Nỗ lực để trẻ đến trường đúng độ tuổi ở một xã miền núi

Để 100% trẻ 3 đến 5 tuổi đến trường đúng độ tuổi, Trường Mầm non Tràng Phái đã cử giáo viên đến tận nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh.

Tiết học của cô trò Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

Tiết học của cô trò Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

100% trẻ 3 - 5 tuổi đến trường

“Khi trẻ đến trường đúng độ tuổi, được tham gia các hoạt động tập thể giúp trẻ mạnh dạn, phát triển nhiều kỹ năng trong đó có kỹ năng giao tiếp, xử lí tình huống… Từ đó giúp trẻ có những cảm nhận phong phú hơn về cuộc sống xung quanh, tích lũy tri thức, mở rộng tầm nhìn, phát triển ngôn ngữ, gieo mầm đam mê, bồi dưỡng những thói quen tốt, hình thành nên các nét tính cách tốt”, cô Vi Thị Xuyên, Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

Nhiều năm qua, để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn xã Tràng Phái, Ban giám hiệu, giáo viên Trường Mầm non Tràng Phái (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đã đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm tuyên truyền, phân tích cho phụ huynh hiểu vai trò, lợi ích của việc cho trẻ đến trường sớm.

Vì vậy, đến nay 100% trẻ mẫu giáo 3 – 5 tuổi trên địa bàn xã được đến trường và tham gia học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non.

Theo chia sẻ của cô Vi Thị Xuyên - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tràng Phái: “Không chỉ đầu năm học, mà trong năm học chúng tôi phân công giáo viên là người địa phương trực tiếp phụ trách công tác phổ cập của từng thôn, theo đó họ sẽ đến từng hộ gia đình để điều tra số trẻ em từ 0-5 tuổi trên địa bàn xã, qua đó tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ trong độ tuổi mầm non đến lớp”.

“Bên cạnh đó, nhà trường luôn ưu tiên cơ sở vật chất như phòng học đảm bảo 1 lớp/1 phòng học, thiết bị đồ dùng, đồ chơi, đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho giảng dạy và vui chơi của trẻ. Riêng đối với trẻ 5 tuổi, nhà trường lựa chọn đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn vững đứng lớp để giảng dạy cũng như hỗ trợ, chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào lớp 1”, cô Vi Thị Xuyên nói.

Trẻ mầm non Trường Mầm non Tràng Phái tham gia hoạt động trải nghiệm.

Để trẻ hứng thú với việc đến trường, nhà trường yêu cầu giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng. Xây dựng môi trường học theo hướng mở, tạo cơ hội cho trẻ được học tập, trải nghiệm thực tế. Khuyến khích phụ huynh cùng tham gia vào hoạt động giáo dục trẻ.

Lưu ý giáo viên chú trọng công tác giáo dục kỹ năng số và tăng cường tiếng Việt cho trẻ giúp trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, chuẩn bị tốt tâm thế vào học lớp 1.

“Đồng thời, đối với bữa ăn bán trú, nhà trường yêu cầu các cô nuôi khi lựa chọn thực phẩm phải cẩn thận, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình chế biến, cần lưu ý cân bằng dinh dưỡng cho trẻ đảm bảo đủ chất, an toàn vệ sinh thực phẩm”, cô Vi Thị Xuyên cho hay.

Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho trẻ

Trường Mầm non Tràng Phái hiện có có 247 trẻ mầm non trong đó 197 trẻ từ 3 đến 5 tuổi; 50 trẻ thuộc nhà trẻ. Trẻ chủ yếu là người dân tộc Nùng (215 cháu), dân tộc Tày 28 (cháu) và dân tộc Kinh (4 cháu).

Cô Vi Thị Xuyên cho biết: “Là năm trường thuộc xã vùng núi, nhưng đối với giáo dục nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục, chính quyền và các đoàn thể. Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi chúng tôi có sự đồng hành của Hội phụ nữ, đoàn thanh niên xã để cùng vận động.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhà trường tương đối đầy đủ, khang trang, xanh sạch, đẹp đáp ứng điều kiện giảng dạy và vui chơi cho trẻ. Nhà trường có đội ngũ giáo viên trẻ, trình độ đạt chuẩn, nhiệt tình, tâm huyết với nghề”.

Cô trò Trường Mầm non Tràng Phái.

Song với những thuận lợi đó, cô Vi Thị Xuyên cũng chỉ ra những khó khăn gặp phải do đặc thù địa bàn miền núi, hiện hai thôn còn chưa có sóng điện thoại vì vậy việc trao đổi, thông tin qua điện thoại khi cần với phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân địa phương chủ yếu thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên không ổn định dẫn đến khó khăn vì vậy một số phụ huynh chưa sát sao đồng hành trong việc hỗ trợ con.

“Trước khi đi học, trẻ chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số vì vậy khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông trẻ bị lẫn lộn giữa dấu "sắc" và dấu "ngã", nói không đủ câu, thiếu chủ ngữ, thậm chí đối với các từ khó gần như các em đang không biết nói. Do vậy, để khắc phục tình trạng này chúng tôi yêu cầu giáo viên tổ chức nhiều hoạt động để kích thích trẻ giao tiếp bằng tiếng phổ thông, sữa chữa những từ phát âm sai…”, cô Vi Thị Xuyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tràng Phái cho biết.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-luc-de-tre-den-truong-dung-do-tuoi-o-mot-xa-mien-nui-post625175.html