Nigeria có bước tiếp vào vết xe đổ khi mua máy bay Trung Quốc?

Ngày 20/5, Không quân Nigeria đã chính thức tiếp nhận 3 máy bay chiến đấu JF-17 do liên doanh Trung Quốc và Pakistan sản xuất. Nhưng liệu Nigeria có nhớ bài học mua chiến đấu cơ J-7MG của Trung Quốc cách đây chưa lâu?

Theo tờ Eurasia Times của Ấn Độ, hợp đồng mua chiến đấu cơ JF-17 của Nigeria có trị giá khoảng 184 triệu USD, đánh dấu một bước “đột phá” trong xuất khẩu của loại máy bay chiến đấu giá rẻ này; đây cũng là cột mốc quan trọng, trong năng lực sản xuất máy bay chiến đấu của Pakistan.

Tham mưu trưởng Không quân Nigeria Amao cho biết, tiêm kích chiến đấu JF-17 sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tấn công của Không quân Nigeria và đóng vai trò là máy bay chiến đấu đa năng tuyến đầu của Nigeria. Đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố, lực lượng nổi dậy và các mối đe dọa khác, mà nước này đang tiến hành.

JF-17 là loại máy bay chiến đấu giá rẻ, đa năng hạng nhẹ, một động cơ do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Theo giới thiệu của Trung Quốc và Pakistan, JF-17 được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, khả năng cơ động tốt và chứng tỏ được giá trị trong chiến đấu.

Các chuyên gia quốc phòng cho rằng, so với máy bay chiến đấu của các nước phương Tây, mặc dù tiêm kích JF-17 có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4 giá của chiếc chiến đấu cơ F-16V của Mỹ bán cho đảo Đài Loan hay Bulgaria; thậm chí giá còn rẻ hơn cả những chiếc F-16A đã loại biên của Mỹ. Nhưng JF-17 bao năm qua, vẫn chưa có khách hàng, do chất lượng rất thấp.

Nigeria đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy ngày càng tăng của lực lượng Boko Haram, và Tổng thống Buhari đang tích cực trang bị thêm máy bay chiến đấu cho lực lượng không quân của mình, để đối phó với các tổ chức khủng bố nguy hiểm này.

Trong 5 năm qua, Lực lượng vũ trang Nigeria đã đưa vào trang bị 10 máy bay huấn luyện MFI-17 của Pakistan, 5 trực thăng vũ trang Mi-35M của Nga, 2 trực thăng Bell 412 của Mỹ, 4 máy bay trực thăng A109 của Ý,...

Về máy bay chiến đấu, Nigeria vẫn chưa có động thái mua sắm, sau vụ mua chiến đấu cơ J-7MG (một bản sao chép MiG-21 Liên Xô) của Trung Quốc vào năm 2010; mặc dù mua chưa được hai năm, Không quân Nigeria đã bị tổn thất 3 chiếc J-7MG, và số máy bay này chỉ được dùng để bay huấn luyện, chứ không thể cho các nhiệm vụ khác.

Còn máy bay JF-17 thực chất cũng là phiên bản cải tiến của MiG-21, do liên doanh Trung Quốc và Pakistan đồng phát triển. Tiếng là quốc gia sản xuất máy bay, nhưng vật liệu và linh kiện của JF-17 đều do Trung Quốc cung cấp để lắp ráp tại Pakistan. Thành phần có yếu tố nước ngoài là động cơ RD-93 của Nga và ghế phóng của Anh.

Ngay khi máy bay JF-17 ra đời, Trung Quốc tuyên bố không sử dụng loại chiến đấu cơ này, mà chủ yếu trang bị cho Pakistan và xuất khẩu sang các quốc gia thế giới thứ ba, nhất là các quốc gia ở châu Phi và Nam Á.

Trong biên chế của Không quân Pakistan, JF-17 cũng chỉ là loại chiến đấu đóng vai trò dự bị cho số chiến đấu cơ F-16 mà nước này mua của Mỹ và thập niên 1980 và đầu niên 1990. Rất nhiều chiếc JF-17 đã phải nằm đất vì lỗi nứt vỏ và trục trặc về động cơ.

Mặc dù JF-17 được quảng cáo là máy bay chiến đấu thế hệ 4 "tốt nhất" của Không quân Pakistan sau F-16, nhưng JF-17 có thời gian hoạt động trên không cũng như khả năng mang vũ khí hạn chế. Nếu bị chế áp điện tử mạnh, JF-17 còn không thể xuất kích chiến đấu.

Cốt lõi của hệ thống điện tử hàng không JF-17 là radar KLJ-7AL và máy tính điều khiển hỏa lực do công ty điện tử Nam Kinh của Trung Quốc sản xuất. Radar KLJ-7 có tỷ lệ hỏng hóc rất cao. Nhiều mô-đun của máy tính điều khiển hỏa lực của JF-17 hoạt động không đáng tin cậy, vì vậy Pakistan hiện đang cố gắng sử dụng các máy tính điều khiển hỏa lực trong nước sản xuất.

Về vũ khí, JF-17 chỉ được trang bị tên lửa không đối không SD-10 và tên lửa chống hạm C-801AK của Trung Quốc. Hiện tại, quân đội Pakistan đang cố gắng kết hợp JF-17 với các loại vũ khí khác của Trung Quốc, nhưng không mấy thành công. Pháo 23 mm của JF-17 hoạt động cũng thường xuyên xảy ra trục trặc.

Một trong những nguyên nhân chính khiến JF-17 hoạt động kém nữa là do động cơ RD-93 của Nga, đã nhiều lần xảy ra hỏng hóc và có độ tin cậy kém. Động cơ có vết nứt trên cánh quạt, vòi phun và vỏ động cơ.

Hiệu suất kém của động cơ RD-93 là một mắt xích yếu của JF-17. Không quân Pakistan, họ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về chất lượng bảo dưỡng của động cơ và chi phí bảo dưỡng cao.

Là quốc gia có dân số cao nhất ở châu Phi và nền kinh tế tương đối phát triển ở lục địa đen. Do đó, các nhà quân sự ở Nigeria đặt câu hỏi, liệu chính phủ nước này có nên dựa vào "các nước thế giới thứ ba", để cung cấp vũ khí và thiết bị quan trọng hay không?

Sau vụ nhập máy bay chiến đấu J-7MG đầy tai tiếng từ Trung Quốc, nhiều người cũng đang đặt câu hỏi về độ tin cậy của máy bay JF-17, được sản xuất bởi Trung Quốc và Pakistan.

Trong khi các đối thủ như Ai Cập, Nam Phi, Ethiopia và các quốc gia khác đang mua máy bay chiến đấu hiện đại từ Pháp, Mỹ, Đức, Israel và Nga, thì Nigeria chỉ có thể đến Pakistan và Trung Quốc để mua những "máy bay giá rẻ"; và bài học mua chiến đấu cơ J-7MG vẫn còn "nóng hổi" ở Nigeria. Nguồn ảnh: Pinterest.

Cận cảnh tiêm kích J-7 do Trung Quốc sản xuất nội địa, dựa trên thiết kế của chiến đấu cơ MiG-21 Liên Xô.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nigeria-co-buoc-tiep-vao-vet-xe-do-khi-mua-may-bay-trung-quoc-1543608.html