Ninh Bình: Nỗ lực thực hiện tích tụ đất đai

Tính đến thời điểm hiện tại, Ninh Bình hiện đang là tỉnh đi đầu cả nước trong việc thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu thực hiện thành công việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Bên cạnh việc nâng cao mức sống, thu nhập cho người nông dân thì tích tụ ruộng đất còn góp phần sử dụng đất đai có hiệu quả cao, tránh được tình trạng lãng phí đất đai.

Việc tập trung, tích tụ đất đai góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân và tránh tình trạng lãng phí đất đai.

Theo Báo cáo của Sở TN&MT Ninh Bình trong những năm qua việc tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chủ yếu dưới 3 hình thức: Dồn điền, đổi thửa; Nhận chuyển nhượng hoặc thuê ruộng đất và Góp ruộng đất.

Đối với hình thức dồn điền, đổi thửa: tỉnh thực hiện 02 lần “Dồn điền – Đổi thửa”. Lần thứ nhất (2002-2003), đưa số thửa đất sản xuất nông nghiệp trung bình của một hộ gia đình từ 07 thửa xuống còn 04 thửa; từ năm 2014 đến nay thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình tiến hành “Dồn điền – Đổi thửa” lần thứ 02 đã giảm số thửa đất sản xuất nông nghiệp trung bình của một hộ gia đình từ 04 thửa xuống còn 02 thửa.

Người dân đang hăng say sản xuất trên một cánh đồng lớn sau khi tập trung đất đai.

Đối với hình thức nhận chuyển nhượng (mua) hoặc thuê ruộng đất: Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được tiến hành theo thỏa thuận thông qua thị trường chuyển nhượng đất đai. Nhưng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít (Xã Gia Phương, huyện Gia Viễn; xã Văn Hải, huyện Kim Sơn…)

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay, tập trung, tích tụ đất đai dưới hình thức Doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp: Hình thức trả tiền thuê theo từng vụ, từng năm hoặc cho cả thời gian thuê; thời gian cho thuê được thỏa thuận ổn định (thường là 5 – 10 năm) để người thuê có thời gian bỏ vốn, đầu tư, triển khai áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất với tổng diện tích tích tụ đất đai theo mô hình này là 380,4 ha gồm: Công ty cổ phần Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình thuê 300 ha đất; Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh thuê 12,2 ha; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Hà thuê 4,3 ha; Công ty dược thảo Hoàng Thành Ninh Bình thuê 16,9 ha đất; Công ty TNHH Phủ Thuận Thiên thuê 33 ha đất; Công ty TNHH Tân Nhật Minh thuê đất 14 ha đất.

Đối với hình thức góp ruộng đất: Mô hình này trên địa bàn tỉnh có nhưng chưa nhiều.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Đỗ Quang An – Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh cho biết: Trên địa bàn xã hiện có gần 40 ha ruộng đất tập trung, tích tụ được, sau hơn 1 năm triển khai công tác tích tụ ruộng đất thì bước đầu được nhân dân đánh giá cao, có hiệu quả. Trước kia người dân làm quần quật suốt ngày nhưng thu nhập cũng không là bao thì nay thu nhập đã nâng lên 4 – 6 triệu/người/tháng. Hay trước người dân luôn sống trong thấp thỏm, lo âu với thiên tai, mất mùa thì nay việc này đã không phải bận tâm vì đã có doanh nghiệp bao tiêu sản xuất khép kín, trong khi thu nhập thì ổn định, đời sống không ngừng nâng cao nên bà con rất phấn khởi và đặc biệt là tránh được tình trạng lãng phí đất đai.

Anh Tú

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/ninh-binh-no-luc-thuc-hien-tich-tu-dat-dai-1259311.html