Nỗ lực giảm nghèo ở Bình Liêu

Là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, huyện Bình Liêu đã nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều chương trình, giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nơi cửa ngõ biên giới.

Dây chuyền sản xuất miến dong của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu.

Những năm qua, huyện Bình Liêu đã tập trung ưu tiên dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Hàng loạt các dự án trọng điểm được triển khai xây dựng như cặp Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) và hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô; nâng cấp cải tạo đường từ Trung tâm y tế huyện đấu nối với quốc lộ 18C; cải tạo, nâng cấp nút giao thông đường nội thị thị trấn giao với cầu Nà Cắp và tuyến đường từ Trạm y tế Đồng Văn đến UBND xã Đồng Văn. Cùng với đó, huyện từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình 135.

Năm 2017, huyện Bình Liêu có 60 công trình dân sinh được đầu tư với số tiền gần 100 tỷ đồng, trong đó có 47 công trình được phân bổ từ nguồn vốn 135. Trong năm 2018, bằng các nguồn vốn từ chương trình 135, chương trình xây dựng NTM và từ ngân sách nhà nước, huyện Bình Liêu tiếp tục triển khai mới 70 công trình với tổng kinh phí đầu tư hơn 360 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quan trọng như 13 dự án đường giao thông nông thôn, chín công trình thủy lợi, 27 công trình nhà văn hóa thôn và ba công trình nước sinh hoạt tập trung. Đặc biệt, huyện đã huy động các nguồn lực xã hội và trong nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, như xây dựng hai nhà văn hóa tại hai xã Vô Ngại, Lục Hồn với tổng đầu tư chín tỷ đồng.

Xác định mục tiêu giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, huyện Bình Liêu đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời huy động mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho người nghèo trên địa bàn vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, chống lại tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào ý thức của đồng bào các DTTS nơi đây. Trong năm 2018, huyện Bình Liêu đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ cho 111 hộ nghèo xây mới nhà ở với tổng kinh phí 6,4 tỷ đồng. Trong đó, MTTQ huyện trích kinh phí hỗ trợ hai hộ nghèo xây nhà, mức 10 triệu đồng/hộ; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động, hỗ trợ hai hội viên nghèo xây nhà, với mức 25 triệu đồng/nhà; xã hội hóa xây hai nhà cho hộ nghèo khuyết tật, mồ côi, trị giá 50 triệu đồng/nhà; cứu trợ đột xuất cho ba hộ nghèo xây mới nhà ở từ nguồn ngân sách, mức 20 triệu đồng/nhà…

Bên cạnh đó, huyện Bình Liêu cũng tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ dân thay đổi nhận thức, chủ động tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến hết tháng 9-2018, toàn huyện có 901 hộ nghèo, 769 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo, trong đó, có một số xã đăng ký vượt chỉ tiêu như Đồng Văn, Lục Hồn, Húc Động. Ngoài ra, Bình Liêu đã hỗ trợ cho vay vốn hộ nghèo đạt gần bốn tỷ đồng; vay vốn giải quyết việc làm với 61 dự án đạt hơn 4,5 tỷ đồng. Huyện đã phân bổ 12,6 tỷ đồng thực hiện đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp với tổng số dự án, mô hình đã được phê duyệt là 32 dự án, 991 hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện.

Là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu và tỉnh Quảng Ninh, năm 2018, xã Lục Hồn đã nỗ lực phấn đấu, đến nay, diện mạo nông thôn và đời sống sinh hoạt của người dân xã Lục Hồn đã có những đổi thay tích cực. Cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư một cách hiệu quả; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy cao nhất thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động người dân chuyển dần những loại cây kém hiệu quả sang trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao như: tương, lạc, mía, dong riềng… Hiện nay, trên địa bàn xã có ba mô hình chăn nuôi giống gà Tiên Yên với quy mô từ 500 đến 3.000 con, ngoài ra, xã cũng hỗ trợ bò, trâu giống cho các hộ nghèo để giúp họ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Chủ tịch UBND xã Lục Hồn Bùi Thị Hồng cho biết, kết quả nêu trên là bước tạo đà để cấp ủy, chính quyền thực hiện những bước phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo trong thời gian tới. Xã sẽ sớm hoàn thiện dần hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, kênh, mương nội đồng cùng hệ thống nước sạch cho bà con, phấn đấu hoàn thành trước chỉ tiêu mà tỉnh, huyện đề ra trong chương trình xây dựng NTM, qua đó nâng cao mức sống của người dân trong xã và đưa Lục Hồn ra khỏi danh sách những xã nghèo của tỉnh Quảng Ninh...

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, huyện Bình Liêu đã mạnh dạn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được thay thế bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao... Bí thư Huyện ủy Mai Vũ Tuấn khẳng định: Trong công tác giảm nghèo, Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tạo động lực để người dân tự nguyện vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp, vận động mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho người nghèo theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không sang tăng dần cho vay, hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả nhằm tăng tính tự chủ của hộ nghèo.

Cùng với đó, huyện Bình Liêu đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế biên mậu, dịch vụ du lịch, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; tổ chức các cuộc gặp, hội nghị tiếp xúc, đối thoại cùng doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội đầu tư các dự án trên địa bàn huyện, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38588902-no-luc-giam-ngheo-o-binh-lieu.html