Ninh Kiều ứng phó triều cường

Đợt triều cường dự báo lên cao ở mức từ 2,20-2,25m vào các ngày 28, 29, 30-10-2019. Tình hình ngập đường phố, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại, kinh doanh của người dân trên địa bàn quận trung tâm TP Cần Thơ tiếp tục diễn ra. Để hạn chế tình trạng ngập nghẹt, quận Ninh Kiều đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp ứng phó triều cường...

Ảnh hưởng triều cường

Theo UBND quận Ninh Kiều, có trên 119 tuyến đường giao thông (chưa kể các tuyến đường trong khu dân cư mà chủ đầu tư chưa bàn giao quận quản lý) đều bị ngập nước trong đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch vừa qua. Trong đó, có 61 tuyến đường chính bị ngập sâu từ 0,4m đến 0,6m, như: các tuyến đường thuộc phường Tân An, An Lạc và đường Mậu Thân (phường An Hòa), đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Khánh), đường Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Trần Văn Hoài và các tuyến đường thuộc cồn Khương, Trung tâm thương mại Cái Khế… Các tuyến đường còn lại ngập sâu từ 0,2-0,4m. Ông Trần Tiến Dũng, Quyền Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt triều cường vừa qua, quận Ninh Kiều tăng cường công tác ứng phó, tuyên truyền để người dân phòng tránh, nhất là huy động lực lượng từ công an, dân phòng, đoàn viên thanh niên… tham gia hỗ trợ, phân luồng giao thông trong các đợt triều cường sắp tới”.

Đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều bị ngập sâu trong đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch vừa qua, làm ảnh hưởng sinh hoạt, giao thông của người dân.

Đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều bị ngập sâu trong đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch vừa qua, làm ảnh hưởng sinh hoạt, giao thông của người dân.

Thời gian qua, quận Ninh Kiều thường xuyên bị ngập do triều cường, bởi Ninh Kiều tiếp giáp trực tiếp với sông Hậu, sông Cần Thơ và có nhiều kênh, rạch nên chịu tác động lớn của thủy triều. Đồng thời, nhiều tuyến đường trước đây đầu tư có cao độ chỉ từ 1,7m đến 1,8m nên dẫn đến ngập sâu; khu vực trung tâm quận Ninh Kiều có hệ thống thoát nước không đồng bộ, đường ống thoát nước có tiết diện nhỏ và nhiều tuyến đường có đường cống chỉ D400 nhưng phải vừa thoát nước mưa, vừa thoát nước sinh hoạt nên khi triều cường dâng cao, chảy tràn vào mặt đường thì nước thoát rất chậm, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân…

Ông Trần Tiến Dũng cho biết thêm, quận còn có 176 van ngăn triều, trong đó có 123 van do Dự án nâng cấp đô thị TP Cần Thơ đầu tư xây dựng, 53 van do Dự án Thoát nước và Xử lý nước thải đầu tư xây dựng, với đường kính D400-D2000. Nhưng, phần lớn các van ngăn triều này hoạt động chưa đạt hiệu quả cao và đã có 58 van ngăn triều bị hư hỏng, không đảm bảo độ kín để chống nước tràn vào hệ thống cống khi đóng van. Công tác vận hành đóng mở van ngăn triều phụ thuộc vào sức người, công nhân gặp khó khăn khi mở, treo nắp van ngăn triều để thoát nước… Đây là những khó khăn cần xem xét, khắc phục thời gian tới.

Giải pháp

Để chủ động ngăn ngừa tác hại của triều cường, đảm bảo an toàn về người, sinh hoạt, tài sản, kinh doanh cho người dân, UBND quận Ninh Kiều yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó. Qua đó, các đơn vị công ích cử lực lượng túc trực triều cường dâng cao trên các tuyến đường, nhằm kịp thời khắc phục sự cố, khai thông dòng chảy khi triều cường rút; kiểm tra, xử lý nhanh các nắp hố ga, miệng thoát nước bị che lấp bởi rác thải; kịp thời đóng, mở van ngăn triều khi triều cường dâng cao và rút xuống. Để đảm bảo an toàn về lưới điện thắp sáng công cộng, quận Ninh Kiều yêu cầu đơn vị quản lý tắt hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn trang trí tại các tuyến đường khi triều cường lên cao, nhằm tránh rò rỉ điện ảnh hưởng đến sinh mạng người dân. Chỉ đạo Công an quận Ninh Kiều và lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, xung kích trực điều tiết, hướng dẫn giao thông và hỗ trợ người dân di chuyển qua các điểm giao lộ, các tuyến đường bị ngập sâu…

Ông Trần Tiến Dũng cho biết: “Sau khi các đợt triều cường chấm dứt, UBND quận chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận kiểm tra toàn bộ các tuyến đường, cầu giao thông, các hố ga, hộc thu nước nhằm phát hiện hư hỏng, bong tróc để kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn cho người dân. Dự báo các đợt triều cường đầu và giữa tháng 10 âm lịch, đầu tháng 11 âm lịch tới tiếp tục lên cao, quận Ninh Kiều duy trì và tăng cường lực lượng ứng cứu nêu trên, nhằm hạn chế thấp nhất mức độ tác động xấu, gây thiệt hại do triều cường…”.

Nhằm giảm thiểu việc ngập nghẹt diễn ra trong thời gian tới, UBND quận Ninh Kiều kiến nghị thành phố sớm đầu tư nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước tại các tuyến đường bị ngập sâu; xây dựng các tuyến kè có cao độ phù hợp thành đê bao khép kín nhằm hạn chế ngập nước vùng lõi đô thị do ảnh hưởng triều cường; bố trí vốn đầu tư, cải tạo, mở rộng, tăng cường số lượng hộc thu nước trên mặt đường để việc tiêu thoát nước nhanh hơn; chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp thoát nước Cần Thơ vận hành tốt nhà máy xử lý nước thải thành phố để hỗ trợ việc bơm, tiêu thoát nước trên địa bàn quận Ninh Kiều khi có mưa lớn và triều cường lên cao; chỉ đạo ngành nông nghiệp xem xét tính hiệu quả lúa vụ 3, ngăn đê bao khép kín làm nước không vào đồng ruộng, ao, hồ nên gây áp lực ngập nghẹt đô thị ngày càng nghiêm trọng; cần nghiên cứu hạn chế sản xuất lúa vụ 3, nhằm mở đồng đón nước, chan hòa nước, hạn chế ngập đô thị thời gian tới…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ninh-kieu-ung-pho-trieu-cuong-a114563.html