Ninh Thuận phát huy dân chủ giải quyết vướng mắc

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII, Tỉnh ủy Ninh Thuận tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giải quyết vướng mắc, bức xúc kéo dài. Ðến nay, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ chức đảng, chính quyền.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Lắng nghe dân, tìm giải pháp thấu tình, đạt lý

Ninh Thuận là tỉnh năng động trong phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều kết quả, nhưng cùng với đó cũng nảy sinh những vướng mắc liên quan đến đất đai, môi trường; trong đó có khá nhiều vụ việc để tồn đọng, kéo dài. Kiểm điểm, xác định nguyên nhân, Tỉnh ủy Ninh Thuận chỉ rõ do một số cấp ủy, chính quyền khi giải quyết vụ việc còn chủ quan, duy ý chí, chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nhằm khắc phục, Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân. Thực tế cho thấy, khi người dân được tham gia trực tiếp cùng cấp ủy, chính quyền bàn bạc dân chủ, công khai thì nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại được giải quyết. Vụ việc di dời chợ Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm là một thí dụ điển hình.

Năm 2014, tỉnh Ninh Thuận chủ trương di dời chợ Tấn Tài đã quá tải dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, sang hoạt động tại chợ Nông sản Phan Rang mới được xây dựng. Một số hộ kinh doanh lo lắng thay đổi địa điểm sẽ bị ảnh hưởng cho nên có kiến nghị gửi chính quyền địa phương; không được giải quyết thỏa đáng, các tiểu thương đã tụ tập phản đối, khiếu kiện vượt cấp. Sự việc kéo dài hơn hai năm, trở thành “điểm nóng” của tỉnh.

Trước tình hình đó, Thành ủy Phan Rang - Tháp Chàm chỉ đạo cơ quan chức năng cùng chính quyền cơ sở tổ chức đối thoại với bà con. Qua đối thoại, nguyên nhân được làm rõ là chính quyền cơ sở chưa chú trọng lắng nghe ý kiến của nhân dân, đưa ra nhiều quyết định bất cập khi sắp xếp, tổ chức kinh doanh cũng như cơ chế, biện pháp hỗ trợ. Từ đó, các cơ quan chức năng của thành phố xem xét từng trường hợp để có phương án sắp xếp và chính sách hỗ trợ phù hợp; đồng thời niêm yết công khai để nhân dân giám sát. Cách làm này được nhân dân ủng hộ, đồng thuận cao, không còn xảy ra khiếu kiện.

Huyện Ninh Hải cũng đã có cuộc đối thoại với khoảng 100 người dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, nhằm gỡ nút thắt trong dự án đầu tư xây dựng trạm nghiền đá tại địa phương. Cụ thể, Dự án tuyến đường ven biển qua địa phận huyện Ninh Hải, có gói thầu số 1 khi thi công phải nổ mìn bạt núi, rơi vãi nhiều tảng đá lớn. Theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Ninh Thuận, đơn vị thi công xây dựng trạm nghiền đá để tận dụng đá làm đường. Huyện Ninh Hải đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng trạm nghiền đá ở khu vực cách khu dân cư thôn Thái An khoảng 2 km. Do lắp đặt thiết bị và bố trí hoạt động không đúng như cam kết, trạm để bụi đá phát tán gây ô nhiễm môi trường. Người dân Thái An ngăn chặn trạm hoạt động và kiến nghị huyện đình chỉ sản xuất. Tuy nhiên, sau gần ba tháng đình chỉ, dù nhà đầu tư đã điều chỉnh theo đúng cam kết về môi trường, được UBND huyện phê duyệt, người dân vẫn không đồng ý cho trạm hoạt động.

Khi chính quyền xuống đối thoại, nhiều ý kiến cho rằng, không thông tin cho người dân biết về công trình trước khi triển khai là không đúng Quy chế dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo huyện Ninh Hải tiếp thu ý kiến và chỉ đạo chính quyền cơ sở thành lập Tổ giám sát hoạt động trạm nghiền đá do dân cử, thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cũng từ cuộc đối thoại, bà con thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp, đã tán thành cho trạm nghiền đá tiếp tục hoạt động với điều kiện không ảnh hưởng môi trường, an toàn giao thông và sản xuất.

Ðối thoại với nhân dân không chỉ để tháo gỡ vướng mắc mà đã trở thành giải pháp hiệu quả để các cấp ủy, chính quyền phát huy trí tuệ của nhân dân trong triển khai nhiệm vụ của địa phương. Mới đây, UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cùng MTTQ thành phố có buổi đối thoại với người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo phường Bảo An. Sau khi được giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc về điều kiện vay vốn ngân hàng chính sách để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình…, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn và đăng ký thoát nghèo.

Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu

Từ vụ việc trạm nghiền đá tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hải nhận định, nếu các đồng chí lãnh đạo chủ chốt không đối thoại trực tiếp, chỉ nghe cấp dưới báo cáo thì không thể nắm rõ nguyên nhân vướng mắc do đâu để tháo gỡ. Huyện Thuận Nam cũng có nhiều vụ việc nổi cộm; điển hình là vụ khiếu kiện gần mười năm của người dân xã Phước Minh về Dự án muối công nghiệp xuất khẩu Quán Thẻ - Ninh Thuận gây nhiễm mặn đất sản xuất. Có lúc người dân nơi đây ngăn chặn doanh nghiệp sản xuất và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chỉ đến khi UBND tỉnh Ninh Thuận cử lãnh đạo đến kiểm tra thực tế, chia sẻ khó khăn với người dân, ghi nhận những thắc mắc, kiến nghị của bà con là chính đáng và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ giải quyết vấn đề đất nhiễm mặn, vụ việc mới được giải quyết.

Tại Tiểu khu 63 thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tháng 10-2014, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam Vinamilk thực hiện dự án Trang trại bò sữa Ninh Thuận và xây dựng vùng nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò trên địa bàn. Khi triển khai dự án, một số hộ dân có đơn khiếu nại chính quyền địa phương về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng. Cho rằng phần lớn đất của các hộ dân là đất khai hoang, lấn chiếm đất lâm nghiệp, UBND huyện Ninh Sơn đã không chấp nhận việc kê khai đền bù, thậm chí lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ dân. Quyết định không thuận lòng dân khiến một số hộ tiếp tục gửi đơn tới Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều lần tụ tập trước UBND tỉnh để khiếu nại.

Tỉnh ủy Ninh Thuận chỉ đạo lập đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cùng các ngành liên quan, về địa phương tổ chức đối thoại với người dân. Sau khi lắng nghe ý kiến của nhân dân, kiểm tra lại quy trình xử lý, đoàn công tác xác định, quyết định của UBND huyện Ninh Sơn chưa hợp tình, hợp lý. Bởi lẽ, trước đó, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt quy hoạch đất lâm nghiệp, nhưng địa phương chậm công bố quy hoạch; chưa thực hiện việc tổ chức cắm mốc xác lập ranh giới đất lâm nghiệp tại thực địa để giao cho cấp xã quản lý; công tác quản lý và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất không kịp thời, nên đã dẫn đến hệ lụy. Tỉnh yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chỉ đạo UBND huyện cùng các cơ quan chức năng xem xét bồi thường cho người dân theo quy định. Sau buổi đối thoại, người dân đồng tình giao mặt bằng cho các đơn vị tiếp tục thực hiện dự án.

Bài học từ các địa phương nêu trên cho thấy, khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt trách nhiệm của mình, tăng cường đối thoại với nhân dân, bảo đảm quyền dân chủ được phát huy thì nhiều vướng mắc sẽ được giải quyết ngay từ cơ sở. Tỉnh ủy Ninh Thuận đánh giá, tuy việc thực hiện quy chế đối thoại của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn có chuyển biến nhưng vẫn còn những hạn chế. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa quyết liệt, tính đồng bộ chưa cao.

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả đối thoại, Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Ðảng bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai tốt Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng tác phong người lãnh đạo gần gũi quần chúng, sâu sát cơ sở, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc.

Triển khai chủ trương này, UBND tỉnh Ninh Thuận ra Quyết định số 48/2018/UBND, ban hành Quy chế đối thoại với tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trao đổi, tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân nhằm thông tin về tình hình triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiếp nhận, giải đáp, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân… Quy chế đang được triển khai rộng rãi, bước đầu nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.

NGUYỄN TRUNG và VĂN TOÁN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38318102-ninh-thuan-phat-huy-dan-chu-giai-quyet-vuong-mac.html