Nỗ lực 'đi trước mở đường', đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

Giao thông vận tải (GTVT) là ngành 'đi trước mở đường', có truyền thống vẻ vang, đã đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Trước yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ngành GTVT đáp ứng ra sao?

Sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập, “điểm nghẽn” như thế nào để tạo bước đột phá, phục vụ đắc lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đóng góp thiết thực vào sự nghiệp BVTQ? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề này.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lĩnh vực GTVT. Người nhấn mạnh: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trễ”. Ngành GTVT đã quán triệt tinh thần đó ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Có thể khẳng định rằng, không chỉ đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành GTVT qua các thời kỳ đều nhận thức sâu sắc lời huấn thị của Bác Hồ đối với ngành GTVT, mà toàn xã hội đều hiểu rõ tầm quan trọng của GTVT trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Chính vì thấm nhuần quan điểm đó nên trong suốt quá trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặt ra yêu cầu cao đối với ngành GTVT phải “đi trước mở đường” phục vụ bộ đội cơ động lực lượng, phương tiện chiến đấu trên các chiến trường. Khi đất nước hòa bình thì lĩnh vực GTVT cũng được ưu tiên phát triển để tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đồng thời sẵn sàng phục vụ quốc phòng, an ninh (QPAN).

Cán bộ, nhân viên ngành GTVT hôm nay vẫn khắc ghi lời huấn thị của Bác Hồ và truyền thống các thế hệ đi trước đã vượt bao gian khổ, hy sinh để mở đường phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, mở đường Trường Sơn...; đồng thời quán triệt nghiêm túc quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước “giao thông là mạch máu của nền kinh tế, là xương cốt phát triển KT-XH” để từ đó chủ động tham mưu, đề xuất với Trung ương và các địa phương về phát triển GTVT đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong thời kỳ mới.

PV: Những năm gần đây, Bộ GTVT đã tham mưu và triển khai thực hiện phương châm “đi trước mở đường” đạt những kết quả nổi bật gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Trước hết, chúng tôi đã chủ động rà soát và tham mưu ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, đề án, tạo cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn thời kỳ mới. Đây chính là cơ sở để quản lý tốt và thúc đẩy lĩnh vực GTVT phát triển. Theo đó, Quốc hội đã thông qua hai dự án luật do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo là Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) năm 2015 và Luật Đường sắt (sửa đổi) năm 2017; đang chuẩn bị trình dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). 5 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 50 nghị định và 15 quyết định; Bộ GTVT ban hành 314 thông tư; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 22 đề án và Bộ GTVT đã phê duyệt 55 đề án.

Đặc biệt, về công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) có nhiều đột phá. Đảng ủy Bộ GTVT đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ các dự án, công trình kết cấu HTGT”. Nhiều công trình HTGT mới, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không quốc tế quan trọng được đầu tư và đưa vào khai thác đã tạo nên tính kết nối, lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển KT-XH của cả nước. Nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt chính yếu được nâng cấp kết hợp tăng cường quản lý, bảo trì; hệ thống cảng biển và cảng hàng không từng bước được mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới.... Giao thông địa phương (đường tỉnh trở xuống) cũng phát triển mạnh. Bộ mặt giao thông nông thôn và miền núi thay đổi rõ rệt, thiết thực góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, giảm chi phí, thời gian vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời bảo đảm phục vụ QPAN.

Các doanh nghiệp quân đội được Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao trong tham gia xây dựng công trình giao thông. Trong ảnh: Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11) thi công đoạn Cam Lộ-La Sơn thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông. Ảnh: SỬ HUẾ

PV: Bộ trưởng có thể nêu những kết quả chính về xây dựng HTGT, phát triển vận tải và thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT)?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Có lẽ mọi người đều nhận thấy HTGT đường bộ của nước ta có đột phá rõ nét. Chúng ta đã hoàn thành dự án mở rộng Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kéo dài tới tận Năm Căn; xây dựng mở rộng Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên xuống tới miền Đông Nam Bộ. Nhiều quốc lộ trọng yếu được đầu tư, nâng cấp toàn tuyến hoặc một số đoạn có nhu cầu vận tải lớn.

Đặc biệt, về đường bộ cao tốc, đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội như Nhật Tân-Nội Bài, Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên, Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn, Hà Nội-Hải Phòng, Pháp Vân-Ninh Bình, Hòa Lạc-Hòa Bình; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn. Ở phía Nam đã hoàn thành hai tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương.

Cùng với chất lượng HTGT được cải thiện, phương tiện vận tải cũng được trẻ hóa, hiện đại, phục vụ tốt và giảm thời gian đi lại. Ngành hàng không phát triển mạnh cả quy mô và chất lượng dịch vụ với mức tăng trưởng bình quân 16-18%/năm, góp phần phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Vận tải biển đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế với khả năng đảm nhận 100% vận tải nội địa và khoảng 10-15% vận tải quốc tế của cả nước. Hệ thống cảng biển được đầu tư đồng bộ với nhiều bến cảng hiện đại.

Công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng có nhiều tiến bộ, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ. Giai đoạn 2015-2019, vận tải hành khách và hàng hóa tăng trưởng từ 10% đến 12%/năm, cao hơn mức tăng GDP.

Đặc biệt, trật tự an toàn giao thông đã chuyển biến tích cực, TNGT liên tục giảm sâu cả 3 tiêu chí. So với giai đoạn 2010-2014 thì 5 năm qua toàn quốc giảm hơn 13.000 vụ TNGT (gần 12%), số người chết giảm hơn 9.000 (gần 18%), bị thương giảm hơn 22.000 người (hơn 20%) trong khi phương tiện giao thông tăng nhiều so với trước.

Bên cạnh đó, 5 năm qua, Bộ GTVT đã cắt giảm, đơn giản hóa 337/599 thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp. 4 năm liên tiếp (2016-2019), Bộ GTVT dẫn đầu trong các bộ, ngành về chỉ số dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá thì bên cạnh kết quả trên, ngành GTVT cũng còn những hạn chế, nhiều việc chưa làm được.

PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những hạn chế đó?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi thực sự rất trăn trở trước các ý kiến của nhân dân và báo chí về những việc, những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực GTVT. Đó là ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn tuy có giảm nhưng vẫn là vấn đề bức xúc. Việc triển khai thu phí tự động không dừng ở một số dự án giao thông BOT còn chậm. Vận tải đường sắt và đường thủy nội địa chưa phát triển được như mong muốn. Đặc biệt là vẫn còn một số công trình HTGT bị chậm tiến độ, chất lượng chưa tốt, thậm chí còn sai phạm, cán bộ bị xử lý...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, cả khách quan và chủ quan, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, qua các thời kỳ. Nhưng Bộ GTVT nhận rõ trách nhiệm chính của mình và xác định phải nỗ lực tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Thực tế những năm gần đây, cán bộ, nhân viên ngành GTVT chịu rất nhiều áp lực, sức ép. Nhưng chúng tôi động viên nhau không được sợ trách nhiệm mà ngồi yên; phải nỗ lực làm việc để các công trình HTGT bảo đảm tiến độ, chất lượng; kiên quyết phòng, chống vi phạm, tiêu cực; phải chứng minh bằng hiệu quả công việc. Ví dụ nhiều tháng qua, khối cơ quan bộ đã nỗ lực làm cả ngày nghỉ, ban đêm để chuẩn bị cho việc tham mưu, triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như dự án cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành; nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất...

Tổng công ty ACC (Quân chủng Phòng không-Không quân) đang thi công đường cất hạ cánh thuộc dự án nâng cấp, cải tạo đường băng Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: BQLDA THĂNG LONG

PV: Ngành GTVT xác định mục tiêu, đột phá lớn trong những năm tới là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Những năm tới, GTVT tiếp tục là một trong những khâu đột phá quan trọng trong kết cấu hạ tầng KT-XH, cần ưu tiên đầu tư phát triển trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Do đó, chúng tôi xác định phải đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT một cách đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm và phát triển cân đối, hài hòa giữa các phương thức vận tải. Tham mưu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển, bảo trì HTGT, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, tiết kiệm và thân thiện; tạo môi trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, văn minh.

Bộ GTVT xác định một số mục tiêu quan trọng đến năm 2025 là: Đầu tư hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ; sân bay Long Thành giai đoạn I; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc; nâng cấp các cảng hàng không, nhất là những cảng hàng không trọng điểm; nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển; cải tạo các "điểm nghẽn" và nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; chuẩn bị đầu tư các công trình đột phá cho kỳ trung hạn 2026-2030 gồm: Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam các đoạn ưu tiên (Hà Nội-Vinh và TP Hồ Chí Minh-Nha Trang); đường sắt kết nối với hai cảng biển cửa ngõ Cái Mép-Thị Vải, Lạch Huyện; đường sắt xuyên Á (Vũng Áng-Cha Lo, Dĩ An-Lộc Ninh); đường cao tốc nối các trung tâm kinh tế lớn; dự án sân bay Long Thành giai đoạn 2... Tiếp tục tái cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa, vận tải ven biển và vận tải biển nội địa, nâng cao chất lượng và thị phần vận tải hàng không, đường sắt, giảm tỷ trọng vận tải đường bộ; nâng tỷ lệ người sử dụng vận tải hành khách công cộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động kết nối vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải và chi phí logistics trên 20% so với năm 2020, phấn đấu đạt và duy trì chỉ số hoạt động logistics trong nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nỗ lực kéo giảm TNGT hằng năm 5-10% về cả 3 tiêu chí; khắc phục ùn tắc trên các trục giao thông chính, đầu mối trọng điểm và các đô thị lớn. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư ngành GTVT bảo đảm hiệu quả.

PV: Để đạt được những mục tiêu lớn này là việc rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành GTVT, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đúng vậy, đây là điều chúng tôi rất lo lắng. GTVT tốt tạo cơ hội thu hút đầu tư, vừa đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vừa tạo việc làm, lại giảm chi phí vận tải, tăng lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam, đồng thời giảm TNGT... Tuy nhiên, "điểm nghẽn" hiện nay là ngân sách của ta còn hạn hẹp; các thủ tục, quy trình triển khai dự án đầu tư cũng phải qua quá nhiều khâu, rất mất thời gian; mà làm chậm thì chi phí sẽ tăng, lại lỡ cơ hội phát triển.

Thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư cho GTVT vì đây chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững cả về KT-XH và QPAN bởi ngành GTVT có tính lưỡng dụng cao. Chúng ta phải tính đến nhiều hình thức huy động vốn để xây dựng HTGT đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối, lan tỏa; nâng cao tỷ trọng nguồn vốn xã hội hóa. Thực tế đã chứng minh, đường cao tốc hay Đường Hồ Chí Minh mở đến đâu là KT-XH tăng tốc đến đó. Đặc điểm địa lý nước ta cũng rất có tiềm năng, lợi thế về đường thủy nội địa và đường sắt nhưng những năm qua chưa phát huy tốt cũng vì nguồn vốn hạn chế. Bộ GTVT sẽ tiếp tục đề xuất phát triển hai lĩnh vực vận tải này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ chủ động tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội đổi mới cơ chế, quy định, thủ tục về đầu tư xây dựng HTGT theo hướng chặt chẽ nhưng thông thoáng, giảm khâu trung gian, tăng trách nhiệm của ngành chủ quản để phòng, chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tiến độ và chất lượng các công trình. Nếu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ những "điểm nghẽn", cùng sự nỗ lực cao của ngành GTVT thì chắc chắn lĩnh vực “đi trước mở đường” sẽ có sự đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

HUY QUANG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/no-luc-di-truoc-mo-duong-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-dat-nuoc-633254