Nỗ lực để giữ sân khấu tồn tại

Sân khấu TP.HCM từng có thời 'nở nồi', nhưng dăm năm trở lại đây để giữ cho sàn diễn sáng đèn vào những ngày cuối tuần, các 'ông, bà bầu' đã phải chấp nhận 'mạo hiểm'.

Nhạc kịch Tiên Nga đang có đợt tái diễn với một số thay đổi và làm mới về diễn xuất. Cũng như các đợt tái diễn trước (kể từ cuối tháng 12/2017), Tiên Nga vẫn thu hút được rất đông khán giả, với khán phòng của Nhà hát Bến Thành đông nghịt mỗi suất diễn. Sau đợt lưu diễn của Tiên Nga, Sân khấu kịch IDECAF sẽ ra mắt Truy tìm thủy long kiếm - Ngày xửa ngày xưa 32, từ ngày 25/5 tại Nhà hát Bến Thành với 27 suất diễn. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt vở mới Lạc dòng, như kế hoạch mỗi năm phải dựng mới ít nhất là ba vở để cùng với các vở diễn cũ duy trì sàn diễn luôn sáng đèn. Bên cạnh tiếp tục công diễn những vở kịch cũ như Bên đàng dệt mộng, Gương mặt kẻ khác, Đẹp bất chấp… Sân khấu kịch 5B cũng ra mắt Chuyện tình nữ phạm nhân - từng “làm mưa làm gió” trên chính sàn diễn này cách đây hơn 10 năm….

Cảnh trong vở Tiên Nga ( Sân khấu IDECAF).

Một vài dẫn chứng trên cho thấy sự cố gắng duy trì suất diễn phục vụ khán giả của các nghệ sĩ, chứ không phải để chứng minh sân khấu ở TP.HCM đang “ăn ra làm nên”. Dù luôn được đánh giá là sôi động khi có nhiều sân khấu xã hội hóa ra đời và từng gặt hái được nhiều thành công, như IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận, Super Bowl, Thế Giới Trẻ, Trịnh Kim Chi (TKC), Hồng Hạc, Minh Nhí, Quốc Thảo... nhưng với sự phát triển của internet và sự bùng nổ của gameshow, phim chiếu rạp những năm gần đây, sự thật là sân khấu TP.HCM đã rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều sân khấu nhỏ phải tạm ngưng hoặc chỉ sáng đèn để cầm cự.

NSƯT Trịnh Kim Chi - chủ Sân khấu TKC, than thở: "Bây giờ khán giả ngồi ở nhà cũng có thể xem được rất nhiều chương trình giải trí trên truyền hình nên để tồn tại, nhiều chủ sân khấu phải gồng gánh nhiều chi phí đầu tư dựng vở mới hay chịu lỗ để lôi kéo thêm khán giả". NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) - thừa nhận, sau một năm mở cửa trở lại vẫn phải bù lỗ bằng cách vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, hay phải chạy vạy kiếm tài trợ vì không bán được nhiều vé. Từng suýt phải đóng cửa sân khấu 10 năm tuổi SuperBowl vào đầu năm ngoái vì chi phí mặt bằng quá cao và không bán được vé, NSND Hồng Vân vẫn đang bằng mọi cách để “cầm cự”. Tạo được thương hiệu với nhiều vở kịch tâm lý sâu sắc song Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng rơi vào tình trạng bù lỗ, liên tục hủy diễn vì ế khách. Hai nghệ sĩ “đầu trò” là Ái Như và Thành Hội chấp nhận bù lỗ hơn 8 năm nay, chỉ vì quá đam mê với nghề mà duy trì sân khấu làm nghệ thuật tử tế này.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thái Dương (sở hữu Sân khấu kịch Idecaf), nhờ có nhiều vở diễn hay như Tấm Cám, Ngôi nhà không có đàn ông, Tám người đàn bà, Hợp đồng mãnh thú, Gươm lạc giữa rừng hoa… mà sân khấu này đỡ vất vả. Riêng Tiên Nga nhờ chất lượng nghệ thuật cao, nên đạt tới 37 suất diễn ở Nhà hát Bến Thành trong năm ngoái là ngoài sức tưởng tượng. Nhưng dù có đến 20.000 khán giả mua vé, thì Tiên Nga vẫn không có lời, bởi đủ chi cho hằng đêm là đã thành công, do phải đầu tư rất lớn về bối cảnh, âm nhạc, dàn diễn viên, phục trang… Từng phải “mạo hiểm” vay ngân hàng để có kinh phí dựng vở, NSƯT Thành Lộc - đạo diễn của Tiên Nga, chia sẻ: “Bên cạnh sân khấu thực dụng, chúng tôi muốn nhắc các bạn trẻ về những thánh đường. Nếu muốn theo nghề thực sự, các em cần giữ đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực. Tiên Nga là cách để thế hệ chúng tôi giữ lửa cho chính mình và truyền lửa đam mê cho diễn viên trẻ. Chuyện cơm áo gạo tiền lúc này phải nhường chỗ cho khát vọng vươn đến những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao”.

Có một thực tế rằng, bên cạnh tác động khách quan thì chính các sân khấu kịch ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung muốn tồn tại phải có sự thay đổi từ nội lực. "Theo tôi, điều quan trọng hơn hết là sân khấu kịch phải có cái mới, cái lạ, thậm chí hoành tráng để kéo khán giả quay lại với mình", NSƯT Trịnh Kim Chi nói. Tìm kiếm nguồn kịch bản hay từ nhiều cách (tự sáng tác hoặc đặt hàng) trong đó có cả việc phục hồi các tác phẩm giá trị, những tác phẩm kinh điển là cách mà các sân khấu ở TP.HCM đang làm để khắc phục tình trạng khó khăn về kịch mục.

Một điểm nữa, như đạo diễn Ngọc Hùng - Giám đốc của Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ, cho biết: "Bấy lâu nay các sân khấu thường chỉ tập trung đầu tư cho vở diễn mà quên quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm sân khấu đến với công chúng. Việc đầu tư cho vở diễn trước giờ mới chỉ dừng ở những chi phí cho kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên... Để đưa sân khấu đến với công chúng, cần có những đột phá trong việc quảng bá”.

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, cùng với lập các trang mạng xã hội để cập nhật thông tin, quảng bá và bán vé… nhiều sân khấu đã tích cực tìm nhà tài trợ mua vé và có các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho các tập thể mua vé xem kịch, nói chung là làm đủ cách để níu kéo khán giả đến với sân khấu. Trong đó, vở Tiên Nga của Sân khấu IDECAF biểu diễn được nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài cả tháng với những suất bao cả nhà hát của các trường học là nhờ sự đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng về kịch mục và phương thức tiếp thị bán vé một cách chuyên nghiệp và sâu rộng của đơn vị tổ chức.

Nhìn chung, với lợi thế đông dân (hơn 10 triệu người), TP.HCM luôn đủ khán giả để sân khấu sáng đèn, nếu các nghệ sĩ duy trì được sự kiên trì và tâm huyết với nghề.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/no-luc-de-giu-san-khau-ton-tai-163147.html