Ninh Bình: Không chạy theo phong trào, dạy nghề được ND hưởng ứng

Không còn dạy theo phong trào, giờ đây hoạt động dạy nghề ở Yên Khánh (Ninh Bình) đã đi vào thực chất. Các cơ sở dạy nghề không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học mà còn thực hiện hỗ trợ giải quyết việc làm cho nông dân.

Đa dạng nghề dạy cho nông dân

Gia đình chị Nguyễn Thị Thỏa ở xóm Tân 1, xã Khánh Lợi (Yên Khánh) là một trong những hộ duy trì nghề đan bèo bồng sau khi kết thúc khóa học nghề do Phòng LĐTBXH huyện phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức từ tháng 12.2017.

Nhờ có nghề phụ mà nhiều nông dân ở huyện Yên Khánh đã thoát nghèo. Ảnh: T.A

Chị Thỏa cho biết, trước đây gia đình đã sẵn nghề đan cói, ép bèo bồng nhưng do không có kỹ thuật, không tiếp cận mẫu mã mới nên khó bán ra thị trường. Sau khi được tham gia lớp học nghề chị đã nâng cao được tay nghề, cập nhật được nhiều sản phẩm mới.

“Bây giờ thì không phải lo đi tìm việc như trước kia nữa vì tôi đã có nghề để làm ngay tại nhà. Người biết nghề lại chỉ bảo cho người chưa biết, hiện nay ở xóm tôi hầu như nhà nào cũng có người làm nghề. Cuộc sống của bà con dần ổn định và được cải thiện nhiều hơn từ khi có nghề”- chị Thỏa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuyến - Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết, lớp học nghề đan lát thủ công hiện có 25 học viên với thời gian 2 tháng. Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, các giảng viên đã hướng dẫn cách làm các mặt hàng từ đơn giản đến hàng có yêu cầu kỹ thuật cao…

“Sau khi học, 100% học viên đã nắm được các kỹ thuật đan từ đơn giản đến phức tạp và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nghề. Kết thúc lớp học, các học viên đã làm ra gần 4.000 sản phẩm đạt yêu cầu. Tất cả học viên sau khi tốt nghiệp đã được tạo việc làm tại địa phương với mức thu nhập ổn định… ”.

Theo lãnh đạo huyện Yên Khánh, đến năm 2020, huyện phấn đấu đào tạo 70 lớp nghề với hơn 2.000 học viên, tập trung vào các nghề may công nghiệp, đan bèo bồng, bẹ chuối, cói xuất khẩu,…

Giúp giảm nghèo bền vững

Ông Phạm Ngọc Điệp - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho biết: Xác định đào tạo nghề là khâu then chốt hướng tới giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Yên Khánh đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Để thực hiện mục tiêu này, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, tư vấn, lựa chọn nghề và khảo sát nhu cầu của người học nghề làm cơ sở để tuyển sinh đào tạo.

“Trong năm 2017, toàn huyện có 428 người được hỗ trợ học nghề từ ngân sách trung ương và địa phương, 345 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn (đạt 85%); 100% tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn. Lao động nông thôn có việc làm ổn định đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,1%”, ông Điệp cho biết.

Bên cạnh đó, huyện Yên Khánh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề. Ông Đỗ Trung Kiên - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thành Hóa cho biết, hiện nay có 17/19 xã, thị trấn của huyện Yên Khánh có nghề phụ do Công ty TNHH Thành Hóa trực tiếp truyền dạy và cung cấp các đơn hàng trong suốt những năm qua. Năm 2017, công ty đã tổ chức 15 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, công ty có trên 4.000 lao động vệ tinh, trong đó riêng huyện Yên Khánh chiếm trên 50%.

Thùy Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/ninh-binh-khong-chay-theo-phong-trao-day-nghe-duoc-nd-huong-ung-925355.html