NỖ LỰC GIẢM THIỆT HẠI DO MƯA BÃO

Dự báo đêm nay và rạng sáng mai (11-11), bão số 6 (bão Nakri) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ của nước ta với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương chủ động chuẩn bị ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Nước ta nằm ở khu vực có nhiều cơn bão nhiệt đới đi qua. Hằng năm, mưa bão làm nhiều người dân bị thiệt mạng và mất tích, thiệt hại về tài sản cũng ở mức lớn (hàng nghìn tỷ đồng). Những cơn bão từng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản đối với nước ta phải kể đến: Linda (11-1997), Xangsane (9-2006), Durian (11-2006)… Cuối tháng 9 vừa qua, cơn bão số 5 (bão Matmo) đi vào các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên gây ra mưa lớn, làm ngập úng nhiều nơi, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân, thiệt hại về tài sản gần 900 tỷ đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân neo tàu tại cảng Quy Nhơn. Ảnh: qdnd.vn

Mưa bão lớn bao giờ cũng kèm theo các hiện tượng gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở, ngập úng… Những ngày qua, việc các ban, ngành của Trung ương, chính quyền các địa phương, các đơn vị quân đội, công an tích cực thông tin về cơn bão cho nhân dân biết và kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn, di chuyển khỏi vùng biển bị ảnh hưởng do bão là kịp thời và rất hiệu quả. Lực lượng vũ trang cũng đang nỗ lực cùng các địa phương chuẩn bị mọi phương tiện tìm kiếm cứu nạn, gia cố bờ biển, đê điều, giúp dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu là những việc làm rất ý nghĩa.

Phòng, chống mưa bão hiệu quả trước hết phải dự báo chính xác về mức độ, ảnh hưởng của thiên tai đến từng nơi để các ban, ngành, địa phương có kế hoạch ứng phó. Với cơn bão số 6, các cơ quan chức năng cần rà soát, tăng cường lực lượng, phương tiện, kịp thời cứu hộ, cứu nạn trên các vùng, miền. Các bộ, ngành và địa phương phải huy động lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão, tập trung cứu hộ tàu bè, người dân gặp nạn; hỗ trợ người bị thương, gia đình có nhà bị sập, đổ, hư hại; vệ sinh môi trường và tổ chức sản xuất sau bão; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn cho các công trình và hạ du các hồ chứa; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng xử lý sự cố hồ chứa, nhất là hồ xung yếu hoặc đang thi công.

Các đơn vị quân đội, công an cũng cần chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện để phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn; quản lý tàu thuyền, các phương tiện trên cảng và vùng biển; giúp dân những nơi dự kiến cơn bão đi qua gia cố nhà cửa, sơ tán người và tài sản, chuẩn bị lương thực, thực phẩm dự trữ và nơi tránh trú an toàn khi cần thiết; vệ sinh môi trường và phòng, chống bệnh dịch; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau bão; làm tốt công tác hỗ trợ và vận động giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân các nơi bị thiệt hại…

Giảm thiệt hại là mục tiêu hàng đầu của chúng ta khi xuất hiện những trận mưa bão lớn. Muốn vậy, cần phải có sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, các ban, ngành Trung ương, sự chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao để phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành chức năng với nhau và với các đơn vị lực lượng vũ trang. Có như vậy, chúng ta sẽ giảm được thiệt hại do thiên tai gây ra.

LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/no-luc-giam-thiet-hai-do-mua-bao-599536