Ninh Bình khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp ô tô lớn nhất cả nước

Đồng chí Bùi Duy Quang, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó lấy công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch là một lĩnh vực ưu tiên phát triển, năm 2007, tỉnh Ninh Bình thành công mời gọi, thu hút Tập đoàn Thành Công đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án công nghiệp ô tô, xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp ô tô tại Ninh Bình. Năm 2009, Tập đoàn Thành Công đã bắt tay vào đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Ninh Bình. Năm 2011, Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai đầu tiên của Tập đoàn Thành Công được khánh thành tại KCN Gián Khẩu, huyện Gia Viễn.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Hyundai Thành Công số 2.

Thêm một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của Tập đoàn Thành Công tại Ninh Bình là tháng 11/2022, Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô số 2 (HTMV2) tại KCN Gián Khẩu mở rộng được khánh thành-là một trong những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc, 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình và 15 năm Tập đoàn Thành Công đầu tư tại tỉnh Ninh Bình. Đây là nhà máy ô tô hiện đại, đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn của Hyundai toàn cầu, được xây dựng trên tổng diện tích 50ha, công suất 100.000 xe/năm, đưa tổng công suất các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Hyundai của Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu lên 180.000 xe/năm, hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực, đưa liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất khu vực của Hyundai Motor.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam khẳng định: Để tiếp tục phát triển sản xuất, lắp ráp, tạo tiền đề mở rộng mạng lưới công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo chủ trương và định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor quyết định đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy Hyundai Thành Công số 2. Đặc biệt, dự án sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình, cũng như xây dựng nền công nghiệp ô tô Việt Nam vững mạnh.

Một số hình ảnh Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn).

Đến nay, Tổ hợp sản xuất lắp ráp ô tô Hyundai tại Ninh Bình đang sản xuất, lắp ráp 34 dòng xe ô tô du lịch và thương mại, đáp ứng đa dạng các phân khúc thị trường và thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với việc sở hữu mạng lưới đại lý phân phối lớn nhất thị trường ô tô hiện nay, thương hiệu ô tô Huyndai Thành Công luôn chiếm hơn 20% thị phần cả nước; giá trị sản xuất hàng năm trung bình chiếm gần 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động địa phương với mức thu nhập cao. Như vậy, sau 16 năm xây dựng và phát triển, liên doanh ô tô Hyundai và Tập đoàn Thành Công đã có 8 dự án đầu tư tại KCN Gián Khẩu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12 nghìn tỷ đồng, diện tích đất sử dụng trên 115 ha. Các dự án đều hoạt động hiệu quả và đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình.

Đặc biệt, để góp phần thực hiện thắng lợi các chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ, ngày 24/12/2023, Hyundai Thành Công thương mại (HTCV) đã xuất khẩu thành công lô 62 xe tải nhẹ Hyundai Mighty N250 sang thị trường Peru, đánh dấu cột mốc quan trọng của sứ mệnh vươn tầm thế giới. Khám phá, mở rộng kinh doanh vào những vùng thị trường mới chính là tầm nhìn HTCV đã vạch ra từ những ngày đầu thành lập nhằm nâng cao uy tín thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng về chất lượng sản phẩm xe thương mại Hyundai. Trong năm 2024, HTCV đặt mục tiêu xuất khẩu 1.000 xe thương mại theo các đơn đặt hàng, tăng cường đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại thị trường quốc tế.

Thành công của các dự án sản xuất ô tô Thành Công-Hyundai góp phần minh chứng cho những quan điểm, định hướng đúng đắn và sự kiên định trong phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, từ đó đã tạo nên làn sóng đầu tư của hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đầu tư tại tỉnh Ninh Bình. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 93 dự án FDI, với tổng mức đầu tư 1.578,82 triệu USD.

Trong số đó các dự án lớn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị... phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô như: Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21, công suất 20 triệu sản phẩm/năm tại KCN Khánh Phú; Công ty cổ phần Sejung tại CCN Cầu Yên, sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất lắp ráp bộ dây cáp điện ô tô ESMO VINA, CCN Gia Phú, công suất 450.000 sản phẩm/năm; Nhà máy SAMSE VINA, CCN Cầu Yên sản xuất cáp đồng trục tự động cho ô tô, công suất 400 tấn/năm; dự án của Công ty Daewon Auto Vina tại KCN Phúc Sơn, công suất 100.000 sản phẩm ghế ngồi ô tô/năm...

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn).

Mới đây, Tập đoàn A1 Group-TaiZhan (Đài Loan, Trung Quốc) chuyên sản xuất các thiết bị, linh kiện, phụ kiện công nghệ cao cung cấp cho ngành công nghiệp ôtô, điện tử, dụng cụ thể thao và công nghiệp bán dẫn... đã ký kết đầu tư dự án Nhà máy sản xuất tại CCN Văn Phong (huyện Nho Quan) với tổng mức đầu tư lên đến 47,1 triệu USD. Dự kiến, nếu đi vào vận hành, nhà máy sẽ đem lại doanh thu đạt 66,4 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho gần 1.200 lao động địa phương và vùng lân cận, nộp ngân sách Nhà nước hơn 9,8 triệu USD/năm.

Nhà máy sản xuất dây cáp điện ô tô của Công ty TNHH Esmo Vina (Cụm công nghiệp Gia Phú, huyện Gia Viễn)

Bà Moon Tae Hee, Phó Giám đốc Công ty TNHH SAMSE VINA cho biết: Sau khi đi khảo sát ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy Ninh Bình có nhiều điều kiện để phát triển, đặc biệt là có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn có thể liên doanh, liên kết. Chúng tôi đã quyết định về đầu tư sản xuất, gia công cáp tín hiệu, các loại ăng ten, linh kiện, thiết bị ô tô ở CCN Cầu Yên. Chúng tôi đi vào sản xuất ổn định từ năm 2019 cho đến nay.

Công nghiệp phụ trợ phát triển nhanh chóng không chỉ góp phần làm tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô mà còn tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động với mức lương trung bình đạt từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, cùng với các nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sự lớn mạnh của Liên doanh Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor đã đưa Ninh Bình trở thành một trong ba trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ: Định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới là phát triển xanh, bền vững, với mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch của cả nước và vùng đồng bằng Sông Hồng. Do vậy, tỉnh đặc biệt chú trọng tập trung quy hoạch, phát triển nền kinh tế toàn diện, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việc phát triển công nghiệp được định hướng tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn như công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp số, công nghiệp chế biến... Phấn đấu thu hút, xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô của cả nước.

Lắp ráp dòng xe mới tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn).

Đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Mục tiêu cụ thể, Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp của tỉnh phát triển đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của vùng đồng bằng Sông Hồng, góp phần đưa Ninh Bình trở thành địa phương có vị trí cao trong vùng. Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chiếm khoảng 30-35% trong tổng GRDP của toàn tỉnh. Đến năm 2025, trở thành tỉnh có ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2030, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp đạt trên 200.000 chiếc/năm và tỷ lệ nội địa hóa đối với công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đạt khoảng 35-40%. Phấn đấu giai đoạn 2021-2030, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng bình quân trên 10%/năm.

Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG Ninh Bình là nhà máy kính nổi lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn INVEVCO đầu tư xây dựng tại KCN Khánh Cư, huyện Yên Khánh.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh xác định tập trung phát triển một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp điện tử, chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, giày dép. Do vậy, trước mắt tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.

Trên tinh thần đó, tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển và quản lý khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là phát triển khu, cụm công nghiệp với quy mô và vị trí hợp lý, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp và dịch vụ, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, môi trường của tỉnh.

Một số hình ảnh sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào ngành công nghiệp phụ trợ ô tô, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, đặc biệt là khuyến khích các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-ninh-binh-khang-dinh-vi-the-la-mot-trong-nhung/d2024020316222984.htm