Níu vàng son ở lại

Nằm trong con ngõ nhỏ, xưởng chạm bạc của nghệ nhân Đinh Quang Thắng với hơn 10 nhân công vẫn hằng ngày tỉ mỉ tạo ra những sản phẩm tinh tế, mang đậm văn hóa của làng Đồng Xâm. Người nghệ nhân ở tuổi lục tuần ấy quyết tâm gìn giữ những giá trị làng nghề của mảnh đất đã đi vào ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vĩnh An: Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc…

Nghệ nhân Đinh Quang Thắng (ngoài cùng bên trái) tại xưởng sản xuất ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Thưa vắng những thanh âm quen thuộc

Cách thành phố Thái Bình khoảng 20 km về phía đông, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) nằm nép mình bên hữu ngạn dòng Đồng Giang hiền hòa. Vượt qua các con đường giờ đã được bê-tông hóa xen giữa những cánh đồng trải rộng sóng sánh một mầu vàng no đủ, Đồng Xâm hiện ra thật yên bình, nhẹ nhõm. Nhưng cũng chính sự an yên ấy khiến chúng tôi chợt thấy Đồng Xâm đang thiếu một điều gì đó rất khó diễn đạt bằng ngôn ngữ. Sự ồn ào, tấp nập quen thuộc trước đây của một làng nghề chạm khắc với những âm thanh của tiếng búa, tiếng đục, tiếng hàn, tiếng cười nói của kẻ mua người bán tại các cửa hàng trưng bày những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dường như đã không còn.

Qua nhiều thăng trầm, nghề chạm bạc Đồng Xâm vẫn giữ được những tinh hoa truyền thống của làng nghề. Tuy nhiên, cũng giống như thực trạng chung của các làng nghề thủ công hiện nay, làm thế nào để duy trì, đào tạo và truyền nghề cho lớp kế cận vẫn là bài toán khó của người Đồng Xâm.

Theo những ghi chép trong sách sử, làng Đồng Xâm (tên cũ là Đường Thâm) hình thành vào cuối thời Trần - Hồ, tức cách đây hơn 600 năm. Tuy nhiên, nghề chạm bạc ở đây thì mãi về sau mới xuất hiện. Làng hiện còn một am thờ và một tấm bia đá ở trong khu chùa Ðường (thôn Thượng Gia ngày nay). Ðó là một văn bia Tổ nghề được dựng năm 1689. Trên văn bia có ghi: “Hoàng triều Chính Hòa thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu... Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Ðồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ”. (Tạm dịch: Năm thứ mười dưới triều Vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở châu Bảo Long, tới xứ Ðồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề). Tính ra, nghề chạm bạc xứ Ðồng Xâm đã tồn tại hơn 300 năm, nhưng nhiều làng nghề đã bị mai một và thất truyền vì biến động của lịch sử và xã hội. Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm cũng không tránh được nguy cơ đó khi nhiều gia đình đã phải bỏ nghề để chuyển sang những công việc mới. Thanh niên rời làng lên thành phố, các hợp tác xã giải thể, thị trường thu hẹp. Nếu không có những người yêu nghề và quyết tâm giữ nghề tổ, thật khó để Đồng Xâm còn được biết đến ngày hôm nay chứ chưa nói gì đến việc phát triển.

Thực tế, để tồn tại trong thời đại công nghiệp 4.0, người thợ Đồng Xâm không thể không nắm bắt và chạy theo cơ chế thị trường, linh hoạt giữa việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu được làm theo yêu cầu của khách hàng với sản xuất các mặt hàng phục vụ đời sống, trang trí nội thất cho các đình, chùa… Quan trọng nhất, để tạo nên thương hiệu Đồng Xâm thì ngoài lòng yêu nghề, chính sự khéo léo từ những đôi bàn tay người thợ đã làm nên các sản phẩm mà chỉ đến đây, khách hàng mới có thể lựa chọn được những sản phẩm mang lại cảm giác ưng ý nhất.

Nhọc nhằn giữ nghề

Nghệ nhân Đinh Quang Thắng đã chọn cách thức tồn tại cho riêng ông và cho làng nghề Đồng Xâm là theo đuổi những kỹ thuật truyền thống của cha ông, có nghĩa các sản phẩm đều hoàn toàn được làm bằng tay, từ phác thảo cho tới vào khuôn, từ chạm cho tới tạo hình, đánh bóng trước khi thành phẩm. Xưởng sản xuất của nghệ nhân Quang Thắng luôn vang tiếng chạm, tiếng đục. Niềm nở và chân chất, người nghệ nhân ấy vừa thoăn thoắt chạm trổ sản phẩm, vừa trầm ấm kể cho chúng tôi những tâm tư, trăn trở làm sao để giữ được nghề gia truyền cho thế hệ sau.

Sinh năm 1958 ở thôn Nam Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương (Thái Bình), gia đình ông Thắng đã có ba đời làm nghề và đến ông là đời thứ tư. Từ thuở nhỏ, ông đã theo ông nội và bố học nghề. Năm 1977, đi thanh niên xung phong rồi làm việc tại Hạt Kiểm lâm nhân dân ở huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé cũ, sau đó ông Thắng đi nghĩa vụ ở Cam-pu-chia, trước khi về lại Hạt Kiểm lâm nhân dân và thôn Nam Hòa.

Khi được hỏi tại sao không hướng hai cậu con trai theo nghề, nghệ nhân Quang Thắng nói ngay, cũng trăn trở, tiếc nuối nhưng ông luôn tôn trọng quyết định của con, nhất là người con lớn Đinh Việt Thăng khi anh theo đuổi việc học hành và rẽ sang lĩnh vực thời trang, ma-két-tinh, thay vì cầm búa, cầm đục như cha mình. “Con hơn cha không có nghĩa là mua xe mua nhà tiền tỷ, mà tôi chỉ mong các con có ý chí và chọn cho mình một con đường kiếm sống lương thiện. Còn về nghề tổ, nói thật, có lúc tôi cũng buồn, nhưng là nỗi buồn theo kiểu “ích kỷ” vì muốn giữ được văn hóa làng nghề cha ông đã truyền dạy”, nghệ nhân Đinh Quang Thắng chia sẻ.

Quan niệm lâu nay của các cụ ở làng nghề Đồng Xâm là chỉ truyền nghề cho con trai, con dâu, không truyền nghề cho con gái vì con gái đi lấy chồng làng khác, mang nghề đi theo sẽ mất nghề. Ông Thắng còn có một con trai bé đang học phổ thông, cũng chưa biết nghề chạm bạc Đồng Xâm có được duy trì sang đời thứ năm của gia đình họ Đinh hay không, nhưng ít nhất, nghệ nhân Quang Thắng cũng đang nỗ lực gìn giữ tinh hoa của nghề chạm bạc, sự độc đáo của sản phẩm và trên hết là ý nghĩ đưa thời vàng son trở lại với làng nghề.

Cũng chính vì thế mà sản phẩm của Đồng Xâm nói chung, của nghệ nhân Quang Thắng nói riêng với hàng nghìn thiết kế do ông sáng tác, rất khác so với hàng bạc của các nơi khác ở nét chạm trổ tinh xảo nổi trội, kiểu thức lạ về hình khối, các chi tiết trang trí tinh vi mà cân đối, làm nổi bật chủ đề chính, và ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc.

Ông Thắng cho biết thêm, sản phẩm của xưởng thường chỉ làm theo đơn đặt hàng, nước ngoài có, trong nước có, có sản phẩm giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy vào độ tinh xảo, công sức, nguyên liệu bỏ ra. Một điểm chung là sản phẩm nào, từ trang sức, mỹ nghệ và đồ thờ cúng, cũng cần trải qua các công đoạn gò, xi, chạm khắc, ghép, nướng, làm nguội, hàn vành... Không phải người thợ nào cũng giỏi để thực hiện hết các công đoạn bởi có người giỏi công đoạn ghép, người giỏi công đoạn chạm khắc. Tuy nhiên, một người thợ giỏi thì điều cần nhất là phải có năng khiếu, trước khi nói đến đam mê, sự tỉ mỉ, mới có thể chạm khắc ra những sản phẩm nhìn có “hồn cốt”.

“Dù làm các sản phẩm bằng bạc hay bằng đồng, món nào cũng đòi hỏi thời gian gấp nhiều lần thông thường nếu không muốn đánh đồng với những sản phẩm được sản xuất theo kiểu đại trà và càng tốn công sức hơn bởi những chi tiết chạm trổ khó như rồng, phượng, mây, lửa… được thúc, đục thủ công”, ông Thắng nói. Nhờ vậy mà trong nỗi lo về làng nghề sẽ mai một vì cơ chế thị trường, trong thời đại công nghiệp hóa, ông Thắng cùng những người thợ vẫn tìm được một phân khúc khách hàng cho riêng xưởng sản xuất, đó thường là những người hoài cổ, đam mê sản phẩm thủ công tinh xảo và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua chúng. Tuy vậy, xưởng cũng đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khi có những đơn hàng lớn nhưng đòi hỏi phải nhanh mà nhân lực không đủ. Đây chính là trở ngại cho cơ sở thủ công gần như là duy nhất ở Đồng Xâm của nghệ nhân Quang Thắng. Bởi thật khó để những người thợ gắn bó lâu dài với nghề nếu họ chỉ nhận được thu nhập ba đến năm triệu đồng mỗi tháng. Thế mới thấy, những người yêu nghề như các anh Bùi Văn Tùng, Tạ Ngọc Thành hay chị Triệu Thị Hiền… tại Đồng Xâm thật đáng trân trọng. Anh Tùng tâm sự, anh đã có bốn năm gắn bó với nghề, trong khi anh Thành và chị Hiền đều đã 20 năm. Tất cả đều cho rằng, họ thích làm sản phẩm thủ công hơn là làm máy, đổ khuôn và sản xuất hàng loạt. Vì thế, dù thu nhập chỉ ở mức đủ sống nếu so với nhiều nghề khác, nhưng hằng ngày được cầm búa, cầm ve (đục) khiến họ cảm thấy mình như đang đóng góp một phần công sức và tâm huyết vào nỗ lực giữ lại vàng son cho làng nghề Đồng Xâm.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Đinh Quang Thắng nói rằng, ngoài suy nghĩ để làm sao giữ nghề, truyền nghề, ông rất mong chính quyền địa phương có thể gắn kết làng nghề với du lịch, biến Đồng Xâm trở thành một điểm trong tua du lịch ở Kiến Xương nói riêng và Thái Bình nói chung. Tất cả cũng chỉ để những câu thơ Tháng tư nhớ hội Đồng Xâm/Hồng Thái chạm bạc, làm mâm, đồ thờ (Kiến Xương quê tôi) sẽ không trở thành tâm trạng hoài cổ với người Đồng Xâm một ngày nào đó.

Bài, ảnh: NGỌC ĐINH và MẠNH HÀO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/38209502-niu-vang-son-o-lai.html