Nỗ lực đưa di sản đến cộng đồng

Dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), các cơ quan văn hóa tại Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Các hoạt động được tổ chức trong không gian mở và miễn phí, giúp người dân dễ dàng tiếp cận di sản văn hóa truyền thống, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản.

Trong nắng nhẹ của những ngày đầu đông, phố Ðào Duy Từ trở nên "lạ mà quen" với trang trí bằng mô hình những cuộn tơ vàng óng. Những cuộn tơ vốn không xa lạ với người Việt Nam, nhưng khi được dùng vào thiết kế, nó tạo ấn tượng thú vị, thu hút đông đảo khách tham quan. Trong không gian đó, một buổi trình diễn thời trang với những sản phẩm từ tơ lụa được Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cùng các nhà thiết kế: Trịnh Bích Thủy, La Hằng, Thùy Anh đem đến công chúng. Con phố trở thành sàn diễn thời trang, với những trang phục từ chất liệu truyền thống, những thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Việt Nam. Ðó là lý do để Ban Quản lý Phố cổ chọn chủ đề Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay là "Tiếng tơ". Tơ lụa không chỉ là một nghề, một sản phẩm mà mang trong mình cả bề dày văn hóa, từ cách thức dệt, cho đến văn hóa mặc, văn hóa làng nghề, phố nghề, những vấn đề trong quan hệ giao thương của Hà Nội, Việt Nam với quốc tế hồi thế kỷ 17, 18... Thăng Long, xứ Ðoài từng là một trung tâm tơ lụa, với làng lụa Vạn Phúc, phố tơ lụa Hàng Ðào. Bây giờ phố Hàng Ðào chuyển sang kinh doanh quần áo, nhưng phố tơ lụa vẫn còn, chỉ đổi địa chỉ sang phố Hàng Gai. Nếu màn trình diễn trên phố là phần "ngọn", tức sản phẩm cuối cùng của tơ lụa, thì trong không gian của Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (số 50, Ðào Duy Từ), Ban tổ chức giới thiệu quá trình hình thành tơ lụa. Nhiều bạn trẻ đã rất ngạc nhiên khi thấy những nong tằm, những chiếc kén... Ðó là khởi đầu của quá trình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của nghệ nhân. Một quá trình kỳ công, để nói lên giá trị đặc sắc của tơ lụa. Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận, người nổi tiếng với việc phục hưng nghề dệt lụa ở huyện Mỹ Ðức đã giới thiệu cho khách những giá trị đặc sắc của lụa tơ tằm. Bà là người biết "điều khiển" để những con tằm tự dệt nên các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ðáng chú ý, bà cũng giới thiệu quy trình làm ra tơ sen và sản phẩm từ tơ sen. Ðây là phát kiến mới của Nghệ nhân Phan Thị Thuận.

Nhiều người nghĩ cái tên "Tiếng tơ" của chương trình là cách gọi ví von, hình ảnh. Thế nhưng, vào tối 23-11, chương trình âm nhạc "Tiếng tơ" do những nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng Hà Nội trình diễn đã mang đến cho mọi người câu trả lời. Người Việt Nam xưa kết những sợi tơ tằm lại để làm dây đàn. Tiếng tơ chính là tiếng đàn. Người xưa cũng ví tiếng tơ với tiếng lòng. Từ phố Phạm Văn Ðồng đến xem chương trình "Tiếng tơ", chị Nguyễn Thu Phương chia sẻ: "Tôi thật sự ấn tượng với "văn hóa tơ lụa" của người Việt Nam. Trước đây chỉ nghe nói, không ngờ câu chuyện về tơ lụa lại có nhiều đặc sắc đến thế". Phó Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết: "Với mong muốn đưa di sản đến cộng đồng, chúng tôi tổ chức các hoạt động trong không gian mở, để mọi người dễ tiếp cận. Tất cả các hoạt động trình diễn thời trang, âm nhạc, văn hóa trà (tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây) cho đến triển lãm ảnh di sản (tại đình Kim Ngân, số 42-44 phố Hàng Bạc) đều miễn phí".

Hà Nội là Thủ đô di sản. Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay có những không gian "đậm đặc" chất di sản. Tại di tích Hoàng thành Thăng Long (số 9 phố Hoàng Diệu, quận Ba Ðình), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp các cơ quan tổ chức hai chương trình: Ngày hội Di sản Văn hóa lần thứ hai và triển lãm "Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời". Suốt trong ba ngày từ 22-11 đến 24-11, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam và Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao đã mang tới công chúng những bức tranh đa sắc về di sản văn hóa phi vật thể, từ loại hình "đặc sản" của Hà Nội như ca trù, hát xẩm, cho tới những loại hình di sản văn hóa độc đáo khác như hát then, hát văn, quan họ, ví dặm... Ngoài ra, người dân được thưởng thức các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, vượt cầu khỉ, nặn tò he… Trong khi đó, triển lãm ảnh "Thành Hà Nội - Dấu ấn một thời" giới thiệu những tư liệu, hình ảnh quý hiếm từ kho tư liệu châu bản triều Nguyễn và tư liệu của người Pháp về thành Hà Nội.

Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng diễn ra chương trình Tuần Di sản Văn hóa Việt Nam, do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp Trung tâm hoạt động văn hóa - khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức, mang tới sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề nổi tiếng như: Dệt lụa Nha Xá (Hà Nam); dệt lanh đay của người H'Mông, Tày, Dao ở Quản Bạ (Hà Giang); các sản phẩm được chế tác từ tre Việt Nam; các sản phẩm áo dài đến từ nhiều thương hiệu… cùng nhiều đặc sản vùng miền trên cả nước. Không gian Nhà Thái học biến thành nơi triển lãm 100 tác phẩm thư pháp với chủ đề "Truyền kinh chính học" với nội dung được sáng tác trên cơ sở các trước tác thơ văn của Chu Văn An và 17 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám - các quan đứng đầu Quốc Tử Giám thời xưa.

Với những nỗ lực không ngừng trong truyền bá giá trị di sản, ý thức của cộng đồng với di sản văn hóa của Thủ đô nói riêng, Hà Nội nói chung từng bước được nâng lên, từ đó, cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy các giá trị.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42359802-no-luc-dua-di-san-den-cong-dong.html