Ninh Bình mong muốn 'Bảo tàng thơ Non Nước' thành di sản tư liệu thế giới

Núi Non Nước còn có tên là Dục Thúy Sơn ở thành phố Ninh Bình thường được ca ngợi là 'bảo tàng thơ', 'sách đá' hay 'núi thơ' vì giá trị của 40 bài thơ khắc trên vách đá.

Ngày 3/5, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước".

Các bài thơ cổ khắc vào vách đá trên núi Non Nước (Dục Thúy Sơn).

Khẳng định giá trị của các văn bia cổ trên đá - những bài thơ còn mãi với thời gian

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" lnhằm đánh giá, khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích, góp phần làm rõ giá trị nổi bật của di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước.

Kết quả hội thảo là dữ liệu đề xuất phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị các văn bia và di tích núi Non Nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa tại Ninh Bình.

Núi Non Nước nằm ở trung tâm thành phố Ninh Bình, không chỉ là một cuốn sử thi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử và chiến công oanh liệt của cha ông ta, nơi đây còn là một tàng thư thiên nhiên, bảo tàng thi ca vô giá.

Các bài thơ khắc vào vách núi Non Nước còn rất rõ ràng.

Bút tích của người xưa trên núi Non Nước.

Từng được ví là "cảnh tiên rơi cõi tục", núi Non Nước từ lâu đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các đấng quân vương, các bậc anh hùng, tao nhân mặc khách nhiều thời đại đề thơ vịnh cảnh.

Không có ngọn núi nào ở Việt Nam có trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thì Nhậm, Tản Đà…

Các bản văn khắc hiện còn trên vách đá không chỉ là các tác phẩm văn học có giá trị mà còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công phu, có giá trị thẩm mỹ cao, được phân bố hài hòa trên các vách đá phẳng, dựng đứng, làm tôn thêm vẻ đẹp và kết tinh giá trị văn hóa của núi Non Nước.

Biểu tượng búa liềm trên đỉnh núi Non Nước gợi nhớ đến sự kiện lịch sử năm 1929, chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Lương Văn Tụy đã anh dũng xung phong cắm ngọn cờ búa liềm trên Núi Non Nước. Sau đó, anh đã bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh vào năm 1932.

Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước" là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch "Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2025".

Tỉnh Ninh Bình mong muốn tìm các cứ liệu tin cậy để tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước gắn với việc phát triển du lịch. Đồng thời góp phần tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa, quảng bá, làm lan tỏa giá trị di tích và các di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích núi Non Nước.

Địa phương cũng muốn tham vấn ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích vào các Danh sách di sản tư liệu thế giới của UNESCO.

Núi Non Nước cùng với núi Cánh Diều đang được tỉnh Ninh Bình đề xuất đưa vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với không gian chủ đề thương hiệu bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình đề xuất xây dựng công viên văn hóa Thúy Sơn bổ sung thêm một điểm du lịch văn hóa.

Phát triển chủ đề về giao lưu, tiếp biến văn hóa, thương mại và công nghiệp trong lịch sử và hiện đại, Ninh Bình hình thành một khu vực tập trung vào các hoạt động văn hóa và nghệ thuật biểu diễn đương đại, công nghiệp văn hóa, chứa đựng tinh hoa hiện đại và truyền thống.

Núi Non Nước nằm nghiêng mình bên ngã ba sông Đáy và sông Vân thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, từ đỉnh núi có thể nhìn thấy thành phố Ninh Bình bên con sông thơ mộng.

Hội thảo đã nhận được 36 vài viết của các nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương tập trung vào 2 chuyên đề "Giá trị lịch sử, văn hóa, tư liệu của hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước" và chuyên đề "Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước và hệ thống văn bia tại di tích".

Các tham luận tại hội thảo tập trung thảo luận để làm rõ một số vấn đề: vị trí lịch sử của núi Non Nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Ninh Bình; quá trình tôn tạo các di tích trên núi Non Nước và ý nghĩa giá trị những di tích này; xác định rõ kho tàng di sản Hán Nôm núi Non Nước, bao gồm các vấn đề: số lượng, văn bản thơ văn núi Non Nước; làm rõ hơn giá trị sử liệu, văn liệu nổi bật của thơ văn núi Non Nước; định hướng công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa núi Non Nước; đồng thời mở rộng truyền thông giới thiệu rộng rãi về nét đặc sắc di sản văn hóa núi Non Nước, xây dựng điểm đến du lịch và tham quan cho du khách.

Núi Non Nước thường được gọi là "bảo tàng thơ", "sách đá" hay "núi thơ" vì giá trị của 40 bài thơ khắc trên vách đá. Ngọn núi có tên rất đẹp là Dục Thúy Sơn. Năm 1962, núi Non Nước đã được công nhận là Di tích quốc gia. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước là di tích quốc gia đặc biệt.

Hà Phong

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ninh-binh-mong-muon-bao-tang-tho-non-nuoc-thanh-di-san-tu-lieu-the-gioi-17924050321580831.htm