Nỗ lực đi tìm đồng đội trên đất bạn Cam-pu-chia

Gần 20 năm 'đi tìm đồng đội' trên đất bạn Cam-pu-chia, cán bộ, chiến sĩ Ðội K52, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, hồi hương 1.428 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đón hài cốt các liệt sĩ trở về đất mẹ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đón hài cốt các liệt sĩ trở về đất mẹ.

Gần 20 năm "đi tìm đồng đội" trên đất bạn Cam-pu-chia, cán bộ, chiến sĩ Ðội K52, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Gia Lai đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, hồi hương 1.428 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh.

Đại tá Lê Kim Giàu, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai cho biết: Ngày 5-1-2001, Ðội K52 được thành lập, với nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở nước bạn Cam-pu-chia ở ba tỉnh Ra-ta-na-ki-ri, Stung-Treng, Prết-vi-hia và quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước. Ðảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt nhiệm vụ và làm tốt công tác chuẩn bị từ con người, đến nhà cửa, ăn uống, sinh hoạt và phương tiện đi lại. Tuyên truyền, định hướng, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ xác định rõ nhiệm vụ, thực hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây"; đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức huấn luyện gắn truyền thụ kinh nghiệm trong tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, nhất là ở địa bàn rừng núi, sông suối. Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quân sự, gặp gỡ đại diện lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang nước bạn để thống nhất nội dung, phương pháp tìm kiếm; tổ chức ký các văn bản ghi nhớ, phối hợp thực hiện và làm tốt công tác dân vận.

Xác định "tìm hài cốt liệt sĩ chính là tìm người thân của mình", là trách nhiệm thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ Ðội K52 vừa tích cực tìm kiếm, quy tập, vừa thu thập, xử lý thông tin, mở rộng địa bàn, nghiên cứu, tìm hiểu rút ra quy luật bố trí quân và cách mai táng liệt sĩ. Thời gian đã lùi xa, rừng núi, sông suối, địa hình thay đổi, người biết và cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ không còn nhiều, tuổi cao, nên thiếu chính xác... để tìm được 1.428 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở nước bạn và 976 hài cốt liệt sĩ tìm được trên địa bàn tỉnh Gia Lai đưa về an táng ở các nghĩa trang liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Ðội K52 đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ. Bàn chân các anh đã đi qua hơn 1.200 buôn làng cùng bao nhiêu đỉnh núi, dòng sông và những cánh rừng khộp, đào bới hơn 95.000 m3 đất, đá, rà phá hàng trăm quả đạn và các vật liệu nổ... Trong hành trình đó không tránh khỏi những mất mát thương đau, đã có một đồng chí hy sinh, bảy đồng chí bị thương khi đang thực hiện nhiệm vụ. Có những vị trí như ở Ðầm Ray, Chom Sơn... tỉnh Prết-vi-hia; ở Ô Kriêng, Ô Prẹ... tỉnh Stung-Treng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải tìm kiếm ròng rã đến sáu mùa khô, đào bới hàng trăm mét khối đất đá mới tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Có liệt sĩ còn nguyên hình cả bộ xương trong các lớp của tấm bạt; có liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê quán, trong hài cốt chỉ còn lại những chiếc lược, chiếc vòng tay và những chiếc lưỡi câu… Tìm được hài cốt của các liệt sĩ đã quá mừng vui, nhưng nhìn thấy những kỷ vật còn lại của liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ trong Ðội K52 ai cũng xúc động lau nước mắt, rồi cẩn thận hương khói, gói ghém đưa về...

Nhiều năm thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Thượng tá Nguyễn Xuân Toản, Ðội trưởng K52 cho biết: Ðặc thù của Ðội thường đi công tác xa nhà, xa Tổ quốc, anh em trong đội hầu như không có năm nào được đón Tết cùng gia đình. Thiệt thòi là thế, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn có ý thức, trách nhiệm rất cao. Bởi hơn ai hết, chúng tôi thấu hiểu được những đau thương, mất mát của gia đình, thân nhân các liệt sĩ. Ðơn vị làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng và nhân rộng những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay, những kinh nghiệm về "quy luật chôn cất, mai táng"... để số cán bộ, chiến sĩ mới biên chế về đội học hỏi, vận dụng. Thực hiện tốt công tác dân vận, vận động chính quyền, bà con dân tộc Khmer tin tưởng vào Bộ đội Việt Nam, phối hợp cùng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trong đó, có ông Tà Ku Ôi, 81 tuổi, nguyên là Trung đoàn trưởng của lính Pôn-pốt cũ ở tỉnh Prết-vi-hia đã cung cấp thông tin, dẫn đường và Ðội đã tìm được 45 hài cốt liệt sĩ.

Gần 20 năm đi tìm đồng đội, bên cạnh Ðội K52 còn có những cựu chiến binh tuy tuổi đã già, sức đã yếu nhưng vẫn tình nguyện lên đường tìm và chỉ các vị trí an táng liệt sĩ. Bác Trọng Hữu, ở tỉnh Quảng Ngãi, dù bị thương cụt cả hai chân nhưng vẫn tình nguyện sang nước bạn để chỉ vị trí an táng liệt sĩ; hình ảnh ông già Khum Sai, 80 tuổi đã chống gậy đi hơn 20 km dẫn đường chỉ vị trí mộ liệt sĩ, đặc biệt là hình ảnh Trung tướng Kham Suk, Chỉ huy trưởng Tiểu khu Quân sự tỉnh Ra-ta-na-ki-ri đã tạo điều kiện cho đội công tác, trực tiếp dẫn đường và vận động bà con các buôn chỉ vị trí an táng liệt sĩ bộ đội Việt Nam. Còn bao nhiêu hình ảnh đẹp khác nữa. Nghĩa tình nhân dân Cam-pu-chia dành cho bộ đội Việt Nam trong sáng, với một điều ước hết sức nhân văn đó là mong sao Ðội K52 tìm kiếm hết, nhanh chóng đưa các hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở đất nước Chùa Tháp trở về với Tổ quốc.

Với những thành tích đạt được, tháng 9-2020 vừa qua, Ðội K52 thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ðây là phần thưởng cao quý, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục hành trình vẻ vang đi tìm đồng đội.

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/xahoi/no-luc-di-tim-dong-doi-tren-dat-ban-cam-pu-chia-635617/