Ninh Bình, vùng cố đô trên đà phát triển

Ninh Bình, vùng kinh đô hồi đầu thế kỷ 10 với sự ra đời của Nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng sáng lập là mốc son chói lọi trong pho tàng lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo sử sách còn ghi lại, kinh đô Hoa Lư xưa còn nổi tiếng sầm uất với những vùng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, thêu ren, gốm, trạm khắc đá... vẫn lưu truyền cho đến ngày nay. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân tỉnh Ninh Bình đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn phát triển kinh tế - xã hội không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Lao động nông thôn tham gia sản xuất trong khu công nghiệp của tỉnh Ninh Bình.

Từ những trang sử vàng

Công cuộc đấu tranh thống nhất 12 sứ quân năm 968, đưa giang sơn thu về một mối của Đinh Bộ Lĩnh lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), có cha là Đinh Công Trứ (từng giữ chức Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền), mẹ là Đàm Thị. Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và đám gia nhân về quê Đại Hoàng sinh sống. Sử cũ của Việt Nam đều ghi chép về tài trí thông minh, mẫn tiệp hơn người của Đinh Bộ Lĩnh. Hơn nữa, ông còn tỏ ra là người tài làm tướng chỉ huy ngay từ khi còn ít tuổi. Với tài trí hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được tôn làm Tù trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hưng, Gia Phú, Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) từng bước tập hợp và củng cố lực lượng.

Theo sử sách kết hợp với truyền thuyết địa phương, để củng cố và phát triển lực lượng, Đinh Bộ Lĩnh tập hợp đám bạn trẻ thời niên thiếu “cùng chăn trâu cắt cỏ”, sau trở thành những trợ thủ nổi tiếng như: Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ và tuyển mộ nhiều trai tráng trong vùng thành một đội gia binh riêng.

Năm 951, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh khá mạnh. Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập ở triều đình Cổ Loa đem quân đánh hàng tháng trời không thắng, phải rút quân về. Đinh Bộ Lĩnh thấy Trần Lãm (Trần Minh Công) chiếm giữ Bố Hải Khẩu (Thái Bình), là một sứ quân mạnh, đức độ nhưng không có con, liền cùng con trai là Đinh Liễn sang nương tựa. Trần Lãm thấy Đinh Bộ Lĩnh có tướng mạo khôi ngô, lại có chí lớn, liền nhận làm con nuôi, rồi giao binh quyền.

Đinh Bộ Lĩnh là một nhà quân sự đầy kinh nghiệm, một vị tướng có tầm chiến lược cao, sách lược khôn ngoan, sáng suốt. Trong khoảng hai năm (966 - 967), ông áp dụng kinh nghiệm chính trị mềm dẻo để liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn nhằm chinh phạt những sứ quân gây cuộc “nổi loạn” ở đầu thế kỷ 10, thu giang sơn về một mối.

Ngày 9-3 âm lịch (năm 968), sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt (tức “Nước Việt to lớn”), định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ: “Năm Mậu Thìn (968). Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”.

Vị trí dựng đặt kinh đô Hoa Lư có diện tích khoảng 300 ha, là vùng đồng chiêm trũng được bao quanh bởi các dãy núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ, núi non hiểm trở. Với tầm nhìn của nhà quân sự, Đinh Tiên Hoàng triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên để xây thành, đắp lũy, nối liền các khoảng trống giữa các núi thành một hệ thống khép kín. Năm 970, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu mới là “Thái Bình”. Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng mô hình nhà nước với thiết chế mới: Nhà nước quân chủ trung ương tập quyền thống nhất.

Triều đình Trung ương tại Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng đứng đầu, con trai cả là Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương, có quyền hành lớn chỉ sau Hoàng đế và được giao đặc trách công việc bang giao. Năm Thái Bình thứ 2 (971), vua bắt đầu quy định cấp bậc văn, võ, tăng đạo. Đến năm 975, quy định áo mũ của các quan văn, võ.

Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho Lê Hoàn giữ chức “Thập đạo tướng quân”. Quy định về quân 10 đạo có các loại: Quân, lữ, tốt, ngũ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đinh Tiên Hoàng, năm Thái Bình thứ 5 (974), quy định quân 10 đạo, một đạo 10 quân, một quân 10 lữ, một lữ 10 tốt, một tốt 10 ngũ, một ngũ 10 người”. Quân thường trực thời Đinh bắt đầu được trang bị quân phục thống nhất. Binh lính đều đội mũ “Tứ phương bình đính” (bốn góc vuông, phía trên phẳng) bằng da. Và quân túc vệ đều thích trên trán ba chữ “Thiên tử quân” để phân biệt với các loại quân khác. Quân đội được trang bị các loại bạch khí, kết hợp giữa giáo, kiếm, côn với cung, nỏ.

Thời Đinh Tiên Hoàng, kinh tế nông nghiệp được quan tâm. Nhà vua nắm toàn bộ ruộng đất trong nước, vừa để khẳng định quyền lực vừa để nắm lấy thần dân, thu tô thuế, điều động nhân lực bổ sung quân đội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng quan tâm tới việc khai hoang, lập làng, mở rộng diện tích canh tác xuống vùng đồng bằng và ven biển. Một số ngành nghề thủ công nghiệp cũng được chú ý phát triển như: Nghề thợ nề, thợ đá, mộc, chạm khắc, dát vàng bạc, gốm, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải lụa, làm giấy tiếp tục phát triển.

Khoảng năm 970, Đinh Tiên Hoàng cho phát hành đồng tiền đầu tiên của đất nước là “Thái Bình Hưng Bảo”. Sự ra đời của đồng tiền “Thái Bình Hưng Bảo” thúc đẩy việc trao đổi buôn bán hàng hóa trong nhân dân, trao đổi buôn bán vật phẩm thực hiện với Trung Quốc và các thuyền buôn nước ngoài.

Cùng với việc xây dựng một chính quyền nhà nước có chủ quyền, vua Đinh Tiên Hoàng chú ý đến phát triển văn hóa, những cơ sở nền móng của một nền văn hóa mang tính dân tộc được hình thành. Thời kỳ này, nhiều loại hình văn hóa dân gian đã hình thành như ca múa nhạc (thể hiện qua truyền thuyết bà Phạm Thị Trân ở Hồng Châu, tỉnh Hưng Yên dạy quân sĩ hát, đánh trống, được phong chức và được suy tôn là Huyền Nữ Ưu Bà), một số môn xiếc điêu luyện được biểu diễn trên lầu Đại Văn.

Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua, lập ra triều Tiền Lê. Triều Tiền Lê có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tống (năm 981) và dẹp loạn ngoại xâm, quấy nhiễu Chăm-pa (năm 982). Sau khi Lê Long Đĩnh mất (năm 1009), triều đình đưa Lý Công Uẩn lên làm vua, lập ra triều Lý (1009 - 1225). Năm 1010, vua Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Việc dời đô về Thăng Long phản ánh yêu cầu mới của sự phát triển nhà nước phong kiến tập quyền và chứng tỏ khả năng, lòng tin, quyết tâm của cả dân tộc trong việc giữ vững nền độc lập. Cùng với tinh thần, ý chí đó, năm 1054, nhà Lý (vua Lý Thánh Tông) đổi tên nước là Đại Việt.

Đến những thành tựu kinh tế - xã hội

Sống trên mảnh đất hào hùng lịch sử của ông cha để lại, từ nhiều năm trải qua nhiều khóa đại hội Đảng, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng quân và dân tỉnh Ninh Bình không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2017 và quý I năm 2018 là thời gian đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 21. Các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra. Kinh tế phát triển khá toàn diện, GRDP tăng 7,95%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, sản xuất nông nghiệp tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ song vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng, tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) tăng 2,2% so với năm 2016 đưa giá trị sản phẩm trên một héc-ta đất canh tác đạt 110 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 46,55 vạn tấn. Thủy sản tiếp tục phát triển, sản lượng ước đạt 49,6 nghìn tấn, tăng 12,2% so với năm 2016. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo tích cực, huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, tỉnh có thêm 20 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 80 xã (chiếm 67,2% tổng số xã) và TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, Hoa Lư dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới trên quy mô toàn huyện ở tỉnh Ninh Bình.

Sản xuất công nghiệp giữ vững đà tăng trưởng, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như lắp ráp ô-tô, sản xuất phân bón, thiết bị điện tử có mức tăng khá, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,05% so với năm trước và vượt 8,8% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện ước đạt 23,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% và vượt 5,4% kế hoạch. Các công trình, dự án về giao thông, thủy lợi, xây dựng hạ tầng đô thị, các nhà máy sản xuất công nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện. Tỉnh còn chấp thuận thêm 35 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 5.144 tỷ đồng, thành lập mới 670 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, tăng 16,7% so với năm 2016, quyết định giải thể 45 doanh nghiệp, tạm ngừng hoạt động 108 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.

Các ngành dịch vụ bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Hoạt động du lịch đạt kết quả tích cực, số lượng khách đến và lưu trú tăng, chất lượng phát triển và doanh thu tăng khá, số khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt hơn bảy triệu lượt khách, tăng 8,8% so với năm trước, vượt 4,6% kế hoạch; doanh thu du lịch ước đạt 2.489 tỷ đồng, tăng 41%, vượt 38,3% kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.154 triệu USD, tăng 22% so với năm trước và vượt 5% kế hoạch.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017 đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2016, vượt 46,1% dự toán HĐND tỉnh. Tổng chi ngân sách ước đạt 8.279 tỷ đồng, vượt dự toán 19,9%, tăng 9,4% so với năm 2016; bảo đảm cân đối các khoản chi đầu tư, chi thường xuyên, chi bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu tín dụng trên địa bàn; tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng năm 2017 đạt 36,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2016; tổng dư nợ cho vay ước đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9%, trong đó nợ xấu là 855 tỷ đồng, chiếm 1,38% tổng dư nợ.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế và các chính sách an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chỉ đạo cấp ủy đảng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên. Thể hiện rõ nét là ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện nghiêm chương trình kiểm tra, giám sát ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho các đồng chí Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra đảng ủy cơ sở thuộc 145 xã, phường, thị trấn. Chuẩn bị tốt nội dung, chương trình phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ bản tháo gỡ những khó khăn, tồn tại được nêu trong Thông báo số 716-TB/UBKTTW và Thông báo số 180-TB/UBKTTW. Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng. Đồng thời xem xét và thi hành kỷ luật các tổ chức đảng, cá nhân có khuyết điểm sai phạm. Trong năm 2017, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra 843 tổ chức đảng, 971 đảng viên; giám sát chuyên đề 591 tổ chức đảng, 651 đảng viên. Các tổ chức đảng có thẩm quyền trong tỉnh thi hành kỷ luật 296 đảng viên bằng các hình thức: Khiển trách 226 người, cảnh cáo 38 đồng chí, cách chức chín người, khai trừ 23 trường hợp, thi hành kỷ luật đối với 11 tổ chức đảng bằng các hình thức: Khiển trách chín, cảnh cáo hai tổ chức đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.

Không ngừng đổi mới để phát triển kinh tế - xã hội trên vùng đất nghìn năm văn hiến, Tỉnh ủy Ninh Bình nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình vừa ra Thông báo số 911-TB/TU về việc tinh gọn biên chế bộ máy cấp xã, phường. Theo đó, quy định cụ thể số lượng cán bộ xã, phường, thôn, xóm và độ tuổi. Đồng thời quy định rõ việc kiêm nhiệm các chức danh nhằm bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tại cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế sản xuất - kinh doanh đạt kết quả cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền sát cánh cùng quân và dân trong tỉnh Ninh Bình không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và vững chắc xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của vùng cố đô xưa.

NGUYỄN THỊ THANH

Ủy viên T.Ư Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/36144102-ninh-binh-vung-co-do-tren-da-phat-trien.html