Níu giữ hồn áo dài xưa giữa thời hiện đại

Thời đại đã đổi khác kéo theo nhu cầu cuộc sống cũng khác xưa, nhưng áo dài cũng như một số di sản văn hóa của Huế vẫn là tài sản trí tuệ độc đáo, tài nguyên văn hóa của vùng đất di sản. Tài sản đó cần được bồi đắp thêm những giá trị mới để kết nối với mạch nguồn xưa, nhưng cần tránh không bị lai căng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đưa ra nhận định như thế tại hội thảo “Hướng phát triển của áo dài trong đời sống đương đại” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chiều 9/7 tại TP. Huế. Hội thảo thu hút hàng chục chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, nghệ nhân...

Phải giữ cho được hồn cốt xưa của áo dài, nhưng phải cải tiến để phù hợp với của sống hiện tại

Giữ hồn cốt xưa để cải tiến phù hợp

Ở góc nhìn của mình, nhà nghiên cứu - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin cho rằng, ngay trong những ngày được hồi sinh, chiếc áo dài ngũ thân xưa cũng không còn đúng nguyên mẫu. Vật liệu vải, kỹ thuật may thêu, nhuộm màu… cũng đã khác xưa, nhưng quan trọng nhất là hồn xưa vẫn còn trong vóc dáng của thời đại mới. “Vì vậy, cần phải giữ cho được hồn cốt xưa, nhưng phải cải tiến để phù hợp với của sống hiện tại”, ông Hoa nói.

Cũng theo ông Hoa, không nên cưỡng cầu biến áo dài thành loại thường phục, mà cần vận động từng bước để công chức, viên chức, học sinh, sinh viên… cả nam lẫn nữ mặc trong dịp phù hợp.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hồng Ngọc và Th.S Nguyễn Thị Thu Trang (Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh) gửi đến hội thảo tham luận đã khách quan chỉ rõ trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, áo dài Huế đang đối mặt với những thách thức về sự thay đổi văn hóa, xu hướng thời trang và thị trường.

Do đó, để chiếc áo dài Huế truyền thống bước vào đời sống đương đại, đảm bảo sự tiếp nhận và lan tỏa trong cộng đồng cần phải tìm ra giải pháp để vận dụng, phát triển những giá trị nó một cách sáng tạo, linh hoạt. Theo hai chuyên gia này, việc định hướng phát triển áo dài Huế trong đời sống đương đại liên quan đến các khía cạnh bảo tồn, phát huy văn hóa di sản truyền thống vào thiết kế thời trang, trang phục.

Về mặt lý thuyết bảo tồn di sản văn hóa có hai nguyên tắc. Nguyên tắc “bảo tồn tinh thần và cốt cách”, nhấn mạnh việc bảo tồn không chỉ ở hình thức vật chất mà còn ở những giá trị tinh thần và cốt cách văn hóa truyền thống. Nguyên tắc “tái tạo và phát triển”, không chỉ tập trung việc bảo vệ và bảo tồn di sản mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái tạo, phát triển nó một cách linh hoạt, phù hợp thực tế, nhu cầu xã hội hiện đại.

Ngoài ra, chú trọng việc khai thác và áp dụng các yếu tố tạo hình đặc trưng của áo dài Huế như hình dáng, màu sắc, phom dáng, đường nét, chất liệu, hoa văn họa tiết, kết hợp khoa học công nghệ và kĩ thuật hiện đại… Những yếu tố có thể tạo ra những thiết kế trang phục độc đáo và mới mẻ. Tuy nhiên cần lưu ý việc giữ nguyên giá trị cốt lõi và đặc trưng tinh thần văn hóa của áo dài Huế để không mất đi bản sắc, sự đặc biệt của nó.

Đáp ứng được yêu cầu của bộ lễ phục

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ và phát triển áo dài ngũ thân truyền thống (CLB Đình Làng Việt, Hà Nội) khẳng định lại vai trò của Huế là nơi sinh ra chiếc áo dài ngũ thân, tiền thân áo dài hiện đại, là nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị áo dài, thu hút nghệ nhân, nhà thiết kế. Cho nên, tỉnh cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm may, mặc áo dài. Đó cũng là dịp để các nghệ nhân, nhà thiết kế học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy sự phát triển cho những người làm nghề.

Đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế, nghệ nhân... tham dự hội thảo

Bàn về áo dài trở thành lễ phục và quốc phục, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, chiếc áo dài của ta hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu về tính trang trọng, vẻ đẹp, bản sắc văn hóa… của một bộ lễ phục. Nhưng cần có quy định cụ thể về quy cách, màu sắc, họa tiết trang trí và các phụ kiện đi kèm. Tuy nhiên để điều đó thành hiện thực thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Vì thế cần có một chiến lược dài hạn của các cơ quan có thẩm quyền cùng sự đồng lòng ủng hộ của đông đảo cộng đồng nhân dân, thì việc đưa áo dài trở thành quốc phục mới thành công. Bên cạnh đó có chiến lược quảng bá, tuyên truyền. “Công việc này cần sự chung tay đóng góp của các nhà nghiên cứu, đội ngũ nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài cùng vai trò dẫn dắt, kết nối của các cơ quan có thẩm quyền của ngành văn hóa và nội vụ”, ông Hải nói.

N. MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/niu-giu-hon-ao-dai-xua-giua-thoi-hien-dai-129810.html