Ninh Thuận: Người phụ nữ đầu tiên vẽ hoa văn màu lên gốm Bàu Trúc

Từ nhiều năm nay, họa sĩ Chế Kim Trung (ngụ TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã nghiên cứu và đưa hình vẽ hoa văn có màu rực rỡ lên các sản phẩm gốm Chăm.

Clip họa sĩ Chế Kim Trung bộc bạch về nghệ thuật vẽ trên gốm Chăm.

Gốm Chăm được mặc “chiếc áo mới”

Những sản phẩm gốm đều được họa sĩ Chế Kim Trung thực hiện thủ công. (Ảnh: Duy Quan).

Lâu nay, việc vẽ trên các bình gốm sứ rất phổ biến, thế nhưng vẽ trên bình gốm Chăm thì họa sĩ Chế Kim Trung là người đầu tiên. Thử nghiệm từ năm 2000 đến nay, nữ họa sĩ đã vẽ thành công và những bình gốm đã khoác trên mình “chiếc áo mới” với nhiều sắc màu rực rỡ làm cho nhiều người thích thú.

Vẽ trên gốm Bàu Trúc khó nhất là khâu tạo màu. Bởi, gốm hút màu sắc mạnh nên người họa sĩ phải vẽ nhiều lần, nhiều lớp mới có được một sản phẩm ưng ý và bắt mắt.

“Mỗi dáng điệu có một ý tưởng riêng của người sáng tác. Để vẽ được một sản phẩm ưng ý, tôi phải lắng nghe âm thanh từ trong những chiếc bình vọng ra. Những âm thanh từ trong chiếc bình nó văng vẳng làm chất xúc tác trong tiềm thức để mình truyền tải hình ảnh, hoa văn, lễ hội qua những bút pháp bằng màu, bằng hình”, họa sĩ Kim Trung chia sẻ.

Những chiếc bình gốm được thổi hồn bằng những gam màu, hình ảnh bắt mắt. (Ảnh: Duy Quan).

Vẽ trên gốm Bàu Trúc là cách mà họa sĩ Kim Trung thể hiện tình yêu đối với văn hóa dân tộc. Nếu mỗi bình gốm Bàu Trúc là một mảng duy nhất thì những hoa văn, đường vẽ trên bình gốm cũng không lặp lại trên bình thứ hai.

Nhìn vào mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc của họa sĩ Kim Trung, người xem sẽ thấy được sự khéo léo, tỷ mỉ và óc sáng tạo của những người phụ nữ Chăm dù là công đoạn tạo hình hay vẽ trên gốm.

Họa sĩ Kim Trung chia sẻ: “Vẽ trên gốm cũng phải đòi hỏi có cảm xúc để thả hồn vào từng nét vẽ. Có như vậy mới cho ra những sản phẩm gốm độc đáo”

Từ khi xác định theo con đường sáng tác chuyên nghiệp về mỹ thuật, thì hầu hết các tác phẩm mỹ thuật của nữ họa sĩ này mang những sắc thái, âm hưởng riêng. Phong cách tác phẩm của họa sĩ Kim Trung đều mang hơi thở hiện thực và sự cổ kính của văn hóa Chăm.

Đưa văn hóa Chăm vào hội họa

Các sản phẩm gốm Bàu Trúc được mặc "chiếc áo mới" lộng lẫy hơn. (Ảnh: Duy Quan).

Những ngày giữa tháng 12, PV báo Người Đưa Tin có dịp tham quan phòng tranh của họa sĩ Chế Kim Trung, tận mục những tác phẩm đất nung thô mộc được họa sĩ Kim Trung “thổi hồn” bằng các họa tiết mỹ thuật trở thành những sản phẩm độc đáo nâng tầm thương hiệu gốm Bàu Trúc.

Với tài năng, say mê văn hóa dân tộc của mình, nữ họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo nên con đường nghệ thuật rất riêng mà ở đó mỗi tác phẩm đều mang màu sắc văn hóa Chăm đặc sắc.

Dẫn PV đi tham quan, họa sĩ Kim Trung chia sẻ: “Trong quá trình sáng tác, tôi thể hiện nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó, chủ đề về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt đời thường của người Chăm thì tôi sáng tác nhiều hơn, sâu hơn. Đặc biệt là phần lễ nghi, lễ hội của cộng đồng Chăm rất đa dạng và phong phú. Để có một sản phẩm hoàn thiện và chân thật, tôi cũng phải nghiên cứu, trải nghiệm nhiều năm. Có như vậy mới thể hiện được cái hồn của các lễ nghi, lễ hội của người Chăm”.

Đến nay, sau hơn 18 năm hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Chế Kim Trung đang sở hữu một “gia tài” mỹ thuật đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một đề tài riêng, một cảm xúc riêng về lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, đề tài kháng chiến, tình yêu quê hương đất nước.

Tranh của họa sĩ Kim Trung thể hiện trên nhiều chất liệu, tông màu khác nhau như: Sơn dầu, sơn màu, khắc gỗ, lụa, thuốc nước, bột màu. Kỹ thuật, phương pháp thể hiện cũng không bó hẹp trong một trường phái cụ thể nào, từ lập thể, trừu tượng đến hiện thực, lãng mạn.

Họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo dựng được phong cách, tên tuổi riêng trong dòng chảy nghệ thuật hội họa đương đại với những tác phẩm đoạt giải qua các cuộc thi cấp khu vực và toàn quốc.

Cụ thể, chị đã có 24 tác phẩm đoạt các giải thưởng cao, tiêu biểu như: Lễ cầu mưa (giải A năm 2008 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Làng Chăm ơn Bác (giải A năm 2009 - Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Sắc màu lễ hội Ka tê Chăm (giải A năm 2012 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) và hàng chục giải B, C được trao qua các năm.

Trung bình mỗi năm, họa sĩ Chế Kim Trung nhận một giải, có năm nhận hai giải, một thành tích rất ít các họa sĩ đạt được.

Ngoài ra, họa sĩ Chế Kim Trung cũng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc (giai đoạn 2004 - 2014), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ sáng tác trên gốm Chăm, họa sĩ Chế Kim Trung còn vẽ tranh trên nhiều chất liệu khác nhau với nhiều chủ đề phong phú về văn hóa Chăm. (Ảnh: Duy Quan).

“Tôi cũng trăn trở làm sao có thể mở rộng được không gian sáng tác và nơi trưng bày rộng hơn nữa để quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết được những hình tượng về văn hóa Chăm, hình tượng về nét đẹp sắc xảo, tỉnh hoa của gốm Chăm. Tôi cũng mong muốn sẽ được truyền dạy lại kỹ thuật vẽ hoa văn màu trên gốm Bàu Trúc cho bà con để họ phát triển hơn làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á này”, họa sĩ Kim Trung bồi hồi nói.

Hiện nay, bên cạnh công việc sáng tác, giảng dạy mỹ thuật, họa sĩ Chế Kim Trung còn tận dụng không gian ngôi nhà của mình mở phòng trưng bày tranh có hàng nghìn tác phẩm với mong muốn giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo mỹ thuật cũng như quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm đến du khách trong và ngoài nước.

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ninh-thuan-nguoi-phu-nu-dau-tien-ve-hoa-van-mau-len-gom-bau-truc-a414554.html