Niêm yết giá tại các chợ Thanh Hóa: Vì sao vẫn khó?

Dù các đơn vị chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực nhằm quản lý việc niêm yết giá tại các chợ tuy nhiên công tác này đến nay vẫn gặp khó khăn, vì sao?

Hầu hết các mặt hàng tại chợ đều không niêm yết giá

Nhằm phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, ngày 14/11/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về việc niêm yết giá tại các chợ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Theo đó, cửa hàng, ki-ốt kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng... Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 5 năm thực hiện, ngoại trừ các siêu thị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, còn hầu hết các cửa hàng, chợ truyền thống, kinh doanh qua các trang mạng điện tử vẫn chưa thực hiện tốt việc này.

Theo ghi nhận của phóng viên, chợ đầu mối rau quả thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa) hiện có hơn 1.000 hộ kinh doanh cố định và khoảng 2.000 quầy hàng không cố định. Nhưng hầu hết các loại hàng hóa đều không được niêm yết giá bán, chỉ trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ chế biến đã được nhà sản xuất in trực tiếp trên bao bì. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng khi mua hàng không biết được giá chính xác của từng sản phẩm để cân đối tài chính, lựa chọn mua cho hợp lý, dẫn đến tình trạng mua bị “hớ” khi chưa kịp cập nhật giá cả thị trường. Trong thời gian qua, ban quản lý chợ cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương thể hiện văn minh thương mại như không đòi thách, không áp dụng chiêu “mở hàng” để bán giá cao... Và trong nội quy chợ cũng đã ghi rõ “Tất cả hàng hóa phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết”. Song đến nay, hầu hết các tiểu thương đều không “mặn mà” với các quy định trên.

Không chỉ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm không thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá bán mà nhiều loại hình kinh doanh các mặt hàng có điều kiện cũng phớt lờ trong việc thực hiện quy định này. Điển hình như tại các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thuốc tân dược, theo quy định, việc bán lẻ các loại thuốc phải được niêm yết công khai đến người tiêu dùng bằng cách viết lên bảng, in, dán lên bao bì và không được bán cao hơn giá niêm yết...

Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Thanh Hóa cho hay: Trong suốt thời gian qua, mặc dù Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhưng các hộ kinh doanh vẫn thực hiện theo hình thức đối phó, chưa thực chất, chưa xuất phát từ ý thức.

Thực tế, khi lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về niêm yết giá, đã có nhiều hộ kinh doanh thực hiện niêm yết giá trên hàng hóa; tuy nhiên, không được lâu dài, bởi thói quen mua hàng thích mặc cả của người tiêu dùng.

Hàng năm, các đơn vị chuyên môn đã phát hiện và xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm về lĩnh vực giá, chủ yếu là không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết... với số tiền phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Dù liên tục bị kiểm tra, xử phạt nhưng lỗi vi phạm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết vẫn tràn lan và nhiều biến tướng. Có tình trạng này một phần là do tâm lý của người tiêu dùng, nhưng quan trọng hơn là các tiểu thương, doanh nghiệp chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm về pháp lệnh giá còn thấp, không đủ mạnh để răn đe...

Từ những tồn tại trên cho thấy, đã đến lúc phải giải quyết nghiêm túc, triệt để những vi phạm về quy định niêm yết giá. Việc thực hiện trước hết đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, trong đó trực tiếp là Cục Quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, triệt để. Chính quyền các địa phương, Ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và có các hình thức xử lý phù hợp trong thẩm quyền của mình để góp phần ngăn chặn vi phạm này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay vào cuộc của các lực lượng thanh tra chuyên ngành, đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về thực hiện quy định niêm yết giá được thực hiện.

Tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 24/9/2013 ghi rõ: Đối với hành vi “không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” và “niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng”, nếu vi phạm hai lần trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá thì mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước…

Xuân Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/niem-yet-gia-tai-cac-cho-thanh-hoa-vi-sao-van-kho-118202.html