Nỗ lực giữ việc làm cho người lao động

Các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ giãn thu BHXH và tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài trở lại làm việc

Sáng 30-6, hơn 300 doanh nghiệp (DN), trong đó nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn TP HCM, đã tham dự hội nghị "Đối thoại giữa DN và Chính quyền thành phố" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức. Hội nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DN sau cú sốc nặng nề do dịch Covid-19 gây ra.

Chồng chất khó khăn

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết tổng hợp ý kiến từ hơn 300 DN cho thấy các vấn đề mà DN quan tâm nhiều trong hội nghị này là: Trợ cấp mất việc, thay đổi cơ cấu lao động, ký hợp đồng với người lao động (NLĐ) nước ngoài…

Theo đại diện nhiều DN, ngay khi giãn cách xã hội được nới lỏng, các DN đều gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu, nguồn vốn, khách hàng đều sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều DN "than" không thể nối lại sản xuất - kinh doanh do nhập khẩu bị đình trệ, trong đó có việc các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam để vận hành thiết bị sản xuất.

Từ đó, mọi khó khăn cứ dồn dập "gõ cửa" DN. Khó khăn lớn nhất có lẽ là việc giữ NLĐ trong những DN này. Đa số ý kiến trong hội nghị tán thành với những chủ trương, chính sách ứng phó nhanh chóng của Chính phủ, của UBND TP HCM đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, những chính sách đó khi đi vào đời sống, DN cũng gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều DN đã để xảy ra tình trạng nợ hoặc chậm đóng BHXH và đã bị cơ quan BHXH tính lãi nợ. Bà Hồng Thắm, đại diện Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (Bidrico; huyện Bình Chánh, TP HCM), thừa nhận công ty bà gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng không cắt giảm lao động.

Vì gặp khó khăn về tài chính, công ty nợ tiền BHXH tháng 3 và 4. Đến tháng 5, công ty hoạt động trở lại và đã đóng tiền BHXH đầy đủ. "Tuy nhiên, trong thông báo đóng tiền BHXH tháng 5 có xuất hiện khoản tính lãi nợ BHXH. Rất nhiều DN đang gặp khó khăn, do vậy việc BHXH tính lãi nợ như thế là không hợp lý" - bà Thắm bày tỏ.

Bà Trần Thị Xuân, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), phát biểu tại hội nghị

Bà Trần Thị Xuân, đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), phát biểu tại hội nghị

Đại diện Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ (quận 7) cũng trình bày DN gặp nhiều khó khăn nhưng không cắt giảm nhân sự, không để trễ lương NLĐ. Dù vậy, thuế và BHXH thì không thể đóng đủ, đúng thời hạn. Công ty cũng cam kết sẽ trả nợ sau khi tình hình kinh tế phục hồi nhưng cơ quan thuế và BHXH không thông cảm và cứ đòi thanh - kiểm tra DN khiến DN càng thêm khó khăn.

Chia sẻ với các DN, bà Trần Ngọc Giao Châu - Trưởng Phòng Chế độ BHXH, BHXH TP HCM - giải thích Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ cho NLĐ và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. UBND TP cũng có quy định về việc hỗ trợ cho NLĐ bị tác động bởi dịch bệnh.

"Nếu DN không thuộc đối tượng được giãn đóng BHXH do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì vẫn phải đóng theo quy định. Chậm nộp BHXH và bị phạt là hai vấn đề khác nhau. Sau 30 ngày, nếu DN không chuyển tiền nợ BHXH thì mới bị phạt. Ví dụ thông báo đóng tiền của tháng 6 nhưng có thông báo lãi là lãi của số tiền nợ BHXH từ tháng 4. Các DN nên rà soát lại xem mình có thuộc diện được giãn đóng BHXH do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tiến hành các thủ tục để được giãn đóng" - bà Châu nói.

Thiếu chuyên gia nước ngoài

Đa số DN quan tâm đến việc Sở LĐ-TB-XH, UBND TP tạo mọi điều kiện để các chuyên gia người nước ngoài của họ được sớm nhập cảnh Việt Nam nhằm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đại diện Công ty TNHH MTV GS Industry (100% vốn Hàn Quốc) cho biết các chuyên gia người Hàn Quốc đến Việt Nam làm việc trong tháng 2-2020, ngay thời điểm ngừng duyệt cấp mới giấy phép lao động. "Hiện số chuyên gia này vẫn chưa được cấp giấy phép lao động dù họ không di chuyển qua các vùng có dịch bệnh. Vậy, số chuyên gia này có được xem xét cấp giấy phép lao động mới hay không?" - đại diện Công ty TNHH MTV GS Industry đặt câu hỏi.

Về trường hợp này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, cho rằng chủ trương của UBND TP là tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các thủ tục cấp mới và gia hạn giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài yên tâm làm việc không để lây lan dịch bệnh. Do đó, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã chính thức tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép lao động mới cho NLĐ người nước ngoài từ ngày 15-6-2020.

Còn đại diện Công ty TNHH TM-DV Mednovun (quận Gò Vấp, TP HCM) nhìn nhận khó khăn hiện tại của DN không nằm ở việc thực hiện những chính sách mà là việc NLĐ nước ngoài đang gặp trở ngại khi nhập cảnh Việt Nam. "Công ty chúng tôi có nhiều NLĐ là người nước ngoài. Họ biết Việt Nam là vùng đất an toàn với dịch Covid-19 nên muốn được tạo điều kiện để sớm đến Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn do các chuyến bay quốc tế bị ngưng, thủ tục còn phức tạp" - vị đại diện Công ty TNHH TM-DV Mednovun nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm khẳng định chủ trương của TP cũng như Chính phủ là hỗ trợ tốt nhất cho DN. Do đó, nếu các DN có chuyên gia, lao động nước ngoài đang "kẹt" ở các nước có dịch bệnh chưa thể sang Việt Nam tiếp tục công việc thì nhanh chóng đăng ký với Sở LĐ-TB-XH TP để làm các thủ tục cần thiết theo quy định.

Tạo điều kiện cho lao động nước ngoài nhập cảnh

"Sau thời gian ngắn thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đến giờ phút này, Sở LĐ-TB-XH TP HCM đã tiếp nhận và trình UBND TP hơn 3.000 hồ sơ là lao động nước ngoài phù hợp để được tạo điều kiện nhập cảnh Việt Nam. Về quy trình, đại diện các DN liên hệ trực tiếp hoặc qua website của sở để làm thủ tục, sau đó sở sẽ duyệt hồ sơ chuyển cho TP, TP sẽ làm việc với Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Sau khi được duyệt, các DN tiến hành đưa NLĐ của mình nhập cảnh Việt Nam và tất nhiên phải chấp hành các thủ tục cần thiết về phòng chống dịch bệnh" - ông Nguyễn Văn Lâm nói.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/no-luc-giu-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-2020063021341161.htm