Nỗ lực bảo tồn và truyền dạy để di sản văn hóa phi vật thể 'được sống'

Thông qua những hoạt động trình diễn, diễn xướng dân gian của các đoàn nghệ nhân tại Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, nhân dân và du khách đã có cái nhìn thực tế về nỗ lực của cộng đồng trong bảo tồn, lan tỏa những tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Đông đảo du khách đón nhận, hưởng ứng

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023 diễn ra từ ngày 21 đến 28/4 tại Phú Thọ, Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô quốc gia.

Liên hoan nhằm tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng trình diễn, giới thiệu và quảng bá các di sản.

 Các nghệ nhân biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù tại Liên hoan.

Các nghệ nhân biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù tại Liên hoan.

Đây cũng là dịp thể hiện nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, nhận diện, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh.

Ở lần đầu tiên tổ chức, Liên hoan thu hút 15 đoàn nghệ nhân dân gian đến từ 13 tỉnh, thành phố nơi có các di sản tiêu biểu.

Tại Liên hoan, các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể thuộc 13 tỉnh, thành phố đã mang đến những giá trị hồn cốt, bản sắc của từng di sản, thông qua các phần trình diễn và thực hành theo đúng nguyên gốc.

Các phần trình diễn và thực hành của các nghệ nhân cũng được đông đảo người dân và du khách đón nhận. Là người phụ trách dẫn đoàn và thuyết minh cho hơn 300 học sinh Trường Tiểu học Tiên Dung (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), cô Nguyễn Thùy Dung, giáo viên nhà trường cho biết, không chỉ học sinh, mà cả giáo viên cũng rất vui mừng vì được trực tiếp thưởng thức các làn điệu dân ca, loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước.

Đông đảo học sinh thưởng thực nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tại Liên hoan.

Theo cô Dung, bản thân cô từng được thưởng thức nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam qua các phương tiện truyền thông đại chúng, song được trải nghiệm thực tế mang lại cảm xúc chân thực và là dịp để học hỏi, trau dồi thêm kiến thức văn hóa, vốn sống.

Không gian biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Đoàn nghệ nhân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chật kín người xem. Được người dân hưởng ứng, đoàn nghệ thuật có tất cả 30 người trong đó có 13 nghệ nhân, ai nấy cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Phạm Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ tham dự liên hoan cho biết: “Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn góp phần quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đến đông đảo nhân dân cả nước; đồng thời cùng các địa phương lan tỏa giá trị những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc”.

Nuôi dưỡng di sản và lưu truyền trong cộng đồng

Lần đầu tiên, các đoàn nghệ thuật từ Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk cùng tham dự Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Trong đó, mỗi loại hình là một sản phẩm tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đây là nét mới trong việc kết hợp du lịch và quảng bá di sản vì trước kia, các liên hoan thường tổ chức quy mô nhỏ, lần này là tất cả các tỉnh có di sản tham gia.

Một giọng ca Tây Nguyên đầy nội lực biểu diễn tại Liên hoan.

Tính đến nay, Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; trong đó có 13 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản được ghi danh vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp.

Những năm qua, các cấp, ngành; các tỉnh, thành phố nơi sở hữu di sản đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị tinh hoa của các loại hình di sản, song việc hội tụ các di sản thành một liên hoan thì lần đầu tiên mới được tổ chức tại Phú Thọ dịp này.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngoài những buổi trình diễn phục vụ nhân dân và du khách, liên hoan có các hoạt động nhằm cổ vũ việc truyền dạy của các nghệ nhân dân gian tới thế hệ trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vừa bảo tồn và truyền dạy để di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta được sống, được lưu truyền trong cộng đồng theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể”.

Được phục vụ nhân dân và du khách dịp Lễ hội Đền Hùng, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Sen (phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, TP Việt Trì) – người có 25 năm gắn bó với nghệ thuật hát xoan Phú Thọ không giấu được niềm vui.

Theo NNƯT Nguyễn Thị Sen, bà luôn tự hào vì gia đình có 4 đời theo nghề hát xoan. Thế nhưng, việc giữ gìn hát xoan hiện gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí. “Chúng tôi mong muốn loại hình nghệ thuật này được đầu tư nhiều hơn, các nghệ nhân có chế độ đãi ngộ hợp lý để đủ trang trải cuộc sống", NNƯT Nguyễn Thị Sen nói.

Tương tự, dù gia đình có một cơ sở sản xuất gốm, nhưng cuộc sống của NNƯT Đặng Thị Hoa (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn khá chật vật bởi nghề này tiền công không cao, nhu cầu của người dùng không lớn.

Các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể thuộc 13 tỉnh, thành phố đã mang đến những giá trị hồn cốt, bản sắc của từng di sản, thông qua các phần trình diễn và thực hành theo đúng nguyên gốc.

“Điều tôi lo lắng nhất là thế hệ trẻ không muốn học và làm gốm Bàu Trúc. Dù vậy, tôi luôn khuyên các con phải theo nghề của mẹ vì sợ một ngày nào đó sẽ mất nghề. Tôi sẵn sàng truyền nghề cho bất cứ chị em nào, nhưng ngặt nỗi không mấy ai theo học”, NNƯT Đặng Thị Hoa trăn trở.

Chia sẻ về quá trình bảo vệ, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Sĩ Trinh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Đội ngũ nghệ nhân dân gian ngày càng ít, trong khi lớp trẻ không mặn mà theo nghề. Tại Hà Tĩnh, hoạt động trải nghiệm dân ca chưa phổ biến, chưa thu hút được khách du lịch. Do vậy, cuộc sống của những nghệ nhân nơi đây còn nhiều lo toan, không thể toàn tâm toàn ý theo đuổi nghệ thuật. Hằng năm, mỗi câu lạc bộ ví, giặm tại Hà Tĩnh được hỗ trợ 5 triệu đồng để duy trì hoạt động nhưng còn khó lắm”.

Muốn biến di sản thành tài sản thì cần có lộ trình dài hơi, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đồng thời huy động các nguồn lực của xã hội. Trước mắt, để bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh thì cần phải bảo đảm yếu tố tiên quyết: Di sản phải được nuôi dưỡng tốt và lưu truyền trong cộng đồng.

Muốn có được điều đó, các nghệ nhân-những người trực tiếp sống với di sản cần có một chế độ đãi ngộ đúng mức để tăng thêm trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ mai sau.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: "Rất nhiều địa phương đã nỗ lực tổ chức và truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tới thế hệ trẻ. Nhiều nơi huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các nghệ nhân, đồng thời là cũng hỗ trợ cho các cuộc, các lớp tập huấn, khuyến khích học sinh tham gia những buổi sinh hoạt truyền dạy.

Trong thời gian tới, Cục Văn hóa cơ sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nêu ra được những mục đích, ý nghĩa để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rằng di sản văn hóa phi vật thể là một nền tảng, một tài sản có giá trị để phát triển du lịch, quảng bá văn hóa".

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/no-luc-bao-ton-va-truyen-day-de-di-san-van-hoa-phi-vat-the-duoc-song-5716093.html