Niêm yết giá tại các chợ - vẫn chuyện 'đá ném ao bèo'

Tình trạng niêm yết giá nhưng không bán theo giá niêm yết và không thực hiện niêm yết giá trên các mặt hàng dường như trở thành 'chuyện thường ngày' ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Và, chuyện thường ngày ấy không chỉ được người bán áp dụng triệt để mà người mua cũng vui vẻ chấp nhận để rồi vẫn giữ thói quen mặc cả khi mua hàng.

Hàng hoa quả được dán giá niêm yết tại chợ Đông Thọ (TP Thanh Hóa).

Văn hóa “mặc cả”

Chợ Vườn Hoa (TP Thanh Hóa) là nơi có lượng hàng hóa lớn nhất trong tỉnh, chợ chuyên bán buôn, bán lẻ các mặt hàng quần áo, giầy dép, túi xách, hóa mỹ phẩm, đồ chơi... Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, tình trạng dán giá niêm yết lên các mặt hàng tại đây không nhiều, chỉ một số mặt hàng như quần áo, túi xách, giầy dép là niêm yết giá. Chị Nguyễn Thị Thủy, bán hàng túi xách, cặp, va ly... tại chợ Vườn Hoa cho hay: Chúng tôi chủ yếu bán cất, bán cho khách quen nên không cần phải dán giá, khi nào giá tăng chỉ cần báo trước với khách là được. Còn đối với khách vãng lai, mặc dù giá bán đã được nhà sản xuất trong nước niêm yết trên từng sản phẩm, nhưng thực tế tùy khách để bán. Có những khách họ nhìn vào giá trả tiền, nhưng phần nhiều khách trả giá, cảm thấy có lãi là mình bán.

Với ki-ốt bán quần áo của chị L.T.H. hầu hết hàng của chị không có in giá bán trên sản phẩm, cũng không có bảng niêm yết giá. Do vậy, khi có khách đến hỏi mặt hàng nào là chị phát giá, khách hàng trả được bao nhiêu, thấy hợp lý là bán. Khi chúng tôi hỏi về việc niêm yết giá bán lẻ theo quy định của Nhà nước, những người kinh doanh ở chợ Vườn Hoa cho biết: Thỉnh thoảng có lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra, nhắc nhở, thì chúng tôi thực hiện còn thường đã buôn bán ở chợ thì phải tuân thủ theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.

Không “bập bõm” như chợ Vườn Hoa, tại chợ Tây Thành hầu hết các ki-ốt đều đã dán giá niêm yết. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tuy đã dán giá nhưng các cửa hàng lại không bán theo giá niêm yết, khách hàng vẫn có thể trả giá, thường thì các chủ cửa hàng bán thấp hơn 1/3, thậm chí một nửa so với giá đã niêm yết. Chị Lê Thị Lan, một tiểu thương bán giày, dép tại chợ Tây Thành giãi bày: “Mặc dù chúng tôi đã tuân thủ theo quy định của Nhà nước là dán giá niêm yết trên tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, theo thói quen của người tiêu dùng họ cứ thích trả giá nên buộc chúng tôi phải đẩy giá cao lên, chứ không thì lấy đâu ra lãi”.

Chính thói quen văn hóa “mặc cả” như hiện nay, mà nhiều người tiêu dùng rất ngại mua hàng tại các chợ, đặc biệt là nam giới. Theo anh Lê Văn Phương, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa): “Tôi rất ngại mua sắm tại chợ vì luôn mang tâm trạng sợ bị hớ khi mua hàng, do người bán thường hô giá theo ngẫu hứng, thậm chí nhìn mặt để nói thách, cho nên rất khó để mua sắm với giá cả hợp lý”. Còn chị Hoàng Thị Nga, xã Quảng Phú (TP Thanh Hóa) cho biết: “Khi đi chợ, rất ngại trả giá nếu như không tham khảo trước giá mặt hàng muốn mua hoặc không quen mua sắm tại chợ đó, bởi nếu theo cách “nói cả, trả nửa” mà mình trả giá cao hơn thì thành mua hớ, nếu người bán không thách giá cao mà mình trả bằng một nửa thì lại sợ bị la lối, bị đốt vía”.

Đúng như phản ánh của anh Phương và chị Nga, khi khảo sát quanh chợ Tây Thành, chúng tôi hỏi mua một áo sơ mi nữ được chủ hàng phát giá là 350.000 đồng, sau khi mặc cả, chủ hàng đồng ý bán với giá 250.000 đồng. Thắc mắc thì chủ cửa hàng lý giải: “Khách vào mua ai cũng thích trả giá. Nếu chúng tôi có niêm yết cao hơn giá bán cũng là lẽ thường”. Riêng tại hàng thực phẩm tươi sống, gia vị... thì không có hộ kinh doanh nào thực hiện việc niêm yết giá. Bởi theo một số chủ hàng, giá thay đổi xoành xoạch từng ngày, thậm chí từng giờ, họ lại buôn bán cả trăm mặt hàng, không có thời gian rảnh ngồi ghi giá. Bên cạnh đó, cơ chế thực hiện niêm yết giá cũng còn một số bất cập, khiến các cơ sở kinh doanh khó thực hiện.

Khó thực hiện

Trong mạng lưới bán lẻ hàng hóa, chợ vẫn là kênh phân phối quan trọng chi phối đến đời sống của người dân, từ thành phố đến nông thôn, miền núi. Do vậy, việc thực hiện tốt niêm yết giá là một trong những việc làm quan trọng, thường xuyên. Theo quy định, mọi mặt hàng buôn bán trên thị trường đều phải được niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện nay vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt là tại các chợ. Thực tế, việc xử phạt hành chính cũng khó khăn cho cơ quan chức năng, bởi theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, có quy định như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với việc không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với những trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm... Thiết nghĩ, với mức phạt hành chính từ 500.000-1.000.000 đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm niêm yết giá lần thứ hai trở lên là khá nhẹ cho những tiểu thương kinh doanh hàng hóa có giá trị lớn, dẫn đến việc phần lớn không sợ vi phạm và chấp nhận bị xử phạt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng không niêm yết giá vẫn phổ biến trên thị trường hàng hóa tiêu dùng.

Được biết, hàng năm Chi cục Quản lý thị trường cùng các ngành liên quan đã tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành nhưng dường như chưa có tác động rõ nét làm thay đổi hành vi kinh doanh của tiểu thương trong việc công khai giá trên hàng hóa. Thực hiện việc niêm yết và bán đúng giá chính là bảo đảm quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Thế nhưng, việc niêm yết giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh rất khó thực hiện một cách đồng bộ một mặt do thói quen mua sắm, mặt khác vì hầu hết các chợ đều có quy mô nhỏ, giá trị hàng hóa không đáng kể, rất khó áp dụng. Nhiều người dân chỉ là đem bó rau, vài con cá hay ít hoa quả đến chợ để bán thì rất khó để buộc họ niêm yết giá.

Rõ ràng, việc niêm yết giá tại các chợ không hề dễ dàng. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các cấp, ngành cũng cần có các biện pháp sát thực. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức “bán đúng, bán đủ, bán theo giá niêm yết” là rất quan trọng. Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát, bình ổn giá cả các mặt hàng cần phải được thực hiện thường xuyên và hiệu quả.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te-thi-truong/niem-yet-gia-tai-cac-cho-van-chuyen-da-nem-ao-beo/111766.htm