Nỗ lực giúp người dân vùng ngập lụt ở miền tây Nghệ An

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, nhiều địa phương ở miền tây Nghệ An chịu thiệt hại nặng nề do mưa lớn. Theo thống kê ban đầu, đã có năm người chết vì lũ cuốn, hàng nghìn héc-ta hoa màu bị ngập và hư hỏng, nhiều tuyến đường bị chia cắt, khu dân cư bị cô lập...

Bộ đội Biên phòng sơ tán người già, trẻ em ở bản Cầu Tám (thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) đến nơi an toàn.

Tổng lượng mưa từ ngày 16-8 đến sáng 17-8 phổ biến ở các huyện miền tây Nghệ An từ 110 đến 250 mm, như: Tây Hiếu 279 mm, Quỳnh Lưu 250 mm, Quỳ Hợp 184 mm, Dừa 151 mm, Quỳ Châu 132 mm, Con Cuông 105 mm… Mưa lớn đã khiến nước sông suối dâng cao, chảy xiết cùng với việc các hồ thủy điện xả lũ làm nhiều tuyến đường như quốc lộ: 7, 48, 15, 48E…, tỉnh lộ, liên huyện bị chia cắt; các khu dân cư ở những huyện miền núi Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn… bị ngập lụt hoặc cô lập. Thống kê ban đầu trên toàn tỉnh Nghệ An (đến chiều 17-8), mưa lớn đã khiến năm người dân ở huyện Kỳ Sơn chết do lũ cuốn trôi; 17 ngôi nhà sập; 198 ngôi nhà phải di dời do sạt lở hay ngập sâu; 1.184 ngôi nhà bị ngập; hơn 5.000 ha lúa, rau màu và cây trồng, hơn 597 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 7.394 con gia súc, gia cầm bị chết; hàng chục nghìn mét đường, đê bị sạt lở, hư hỏng; hàng chục cầu cống, tràn bị hư hỏng, cuốn trôi...

Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàng, tại huyện Kỳ Sơn đã có năm người chết do nước lũ cuốn trôi. Các xã Mường Típ, Mường Ải, Mỹ Lý… bị chia cắt. Quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên huyện Kỳ Sơn bị sạt lở tại nhiều điểm; nhiều bản bị chia cắt, cô lập; một số nhà dân chìm trong nước. Tại thị trấn Mường Xén, nhiều điểm ngập sâu từ 60cm đến 1m...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương Lô Khăm Kha cho biết: Hiện trên địa bàn huyện xảy ra chia cắt ở nhiều địa bàn như: Yên Tĩnh, Yên Thắng, Yên Na, Tam Quang… Nhiều hoa màu của dân bị ngập. Mưa lớn gây sạt lở trên diện rộng tại huyện Quỳ Hợp, nhất là các xã Châu Lý, Châu Thành, Châu Hồng, thị trấn Quỳ Hợp... Tất cả cầu tràn trên địa bàn xã Châu Lý bị ngập sâu, cô lập hoàn toàn các bản trên địa bàn. Nhiều diện tích lúa đang làm đòng bị nước lũ, bùn đất nhấn chìm, nhiều diện tích ao cá bị cuốn trôi,… Một số cầu, tràn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn ngập sâu trong nước, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Trong đó, cầu Tràn Dinh tại km 97+850 nối liền xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) và xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp), ngập sâu trên mặt cầu 2m. Xã Nghĩa Hưng, Nghĩa Thịnh… bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thịnh Phạm Văn Tân cho biết: Cầu Tràn Hiếu tại km 92+B50, quốc lộ 48E nối xã Nghĩa Thịnh với xã Nghĩa Hưng ngập sâu 2,2m. Xã đã lập hàng rào, biển báo cấm không để người dân qua đây…

Phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, các địa phương trong tỉnh đã huy động lực lượng bộ đội, công an, biên phòng, dân quân tự vệ kịp thời có mặt tại các vùng ngập lụt hay có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để tổ chức sơ tán người dân cùng đồ đạc, gia súc lên cao, nơi an toàn. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ngay trong mưa lũ, các đồn biên phòng ở tuyến núi như: Mỹ Lý, Mường Típ, Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và Đại đội Cơ động 1 thuộc Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (đóng quân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn) đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong mưa lũ để giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn; đồng thời giúp dân vận chuyển tài sản lên cao... Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã huy động lực lượng phối hợp chính quyền địa phương trực tiếp đến các bản: Xiềng Tắm, Xốp Tụ, Xiềng Trên… bị ngập nặng nhất để sơ tán người dân và giúp các gia đình di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Tại bản Xốp Tụ, ngôi nhà của gia đình anh Kha Hồng Thủy bị ngập khoảng 30cm và có nguy cơ đổ sập do nằm gần mép sông, đã được Đồn Biên phòng Mỹ Lý giúp di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Công an huyện Quỳ Hợp tích cực tham gia sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập; lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức trực 24/24 giờ tại các điểm ngập lụt để phân luồng, hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn… Các lực lượng đã tổ chức cắm biển báo, trực gác tại những tuyến đường sạt lở, bị ngập để không cho người dân qua lại hay đánh bắt cá, vớt củi… Chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan đang huy động nhân lực, máy móc để giải tỏa ách tắc giao thông và giúp người dân khắc phục thiệt hại. Đồng thời, tiến hành rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo người dân. Ngành điện cung cấp điện kịp thời cho các trạm bơm vận hành tiêu úng, vận hành hồ đập một cách kịp thời.

Bài, ảnh: THÀNH CHÂU và ĐÌNH LƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37345802-no-luc-giup-nguoi-dan-vung-ngap-lut-o-mien-tay-nghe-an.html