Nỗ lực gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón

Ngày 5/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị Nhóm ngành sản xuất kinh doanh phân bón năm 2023

Hội nghị được tổ chức nhằm nắm bắt những khó khăn thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón cũng như tìm ra các giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó

Tham dự Hội nghị có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường; các đồng chí trong Ban lãnh đạo; Trưởng, phó các Ban chức năng thuộc Tập đoàn và lãnh đạo các công ty, đơn vị thành viên sản xuất phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Phùng Quang Hiệp chủ trì Hội nghị.

Trưởng Ban Kế hoạch Kinh doanh Bùi Văn Thắng báo cáo tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh quý I năm 2023

Trưởng Ban Kế hoạch Kinh doanh Bùi Văn Thắng báo cáo tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh quý I năm 2023

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong Quý I/2023, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành phân bón trong nước có yếu tố thuận lợi, song thách thức lại nhiều hơn khi xung đột quân sự Nga - Ucraina vẫn đang tiếp diễn; việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo thêm áp lực cạnh tranh lên nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng phân bón.

Chưa kể, trong Quý I, tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung các loại than cho sản xuất phân bón với giá neo ở mức cao. Các đơn vị sản xuất phân urê phải dùng than cám để sản xuất; thuế tự vệ thương mại phân bón DAP, MAP không được gia hạn kể từ 7/9/2022 khiến lượng phân bón DAP, MAP nhập khẩu tăng cao tạo sức cạnh tranh lớn với các đơn vị sản xuất trong nước...

Chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong Quý I/2023, doanh thu cộng hợp của nhóm ngành sản xuất kinh doanh phân bón toàn Tập đoàn 35% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp giảm 30%.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 6.587 tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2022 (chiếm 57% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn). Doanh thu đạt 6.762 tỷ đồng, bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022 (chiếm 54% doanh thu toàn Tập đoàn). Tổng sản lượng các đơn vị đã sản xuất trong Quý I/2023 đạt 680 nghìn tấn phân bón các loại bằng 83% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 22% kế hoạch cả năm 2023.

Riêng trong tháng 3/2023, xuất khẩu phân bón đạt 51,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 41,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn Tập đoàn. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị xuất khẩu tăng 29%. Sản lượng xuất khẩu NPK đạt 12.300 tấn, giảm 17%; phân DAP đạt 36.000 tấn, tăng 10%; Urê đạt 48.500 tấn, gấp 12 lần so với cùng kỳ năm 2022. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia, các thị trường có FTA RCEP...

“2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, đối với hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng phân bón và những thách thức này đã và đang hiện hữu trong suốt Quý I và thể hiện rõ qua những kết quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn”, lãnh đạo Vinachem chia sẻ và cho rằng, cần nhìn nhận kết quả này trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn để thấy được “sức mạnh tổng hợp” đến từ sự nỗ lực, đồng lòng, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Bởi, trong Quý I/2023, một số đơn vị vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ, tận dụng được cơ hội, thời cơ thị trường, có lợi nhuận.

Nỗ lực cao nhất

Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng, một số đơn vị vẫn tiếp tục suy giảm sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ, doanh số thấp hơn so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là hiệu quả thấp. Tình trạng thiếu quặng apatit cho sản xuất phân bón, hóa chất, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của một số đơn vị do phải dừng máy và sửa chữa máy móc thiết bị.

Cũng theo báo cáo của Tập đoàn, Quý II và những tháng còn lại của năm, trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 khi Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu phân bón, giá các phân bón trong nước được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trước khi thiết lập một mặt bằng giá cân bằng hơn. Ngoài ra, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn còn hiện hữu tuy đã có tín hiệu hạ nhiệt lãi suất; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp...

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Vinachem khẳng định, dù còn nhiều thách thức trong thời gian tới nhưng với tinh thần chủ động quyết liệt triển khai Nghị quyết 01/NQCP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, bằng sự nỗ lực của Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, toàn Tập đoàn đã và sẽ cố gắng tổ chức sản xuất kinh doanh theo kế hoạch đề ra, đáp ứng cao nhất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hiện thực hóa các mục tiêu, cả năm 2023, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đặt mục tiêu với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.343 tỷ đồng. Doanh thu đạt 31.865 tỷ đồng. Lợi nhuận lãi 1.480 tỷ đồng. Sản lượng sản xuất đạt 3.131.000 tấn; Sản lượng tiêu thụ đạt 3.015.000 tấn...

Riêng đối với Quý II/2023, Tập đoàn đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 8.119 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Doanh thu kế hoạch đạt 8.270 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022...

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch Quý II/2023 cũng như kế hoạch cả năm 2023, Vinachem xác định tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho 3 đơn vị thuộc Đề án 1468;. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp trong công tác tuyển khoáng để ổn định chất lượng quặng tuyển, duy trì hiệu quả các nhà máy tuyển; Phát huy tối đa năng lực sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì sản xuất đáp ứng quặng apatit.

Ông Văn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển phát biểu tại Hội nghị

Mặt khác, Tập đoàn cũng đề nghị tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống dây chuyền sản xuất đảm bảo sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất máy móc, giảm thiểu thời gian phải dừng máy do sự cố thiết bị; Bám sát biến động của thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hợp lý, cân đối giữa tiêu thụ và sản xuất, mua nguyên vật liệu đảm bảo ít bị ảnh hưởng khi có biến động giá nguyên vật liệu cũng như sản phẩm, tránh tồn kho.

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có hàm lượng dinh dưỡng cao, phân hữu cơ, sản phẩm thích ứng với với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và định phát triển nông nghiệp xanh; Tập trung củng cố và phát triển thị trường chính trong nước.

Lãnh đạo Vinachem nhấn mạnh, ngoài yếu tố nội tại của các đơn vị là sự đoàn kết, phát huy tinh thần sáng tạo, thực hành tiết kiệm, vận hành trang thiết bị bảo đảm an toàn và nâng cao số giờ vận hành mạnh thì việc tương tác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các Tập đoàn, Tổng công ty bạn để phục vụ cho hoạt động sản kinh doanh chung sẽ đem lại sức mạnh tổng hợp, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh tích cực của năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những khó khăn, vướng mắc của đơn vị mình trong quá trình sản xuất kinh doanh như thiếu nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ, công tác phát triển sản phẩm mới, nhân công... và cùng nhau thảo luận, tìm ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó.

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Phùng Quang Hiệp chia sẻ những khó khăn và ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón.

Tồng Giám đốc Phùng Quang Hiệp đề nghị, trong những tháng tiếp theo các Ban chức năng của Tập đoàn cần bám sát các đơn vị, làm đầu mối nắm bắt, cập nhật thông tin, tạo mọi điều kiện tối đa cho đơn vị. Song song đó, các đơn vị cần tăng cường công tác quản trị: quản trị chi phí, nguồn nhân lực, năng suất lao động, định mức tiêu hao... Đẩy mạnh công tác thị trường, đặc biệt lưu ý đến thị trường xuất khẩu và phát triển sản phẩm mới. Cần rà soát lại kế hoạch của mình để xem lợi thế của đơn vị mình để từ đó phát triển.

Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, trong những tháng tiếp theo cần đẩy mạnh công tác thị trường, đặc biệt lưu ý đến thị trường xuất khẩu và phát triển sản phẩm mới.

“Hết sức lưu ý và phải làm tốt công tác sửa chữa lớn, công tác an toàn môi trường và tiếp tục tăng tính liên kết giữa các đơn vị nhằm hỗ trợ lẫn nhau”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh và chỉ đạo, yêu cầu Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam không để thiếu quặng cho các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn.

“Tập đoàn sẽ quyết liệt chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023”, Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định.

Trần Bản

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/no-luc-go-kho-cho-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-phan-bon-104790.htm