Ninh Thuận dồn sức ứng phó với hạn

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, từ nay đến giữa tháng sáu, khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện lũ tiểu mãn, nhưng ở mức thấp hơn so với cùng thời kỳ. Nếu hạn kéo dài đến tháng chín, nhiều vùng sẽ bị hạn gay gắt cục bộ. Để ứng phó với hạn, Ninh Thuận đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống, nhằm giảm thiểu đến mức có thể thiệt hại về vật nuôi, cây trồng, đồng thời vẫn ổn định sản xuất.

Để ứng phó với hạn hán, người dân ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải cùng nhau góp vốn đào giếng và lắp đặt hệ thống dẫn nước tưới tiết kiệm tiếp tục sản xuất trong mùa hạn.

Hạn ngày càng gay gắt

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện tại, tổng dung tích 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hơn 120 triệu m3, chiếm khoảng 62% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa nước có dung tích nhỏ như: Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ, Suối Lớn, Ông Kinh, CK7, Ma Trai đã cạn kiệt. Dòng chảy một số sông suối nhỏ nằm xa đầu nguồn đã giảm lưu lượng, nguy cơ thiếu nước tưới ngày càng nhiều.

Nhiều diện tích nông nghiệp phải dừng sản xuất, nguy cơ thiếu đói sẽ xảy ra ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 2.340 hộ/9.947 người ở các xã Phước Thành, Phước Trung, huyện Bác Ái; thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; thôn Suối Le, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc; xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn đang thiếu nước sinh hoạt, cần phải chở nước phục vụ cho người dân. Và nhiều khu vực khác đang đứng trước nguy cơ thiếu nước nếu hạn kéo dài đến tháng chín.

Hiện tại, chỉ có 11/21 hồ chứa nước gồm: hồ Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Lanh Ra, Sông Biêu, Tân Giang, Nước Ngọt và Thành Sơn còn nước xả được để phục vụ sản xuất, chăn nuôi vụ hè thu; tại các vùng sản xuất lấy nguồn nước tưới của các hồ chứa nước Phước Trung, Phước Nhơn, Bầu Zôn, Tà Ranh, Bầu Ngứ và Suối Lớn dừng sản xuất vụ hè thu, lượng nước còn lại chủ yếu để phục vụ cho sinh hoạt và chăn nuôi; ba hồ chứa nước Núi Một, CK7 và Ma Trai dùng cho việc cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, tiếp nước, điều tiết bổ sung cho các hệ thống khác (hồ CK7 điều tiết nước bổ sung cho khu tưới hồ Tân Giang; hồ Ma Trai bổ sung nước cho hệ thống hồ Sông Trâu…). Riêng hồ Ông Kinh không còn nước phục vụ.

Từ đầu mùa khô đến nay, Ninh Thuận đã xảy ra 14 điểm cháy rừng, diện tích bị cháy hơn 6 ha. Cảnh báo cháy rừng hiện tại đang ở cấp độ 4.

Dồn mọi nguồn lực để vượt hạn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, để triển khai các phương án ứng phó với hạn hán và tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo đảm nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó cấp bách và lâu dài. Trước tiên, đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực của nhân dân như cần xác định rõ nguyên tắc việc sử dụng nước phải ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước phục vụ cho chăn nuôi, nước tưới cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; khuyến cáo người dân không sản xuất lúa ở những nơi có nguy cơ thiếu nước và chuyển sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp, tiết kiệm nước. Phổ biến các mô hình hay, hiệu quả để nhân rộng...

Mô hình tưới tiết kiệm trong trồng cỏ để chủ động thức ăn cho gia súc quanh năm đang được nông dân tỉnh Ninh Thuận nhân rộng.

Đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cấp nước sinh hoạt hoàn thành trong quý II-2018; tổ chức vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và các công trình cấp nước khác; thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước bảo đảm nước đạt tiêu chuẩn theo quy định để cung cấp cho nhân dân sinh hoạt. Khi phát hiện có sự cố, hư hỏng phải kịp thời khắc phục, sửa chữa ngay, không để tình trạng thất thoát, lãng phí nước.

Nắng hạn kéo dài, các hệ thống cấp nước sẽ có nguy cơ thiếu nguồn nước; mực nước và dung tích một số hồ chứa sẽ xuống thấp, nên nước không thể chảy vào kênh để bơm nước sinh hoạt cho người dân. Khi đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện các phương án sau: Khi đóng nước nạo vét kênh chính tây: Cấp nước bổ sung từ hệ thống cấp nước (HTCN) Lâm Sơn cho HTCN Lương Sơn; bổ sung nước từ HTCN Ma Lâm cho khu vực Tân Lập, Trà Giang. Khi đóng nước nạo vét kênh chính hồ sông Sắt, Trung tâm phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi mở nước và đóng cửa chặn hạ lưu cống lấy nước để cấp nước nguồn; lấy nước từ HTCN Ma Lâm cấp bổ sung cho Phước Tân, Phước Tiến, Phước Chính và Phước Thắng. Khi đóng nước nạo vét kênh chính Nam thì bơm nước từ HTCN tạo nguồn dọc kênh Nam; điều tiết nước từ hồ Tân Giang; nếu còn thiếu thì một số vùng phải cấp nước luân phiên....

Đối với HTCN Lâm Sơn, tăng cường nguồn nước tự chảy cấp bổ sung một phần nước sinh hoạt cho 1.565 hộ/6.403 khẩu xã Lương Sơn trong thời gian kênh tây hết nước. Đối với HTCN Mỹ Tường, vừa qua đã bổ sung hệ thống lắng lọc xử lý nước tại Phương Cựu để cấp cho Mỹ Tường. Tuy nhiên để giải quyết dứt điểm việc thiếu nước, cần bổ sung nước nguồn từ Ba Tháp. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp Công ty cổ phần cấp nước Ninh Thuận bơm tăng áp từ 14–20 giờ hằng ngày để tăng công suất phục vụ nước sinh hoạt cho 390 hộ/1.560 khẩu. Bơm nước từ HTCN Lợi Hải lên xã Phước Kháng để cung cấp nước cho 545 hộ/2.432 khẩu. Tại HTCN Nhị Hà sẽ được bổ sung nguồn nước từ hồ Tân Giang về. Nếu hồ Tân Giang hết nước thì bơm nước từ HTCN Hữu Đức lên Hậu Sanh và bơm nước từ Hậu Sanh lên Nhị Hà phục vụ cho 1.245 hộ/4.368 khẩu và Phước Hà 838 hộ/3.737 khẩu xã Phước Hà...

Tại các vùng đã và đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, UBND tỉnh giáo cho Sở Xây dựng, Công ty cổ phần Cấp nước, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp các địa phương chở nước đến tận các vùng hạn để phục vụ nhân dân, không để thiếu nước ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong mùa khô năm 2018. Đồng thời, vận động nhân dân đào ao, khoan giếng để bổ sung nguồn nước sinh hoạt, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước.

Hướng dẫn nhân dân tổ chức thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan trên người, vật nuôi. Khi có dịch xảy ra phải kịp thời xử lý, dập tắt ngay, không để phát sinh, lây lan ra diện rộng. Hướng dẫn các địa phương xác định thiệt hại gia súc, gia cầm để làm cơ sở hỗ trợ theo quy định.

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Vụ hè thu năm nay, Ninh Thuận có 21.213 ha đất sản xuất, trong đó có 12.539 ha lúa; 8.674 ha cây màu và hơn 413 ha nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả, tỉnh đưa ra hai phương án sản xuất. Trong đó, dự kiến toàn tỉnh sẽ tạm ngưng khoảng 8 nghìn ha. Nếu có lũ tiểu mãn thì sẽ bổ sung thêm diện tích.

Hộ chị Đỗ Thị Cang ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải sáng tạo bằng cách đầu tư trải bạt nhựa trên nền đất rồi bơm nước tích trữ để chủ động nước tưới cho ba sào trồng hành, tỏi trong mùa hạn.

Ngoài việc tăng cường chuyển giao, nhân rộng các mô hình áp dụng giống cây trồng chịu hạn có hiệu quả để đưa vào sản xuất; khuyến cáo nhân dân giảm diện tích gieo trồng lúa, tăng diện tích cây trồng cạn, ít sử dụng nước. Hướng dẫn người chăn nuôi trồng cỏ, cách chế biến các phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn. Ninh Thuận cũng chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ hè thu hơn 721 ha tại các huyện Thuận Nam (104 ha), Ninh Phước (73,7 ha), Ninh Hải (33,5 ha), Thuận Bắc (284 ha), Ninh Sơn (66,4 ha) và Bác Ái (160 ha). Các đối tượng cây trồng xác định chuyển đổi là ngô, đậu xanh, sắn, cỏ chăn nuôi, nho, táo và một số cây ăn quả khác.

Với những nỗ lực trong triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán và ổn định sản xuất, có thể nói Ninh Thuận đã và đang tìm được lời giải cho bài toán khó lâu nay. Tin rằng, Ninh Thuận sẽ vượt qua những khó khăn thách thức trong tình hình hạn hán gay gắt kéo dài cho đến tháng chín năm nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/36153702-ninh-thuan-don-suc-ung-pho-voi-han.html