Nỗ lực góp phần xây dựng trường nghề chất lượng cao

Quê ở Vĩnh Long nhưng cô Trần Thị Thanh Lý - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng lại 'bén duyên' với Sóc Trăng ngay từ khi mới tốt nghiệp đại học. Những năm qua, cô đã có nhiều nỗ lực từ nghiên cứu, giảng dạy đến quản lý, điều hành các hoạt động của khoa và đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào công tác dạy nghề của tỉnh thêm nhiều khởi sắc.

Cô Trần Thị Thanh Lý nhớ lại, trước đây cô học Trường Đại học Cần Thơ với chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản, đến năm 2004 tốt nghiệp ra trường. Do yêu thích nghề dạy học nên thông qua góc tuyển dụng của Trường Dạy nghề Sóc Trăng (tiền thân của Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng hiện nay), cô nộp hồ sơ xin việc và được tuyển dụng vào công tác đến hôm nay. Bằng sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự đoàn kết thống nhất của tập thể Khoa Nông nghiệp - Thủy sản góp phần đưa Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đạt nhiều thành tích đáng kể. Trong đó, nghề Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ là 1 trong 5 nghề trọng điểm của trường, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên (HSSV) theo học và ra trường đều có việc làm ổn định.

Để đáp ứng việc dạy và học trong điều kiện mới, cô Lý luôn tìm tòi học hỏi, cập nhật, đổi mới phương pháp để công tác giảng dạy ngày một tốt hơn. Đảm bảo hoàn thành giáo án, bài giảng đúng quy định của Nhà trường, đảm bảo phong cách sư phạm của người giáo viên. Cô còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của HSSV về tầm quan trọng của nghề đào tạo, góp phần thắng lợi vào mục tiêu đào tạo chung của trường. Bằng nhiều hình thức đào tạo, từ học lý thuyết trên giảng đường đến rèn luyện kỹ năng tại trại thực nghiệm của trường để người học tiếp cận thực tế. Hằng năm, cô liên hệ các công ty, doanh nghiệp để HSSV tham quan, rèn luyện tay nghề trước khi kết thúc khóa học; liên hệ gửi HSSV thực tập rèn nghề tại công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không những vậy, cô Lý còn quan tâm đến học lực, hoàn cảnh của mỗi em để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ. Vì vậy, không chỉ có đồng nghiệp mà HSSV còn thương yêu, quý mến.

Cô Trần Thị Thanh Lý - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng nhận Quyết định chương trình đào tạo nghề Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Ảnh: MAI KHÔI

Hằng năm, cô đều tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Kết quả, cô Lý đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng Trường nghiệm thu đánh giá đạt, cùng các đề tài cấp tỉnh được ứng dụng vào thực tế. Trong đó phải kể đến Dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý môi trường ao nuôi thủy sản tại tỉnh Sóc Trăng” được nghiệm thu năm 2021; Chủ nhiệm nhiệm vụ thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá lóc đồng tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng” được nghiệm thu năm 2022... Đối với nhiệm vụ quản lý, điều hành, cô thường xuyên theo dõi, phân công công việc cụ thể, phù hợp đến từng giảng viên. Chỉ đạo công tác bố trí, sắp xếp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, trại thực nghiệm đảm bảo. Tích cực vận động giảng viên thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo được mô hình để HSSV học tập, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề cho giảng viên.

Với những thành tích đạt được, những năm qua cô Trần Thị Thanh Lý được tặng thưởng nhiều danh hiệu của trường, của tỉnh. Nhưng có lẽ vui mừng hơn nữa đối với cô và tập thể Nhà trường khi cuối năm 2023 vừa qua, chương trình đào tạo nghề Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng ở trình độ cao đẳng. Điều này đã khẳng định thêm uy tín của khoa, trường đối với người học và người sử dụng lao động về chất lượng đào tạo của Nhà trường, trên cơ sở đánh giá nhận xét mức độ, chất lượng công việc, người học sau tốt nghiệp làm việc tại các công ty. Qua đó, mối quan hệ hợp tác giữa trường với các công ty, doanh nghiệp cũng từng bước được nâng lên, doanh nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà giáo thâm nhập thực tế các quy trình công nghệ mới của chương trình đào tạo, đưa vào giảng dạy phù hợp với thực tế sản xuất.

Cô Lý trải lòng: “Tôi sẽ cố gắng tiếp tục phát huy những mặt mạnh của chương trình đào tạo và thường xuyên quan tâm xây dựng kế hoạch khắc phục những tiêu chuẩn còn tồn tại, hạn chế. Đồng thời cũng sẽ góp sức của mình để các chương trình đào tạo của trường đều đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong thời gian tới, quyết tâm xây dựng Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng là trường chất lượng cao đến năm 2025”.

MAI KHÔI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/hoa-no-bon-mua/no-luc-gop-phan-xay-dung-truong-nghe-chat-luong-cao-69825.html