Nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

Các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đều đang nghiêm túc đối thoại với nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.

Theo AFP, vòng đàm phán thứ tư nhằm cứu vãn JCPOA giữa Iran và các bên tham gia thỏa thuận, gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đã diễn ra vào ngày 7-5 tại thủ đô Vienna của Áo. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, Trưởng phái đoàn của Iran tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân đã ca ngợi “nguồn năng lượng mới" và sự nghiêm túc của tất cả các bên tại vòng đàm phán. Trong khi đó, trên trang Twitter, ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) nêu rõ, các phái đoàn sẵn sàng ở lại Vienna nếu cần thiết để đạt được mục tiêu.

Trong khi các đại diện của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga tham gia thảo luận trực tiếp với Iran, tại Vienna, phái đoàn Mỹ tham gia cuộc đàm phán gián tiếp với Tehran do các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian nhằm tìm cách để Iran tiếp tục tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi khẳng định các bên đều nghiêm túc muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Reuters

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi khẳng định các bên đều nghiêm túc muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân. Ảnh: Reuters

Vào năm 2015, Iran và 6 cường quốc thế giới được gọi là nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã đặt bút ký kết JCPOA. Điểm mấu chốt của thỏa thuận là Iran cam kết kiểm soát chương trình phát triển hạt nhân của nước này. Đổi lại, Mỹ, EU và LHQ sẽ giảm bớt các lệnh trừng phạt với Iran. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Thỏa thuận hạt nhân dần suy yếu sau khi Washington gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đáp trả lại hành động của Mỹ, Iran đã đình chỉ việc tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận. Các bên tham gia trong JCPOA là Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh luôn tìm cách để duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Và nỗ lực này trở nên thuận lợi hơn khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Sau khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố muốn đưa Mỹ trở lại JCPOA với điều kiện Tehran phải tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận của mình. Về phần mình, Iran yêu cầu Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này trước khi tuân thủ trở lại các điều khoản của thỏa thuận.

Trả lời phỏng vấn với truyền thông Iran, ông Abbas Araghchi, Thứ trưởng Ngoại giao nước này cho biết, phía Mỹ đã bày tỏ sự sẵn sàng dỡ bỏ phần lớn lệnh trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, theo ông Abbas Araghchi, Iran muốn nhiều hơn thế. “Chúng tôi đã nhận được thông báo từ phía Mỹ rằng Washington nghiêm túc trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và tuyên bố sẵn sàng dỡ bỏ một phần lớn các lệnh trừng phạt. Nhưng theo quan điểm của chúng tôi thì điều này là chưa đủ. Do đó, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục cho đến khi tất cả yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng", ông Abbas Araghchi nhấn mạnh.

Theo Reuters, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden cho biết, ông tin rằng Iran đang nghiêm túc tham gia vào các cuộc đàm phán nhưng không rõ Tehran thực sự chuẩn bị làm gì để trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Ông Joe Biden lưu ý: “Họ có nghiêm túc đối thoại nhưng nghiêm túc đến mức nào lại là một câu chuyện khác”.

Quyết định dỡ bỏ một phần lớn các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran được xem là động thái thiện chí của Washington nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên và thu hẹp bất đồng trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, hành trình hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử vẫn còn nhiều khó khăn khi Iran không chịu nhượng bộ, kiên quyết giữ lập trường chỉ trở lại tuân thủ JCPOA nếu Mỹ xóa bỏ tất cả các lệnh trừng phạt.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/no-luc-hoi-sinh-thoa-thuan-hat-nhan-iran-659038