Ninh Thuận tổ chức lại nghề khai thác thủy sản

Xác định khai thác hải sản là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế biển, thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai thực hiện đề án tổ chức lại nghề khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững.

 Cảng cá Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Cảng cá Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, với sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, nhiều ngư dân ở địa phương đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền để đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày. Tính đến tháng 10 vừa qua, Ninh Thuận có 43 dự án đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng dự toán trên 490 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho TTXVN biết, Ninh Thuận hiện có 2.459 tàu cá chiều dài trên 6 m, trong đó có 588 tàu cá hoạt động khai thác vùng khơi theo Luật Thủy sản 2017. Số tàu thường xuyên hoạt động tại vùng khơi ngoài tỉnh không ngừng gia tăng. Đội tàu đánh bắt xa bờ mà nòng cốt là các “tàu 67” đã góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản của địa phương tăng nhanh.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và Nghị định 89 đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, tập quán đánh bắt của ngư dân địa phương. Lần đầu tiên Ninh Thuận có những tàu cá đóng bằng vỏ thép, vỏ composite chiều dài trên 20 m, công suất máy trên 800 CV với trang thiết bị khai thác hải sản hiện đại. Nhờ vậy, năng lực khai thác tàu cá có những bước chuyển rõ rệt. Nhiều “tàu 67” hoạt động hiệu quả, cho lãi trung bình từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng sau mỗi vụ khai thác.

Để tiếp tục nâng cao năng lực khai thác của tàu cá, việc kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển được Ninh Thuận chú trọng nhằm xây dựng nghề khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm. Hiện Ninh Thuận đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hàng hải Movimar, Vx 1700 cho 316 tàu cá khai thác vùng khơi, số tàu còn lại đang được triển khai lắp đặt theo đúng lộ trình. Dự kiến đến tháng 4/2020, tất cả tàu cá của tỉnh sẽ gắn thiết bị giám sát hành trình để xác định tọa độ làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp, cứu hộ cứu nạn tàu cá trên biển.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện Ninh Thuận đang tập trung phát triển các nghề vây khơi, câu khơi kết hợp chụp mực, câu cá ngừ đại dương; giảm mạnh nghề lưới kéo, lưới vó, nghề mành và một số nghề lưới rê ven bờ để bảo vệ nguồn lợi hải sản. Đồng thời, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác trên các vùng cấm, sử dụng chất nổ, chất độc trong khai thác mang tính tận diệt.

Nhằm khuyến khích ngư dân mở rộng ngư trường khai thác, hằng tháng Chi cục thủy sản tỉnh Ninh Thuận phân công kỹ sư khai thác hải sản đi cùng ngư dân ra các ngư trường khai thác ở Trường Sa, DK1 và ngư trường một số tỉnh phía Nam để hỗ trợ ngư dân kỹ thuật khai thác; tư vấn pháp luật về khai thác và những nghề khai thác cho sản lượng, hiệu quả cao ngay trên biển nhằm làm thay đổi tập quán đánh bắt ven bờ lâu nay của ngư dân địa phương.

Để hướng tới nghề khai thác hải sản bền vững, bên cạnh việc định hướng sắp xếp, cơ cấu ngành nghề một cách phù hợp, giảm dần và tiến tới xóa bỏ các nghề khai thác thiếu tính bền vững, thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh khai thác xa bờ. Đồng thời, huy động các nguồn lực xây dựng, mở rộng cảng cá, bến cá, phát triển dịch vụ đóng sửa chữa tàu thuyền, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sau khai thác.

Ngoài việc đầu tư hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại, ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác dự báo sản lượng ngư trường khai thác. Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất 380.000 CV, khai thác đạt từ 75.000-80.000 tấn hải sản/năm, trong đó, khai thác hải sản xa bờ chiếm 65-70% sản lượng hải sản khai thác.

TB

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/bien-viet-nam/ninh-thuan-to-chuc-lai-nghe-khai-thac-thuy-san/380459.vgp