Nỗ lực hạ nhiệt

Tổng thống Nga V.Pu-tin đề nghị tổ chức hội nghị cấp cao trực tuyến các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về vấn đề hạt nhân I-ran nhằm tránh sự đối đầu trong quan hệ Mỹ - I-ran. Nỗ lực 'hạ nhiệt' căng thẳng được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo kích hoạt việc tái áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Tổng thống Nga V.Pu-tin đề nghị tổ chức hội nghị cấp cao trực tuyến các nhà lãnh đạo thế giới để bàn về vấn đề hạt nhân I-ran nhằm tránh sự đối đầu trong quan hệ Mỹ - I-ran. Nỗ lực "hạ nhiệt" căng thẳng được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo kích hoạt việc tái áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm vào quốc gia Hồi giáo.

Đề xuất của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ bác bỏ dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo về việc kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran. Theo Nghị quyết 2231 của HÐBA ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà I-ran đã ký với nhóm P5+1 (gồm năm nước thành viên HÐBA và Ðức) hồi năm 2015, lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran sẽ hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới. Việc ngay cả các nước châu Âu là Anh, Pháp, Ðức không ủng hộ dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất khiến Oa-sinh-tơn thất vọng. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ R.Bri-en tuyên bố, Mỹ sẽ sử dụng các công cụ khác, trong đó áp dụng cả những biện pháp khắc nghiệt hơn tại LHQ đối với I-ran. Ông thậm chí cảnh báo, các lệnh trừng phạt trước năm 2015 "sẽ có hiệu lực trở lại". Mặc dù đã rút khỏi JCPOA, song Mỹ vẫn đe dọa sử dụng một điều khoản trong thỏa thuận để kích hoạt trở lại tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với I-ran. Theo các nhà phân tích, nếu động thái này được xúc tiến sẽ đe dọa làm tiêu tan thỏa thuận hạt nhân lịch sử, bởi sẽ làm mất đi động lực chính khiến I-ran tuân thủ các cam kết về hạn chế hoạt động trong chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran.

Nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân I-ran đang bên bờ vực nguy hiểm, mục đích của Nga trong việc tổ chức hội nghị cấp cao trực tuyến là tìm giải pháp bảo đảm an ninh tại vùng Vịnh có tính đến mối quan tâm của tất cả các bên liên quan. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ M.Pom-peo, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp khẳng định, Mát-xcơ-va hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết 2231 của HÐBA đặt cơ sở pháp lý cho việc thực thi thỏa thuận hạt nhân I-ran.

Ông nhấn mạnh, việc ký kết thỏa thuận này là một bước đột phá lớn về chính trị và ngoại giao nhằm tăng cường kiểm soát vũ khí hạt nhân và an ninh tại khu vực Trung Ðông. Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao đề xuất của Nga, khẳng định sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ và phối hợp với tất cả các bên liên quan để cùng thúc đẩy giải pháp chính trị về vấn đề hạt nhân I-ran. Pháp và Anh cũng nhấn mạnh cần ưu tiên hơn cho việc duy trì giải pháp ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân của I-ran. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Ð.Trăm tuyên bố sẽ không tham dự bất kỳ hội nghị nào cho thấy, chính quyền Oa-sinh-tơn quyết tâm theo đuổi chính sách cứng rắn đối với I-ran. Người đứng đầu Nhà trắng thậm chí khẳng định sẽ tìm cách áp đặt trở lại lệnh trừng phạt của LHQ đối với I-ran thông qua các động thái tiếp theo.

Ðể chuẩn bị cho mọi kịch bản trong thực thi chính sách "gây sức ép tối đa" đối với I-ran, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây mở rộng quy mô các lệnh trừng phạt Tê-hê-ran liên quan đến kim loại, nhằm vào 22 vật liệu đặc biệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu bằng thép, nhôm..., mà Oa-sinh-tơn cho là đã được sử dụng trong các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo và quân sự. Các lệnh trừng phạt sẽ cho phép Oa-sinh-tơn đưa vào "danh sách đen" bất cứ ai cố tình chuyển từ hoặc tới I-ran các vật liệu như than chì, hoặc các kim loại thô hoặc đã qua sơ luyện. Trong khi đó, tiếp tục tăng cường các biện pháp siết chặt lệnh trừng phạt đơn phương đối với I-ran, Mỹ mới đây thu giữ bốn lô hàng nhiên liệu của I-ran đang trên đường chuyển đến Vê-nê-xu-ê-la. Với khoảng 1,116 triệu thùng nhiên liệu bị tịch thu, đây là vụ bắt giữ nhiên liệu của I-ran lớn nhất từ trước đến nay mà Mỹ tiến hành.

Từng tuyên bố JCPOA là "thỏa thuận tồi tệ nhất" trong lịch sử do chính quyền tiền nhiệm ký kết, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đang tiếp tục thực thi các bước nhằm ngăn chặn "tham vọng hạt nhân" của Tê-hê-ran, theo cáo buộc của Oa-sinh-tơn. Những động thái "ăn miếng, trả miếng" giữa Mỹ và I-ran làm gia tăng thế đối đầu trong xử lý các vấn đề giữa hai bên. Nỗ lực quốc tế hiện nay nhằm ưu tiên cho các giải pháp ngoại giao trong giải quyết bất đồng gay gắt giữa Mỹ và I-ran, giúp duy trì sự ổn định ở khu vực.

HẢI ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/no-luc-ha-nhiet-613433/