Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

Đề án số 12 về đẩy mạnh công tác XKLĐ của UBND tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 2018-2020) phấn đấu mỗi năm đưa 1.000 lao động đi xuất khẩu, trong đó có 400 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ thuộc địa bàn 55 xã đặc thù của tỉnh… mở ra nhiều cơ hội cho người lao động ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Người lao động tham gia tìm hiểu cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình

Người lao động tham gia tìm hiểu cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Bình

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình, những năm trước đây tỷ lệ lao động Ninh Bình đi xuất khẩu lao động so với cả nước còn thấp, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng 0,8%, trong khi đó tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao, chiếm 3,06% năm 2016. Hàng năm, nhu cầu XKLĐ tăng do số lượng người bước vào độ tuổi lao động hàng năm tăng, bình quân mỗi năm từ 13-14 nghìn người, do đó nhu cầu giải quyết việc làm, nhất là XKLĐ ngày một tăng. Để tháo gỡ khó khăn, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao cho nhiều đối tượng, Đề án XKLĐ được UBND tỉnh Ninh Bình thông qua được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.

Đề án, ưu tiên hỗ trợ vay vốn XKLĐ trước tiên đối với người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, các xã bãi ngang ven biển và địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh, tiếp sau đó hỗ trợ người lao động thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn còn lại trong tỉnh và hộ thuộc địa bàn 55 xã có tính chất đặc thù của tỉnh trong trường hợp ngân sách không đủ đảm bảo để cho vay tất cả các đối tượng thuộc diện được ưu tiên.

Người lao động tham gia thực hiện Đề án được hỗ trợ vay vốn gồm 2 mức: Mức hỗ trợ tối đa đối với thị trường cao cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp không phải thế chấp tài sản là 50 triệu đồng; người lao động thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn 100 triệu đồng/người; người lao động có hộ khẩu thường trú tại 55 xã đặc thù được vay tối đa 50 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ vay vốn đi thị trường trung bình 30 triệu đồng/người.

Tổng kinh phí dự kiến của Đề án trong chu kỳ 3 năm (2018-2020) là trên 45,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm dạy nghề “Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” từ những năm trước chuyển sang. Lao động thuộc Đề án được vay vốn có thời hạn tối đa 36 tháng, lãi suất thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội tại từng thời kỳ.

Ông Lâm Xuân Phương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 2018 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ XKLĐ theo Đề án số 12 của UBND tỉnh Ninh Bình, toàn tỉnh phấn đấu đưa 1.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để Đề án số 12 sớm đi vào cuộc sống, thực sự trở thành cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho hàng ngàn lao động địa phương, ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 13/12/2017 triển khai thực hiện Đề án XKLĐ, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành công văn số 1845/LĐTBXH-VLATLĐ trong cùng ngày hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Xuất khẩu lao động, hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

Đến ngày 18/1, có 8/8 huyện, thành phố đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện và xã; đã ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Đến ngày 22/2, có 8/8 huyện, thành phố đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án. Tại Hội nghị, UBND các huyện, thành phố công bố các quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, phổ biến quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương.

Đến ngày 15/3, thực hiện công tác tạo nguồn và tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có 1.106 người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và 3.495 người lao động có khả năng tham gia xuất khẩu lao động. Trong đó, đơn vị có 100% các xã, thị trấn đã rà soát số lượng người lao động có khả năng, nhu cầu xuất khẩu lao động cao nhất là huyện Yên Khánh (2.076 người có khả năng tham gia xuất khẩu lao động, 920 người có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động)…

Đến ngày 16/3, đã phối hợp với Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD và Công ty phát triển phát thanh truyền hình EMICO tư vấn sâu cho 32 người lao động (TP Ninh Bình: 11 người, Kim Sơn: 11 người, Nho Quan: 04 người, Yên Mô: 02 người, Yên Khánh: 03 người, Hoa Lư: 01 người), trong đó có 18 người lao động đăng ký sơ tuyển (TP Ninh Bình: 09 người, Kim Sơn: 03 người, Nho Quan: 03 người, Yên Khánh: 02 người, Yên Mô: 01 người)…

Với việc lựa chọn 5 doanh nghiệp tham gia Đề án được Bộ cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có uy tín, có đơn hàng phong phú tại các thị trường chính là Nhật Bản và Đài Loan, phù hợp với nhu cầu xuất khẩu lao động của tỉnh, phù hợp với những mục tiêu mà Đề án đặt ra sẽ là cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho nhiều lao động địa phương…

MỘC MIÊN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ninh-binh-day-manh-cong-tac-xuat-khau-lao-dong-d72729.html