Nỗ lực bảo vệ thành quả loại trừ và ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2020, Thanh Hóa đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét.

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25-4:

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa lấy máu xét nghiệm cho người dân.

Theo thống kê của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong giai đoạn 2011-2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 484 trường hợp bệnh sốt rét có ký sinh trùng, đều là các ca mắc sốt rét ngoại lai có yếu tố dịch tễ từ nước ngoài và các tỉnh thuộc vùng sốt rét lưu hành trở về địa phương. Trong đó, nhiễm Plasmodium Falciparum là 145 ca; Vivax là 291 ca và phối hợp là 48 ca bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong do mắc sốt rét.

Xác định việc nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống sốt rét là yếu tố quan trọng để hạn chế thấp nhất người mắc sốt rét lâm sàng, không lây lan thành dịch bệnh, chương trình phòng chống và loại trừ sốt rét được Chủ tịch UBND tỉnh ưu tiên quan tâm chỉ đạo và thực hiện theo chương trình mục tiêu y tế dân số theo giai đoạn. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng “Kế hoạch hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét” để bảo đảm theo các mục tiêu của Bộ Y tế, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong công tác giám sát sốt rét thường xuyên tại tất cả các xã, phường, thị trấn, các bệnh viện, phòng khám đa khoa thuộc địa bàn quản lý theo nội dung giám sát dịch tễ sốt rét của Bộ Y tế đã ban hành. Phát triển và củng cố hệ thống giám sát, đánh giá từ tỉnh xuống đến cơ sở; xây dựng quy trình và hướng dẫn theo dõi giám sát cho từng tuyến; tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ vùng có dân di biến động. Tổ chức tuyên truyền về phòng, chống bệnh sốt rét tập trung qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; cung cấp tài liệu, hướng dẫn nội dung tuyên truyền cho trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền phòng, chống sốt rét tại các trạm y tế địa phương.

Hàng năm, từ nguồn kinh phí sự nghiệp đã giám sát dịch tễ tại 27 huyện, thị xã, thành phố với trung bình 54 lượt huyện, 108 lượt xã. Từ nguồn kinh phí Dự án RAI đã giám sát dịch tễ hỗ trợ chuyên môn cho các huyện và các xã thuộc dự án. Kết quả giám sát cho thấy 100% các đơn vị đều xây dựng và triển khai đầy đủ các nội dung hoạt động phòng, chống và duy trì thành quả loại trừ sốt rét; báo cáo hàng tháng trên hệ thống eCDS, giám sát dân di biến động, thuốc vật tư được bảo quản đúng quy định. Tăng cường giám sát chặt các đối tượng thường xuyên ra vào khu vực có dịch bệnh sốt rét lưu hành, có tiếp xúc với nguồn lây bệnh trong và ngoài nước đặc biệt là những người từ vùng sốt rét lưu hành trở về địa phương với số dân di biến động của 559 xã được thống kê báo cáo là 169.130 người/năm.

Chia sẻ về những nỗ lực trong công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét giai đoạn 2011-2022, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin: Để được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, giai đoạn 2011-2022, hoạt động giám sát được thực hiện thường xuyên, liên tục để giám sát tình hình dịch tễ bệnh sốt rét tại các địa phương. Tất cả các ổ bệnh được giám sát và xử lý triệt để không để lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng; duy trì các điểm kính hiển vi xét nghiệm lam máu có ký sinh trùng sốt rét tại các địa phương. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn giám sát dịch tễ sốt rét, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt rét và kỹ thuật xét nghiệm cho cán bộ làm công tác phòng, chống sốt rét từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm đủ thuốc sốt rét điều trị và cấp tự điều trị cho người dân... Kết quả phân vùng dịch tễ năm 2019, Thanh Hóa chỉ còn 1 xã thuộc vùng sốt rét lưu hành nhẹ - vùng 3 (xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh); số ca mắc sốt rét giảm theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn phòng, chống sốt rét (2011-2016) ghi nhận 457 ca, chiếm 94,6%; giai đoạn loại trừ sốt rét (2017-2020) ghi nhận 25 ca, chiếm 5,2%; giai đoạn phòng, chống sốt rét quay trở lại (2021-2022) ghi nhận 2 ca, chiếm 0,2%. Tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và loại trừ sốt rét trong giai đoạn 2011-2022; công tác phòng, chống sốt rét trong toàn tỉnh đã đạt được các mục tiêu của Trung ương.

Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét năm 2023 với chủ đề “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, nhằm truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét... Thanh Hóa phấn đấu tiếp tục giữ vững thành quả công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét đã đạt được giai đoạn 2011-2022; không có trường hợp tử vong do sốt rét gây ra; không có dịch sốt rét; giảm số người mắc sốt rét; xây dựng và củng cố các yếu tố bền vững, bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, ngăn chặn sốt rét quay trở lại trên địa bàn.

Các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rétKhi bị bệnh sốt rét mọi người cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng và cấp thuốc điều trị. Người bị sốt rét nếu phát hiện sớm được điều trị đúng thuốc thì bệnh sẽ khỏi, ngược lại nếu phát hiện muộn, điều trị không đúng thuốc bệnh sẽ nặng thêm, gây nhiều biến chứng và dễ bị tử vong.

Sốt rét hiện chưa có vắc-xin dự phòng, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng trừ muỗi truyền bệnh, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi.

- Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng hương (nhang) muỗi.

- Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường vô tình làm chỗ cho muỗi trú ẩn...

- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.

- Khi thấy các biểu hiện của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng và phòng lây nhiễm cho người xung quanh.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/no-luc-bao-ve-thanh-qua-loai-tru-va-ngan-chan-benh-sot-ret-quay-tro-lai/184379.htm