Ninh Bình: Loài sâu biển ăn sạch hàng chục hec-ta ngao giống

Thời gian gần đây, tại khu vực bãi nuôi ngao giống huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình xuất hiện một loại sinh vật lạ, tấn công khiến ngao ương bị chết bất thường với tỉ lệ chết cao trên diện tích vài chục hécta. Sinh vật lạ này được bà con gọi là sâu biển hay sâu róm biển

Cận cảnh sâu róm biển

Cận cảnh sâu róm biển

Sinh vật này có thân hình vừa giống như con đỉa vừa giống như con sâu róm, có chiều dài từ 3cm đến 7 cm. Nếu người không may tiếp xúc phải con sâu này sẽ bị ngứa và mưng mủ rất lâu khỏi.

Loài vật này có thể ăn trọn cả con ngao giống đã to bằng khoảng đầu đũa. Thời điểm xuất hiện nhiều nhất là khi thời tiết giao mùa, khí hậu ấm từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch. Những năm trước, loài sâu biển này ít xuất hiện và gây ảnh hưởng không đáng kể, nhưng năm nay số lượng xuất hiện rất nhiều, gây hại trên diện tích lớn.

Loài sâu biển này ẩn nấp dưới lớp cát biển sau đó ăn sạch ngao giống của người nuôi.

Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Bình, phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Kim Sơn, Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh tiến hành kiểm tra lấy mẫu ngao, mẫu môi trường tại khu vực ngao bị chết gửi xét nghiệm kiểm tra nguyên nhân ngao bị chết.

Qua kiểm tra và nắm tình hình tại các chủ nuôi ngao, ngao ương có hiện tượng chết rải rác bắt đầu từ ngày 3/2/2019, với tỉ lệ chết rất cao, từ 70 – 90%. Tại khu vực ngao chết, có phát hiện một loài sinh vật lạ mà người dân địa phương thường gọi là sâu đất, sâu róm biển hay bọ nẹt biển, với mật độ rất cao (hơn 200 con/m2) gây hại cho ngao ương. Chúng sử dụng trực tiếp ngao giống làm thức ăn. Các sinh vật lạ này còn gây bỏng rát cho da người khi trực tiếp tiếp xúc với chúng…

Việc loài sinh vật này có phải là nguyên nhân gây chết ngao hay không thì chưa thể khẳng định

Chi Cục Chăn nuôi – Thú y Ninh Bình sau đó đã gửi mẫu ngao đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm bệnh Perkinsus (bệnh do ký sinh trùng Perkinsus sp, gây chết ngao hàng loạt phổ biến ở nước ta), gửi mẫu sinh vật lạ đến Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I để kiểm tra giống, loài của sinh vật lạ, đồng thời chỉ đạo Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh kiểm tra một số chỉ tiêu môi trường nhằm xác định nguyên nhân khiến ngao chết.

Kết quả kiểm tra một số chỉ tiêu về môi trường cho thấy: Độ mặn tại thời điểm lấy mẫu là 170/00; các chỉ số môi trường như NH3, NO2, độ pH, oxy hòa tan đều nằm trong phạm vi cho phép, không ảnh hưởng đến nuôi ngao. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy, các mẫu bệnh phẩm ngao bị chết đều âm tính với bệnh Perkinsus.

Huyện Kim Sơn có 1.200 ha vùng triều nuôi ngao. Năm 2018, các hộ nuôi ngao trong huyện xuất ra thị trường khoảng 28.000 tấn ngao thịt với giá bình quân 12.000-15.000 đồng một kg. Những năm gần đây, nhiều gia đình trong huyện đã làm giàu từ nghề nuôi ngao.

Trong khi chờ kết quả gửi về, chính quyền địa phương đã tuyên truyền người dân tạm hoãn thả giống; với các vùng ngao bị thiệt hại ở mức độ 50%, bà con nên cải tạo lại bãi ngao; sử dụng các biện pháp thủ công như dùng lưới chắn, xử lý kỹ càng trước khi thả ngao xuống vùng ương; quản lí bãi ngao chặt chẽ.

Đồng thời khuyến cáo người dân không được sử dụng các chất độc hại, chất cấm làm ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi.

Thu Phương (t/h)

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/ninh-binh-loai-sau-bien-an-sach-hang-chuc-hec-ta-ngao-giong/