nhưng để có những chậu hoa đem ra thị trường họ phải chịu nhiều chi phí từ lương nhân công, phân bón, thuốc chăm sóc và thậm chí tiền thuê đất để giao trồng cũng tăng. Cũng theo chú Diện: “giá các thương lái chào hàng năm nay cao hơn so với mọi năm nhưng các khoản chi phí phân bón, thuốc chăm sóc cũng tăng. Làm nghề trồng hoa 40 năm truyền từ đời cha, nhưng đây không phải là nghề có thể đảm bảo thu nhập mà phải làm nghề khác. Trồng hoa ngoài việc kiếm thêm thu nhập thì phải có đam mê mới làm được”.

XUÂN TRƯỜNG - LÂM ANH.

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/niem-vui-va-noi-buon-cua-nguoi-lam-nghe-trong-hoa-tet-o-tp-ho-chi-minh-d89227.html