Nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Đối với giáo dục-đào tạo (GD&ĐT), năm 2019 là năm chuẩn bị, tạo tiền đề để hoàn thành các kế hoạch trong năm 2020. Trong đó, một số nội dung được đặt ra như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), đổi mới thi cử, đánh giá, xây dựng văn hóa học đường…

Một năm giáo dục nhiều thay đổi

Có thể coi 2019 là năm quan trọng chuẩn bị mọi điều kiện cần và đủ để chương trình đi vào thực tiễn, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện cho GDPT. Một số hoạt động nổi bật của giáo dục trong năm, như: Luật Giáo dục năm 2019 được thông qua; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực; tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với nhiều điểm mới, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý triệt để sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; công bố các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 chương trình GDPT mới; Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế...

Thực tế, việc công bố 32 cuốn SGK trong danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt được xã hội chờ đợi từ lâu. Mặc dù có độ trễ về thời gian so với dự kiến, song dư luận vẫn đánh giá cao nỗ lực của ngành khi tổ chức các quy trình biên soạn, thẩm định và phê duyệt chặt chẽ. Theo đại diện Bộ GD&ĐT, chỉ riêng với 4 bộ SGK của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã huy động đến hơn 700 tác giả, nhà khoa học và đội ngũ giáo viên trên cả nước tham gia viết sách với 150 tổng chủ biên.

Ngay sau khi công bố, Bộ GD&ĐT cũng triển khai các phương án để lựa chọn SGK, tập huấn cho giáo viên và cán bộ cốt cán sử dụng SGK với yêu cầu đạt tiến độ đề ra.

Việc kiên quyết, triệt để xử lý những sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cũng là điểm nhấn đáng chú ý. Năm 2019, gần 880.000 thí sinh trên cả nước hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi với nhiều đổi mới đã được đánh giá là diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các điểm thi tại địa phương nơi thí sinh theo học giúp thí sinh không phải di chuyển xa, tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, giảm áp lực thi cử cho gia đình và toàn xã hội. Một số điểm mới được đánh giá cao như sắp xếp thí sinh tự do cùng phòng với thí sinh lớp 12 để hạn chế tiêu cực trong thi cử; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan công an trong các khâu của kỳ thi; giao quyền chấm bài thi trắc nghiệm cho các trường đại học dưới sự chỉ đạo, giám sát trực tiếp của Bộ GD&ĐT; thay đổi tỷ lệ điểm xét tốt nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ điểm từ kỳ thi THPT quốc gia lên 70%, thay vì 50% như năm 2018... Những điểm này đã giúp kỳ thi THPT quốc gia hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, năm 2019 cũng để lại những băn khoăn trong dư luận về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; bạo lực, tai nạn trong học đường vẫn xảy ra. Trong đó có cả những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến tính mạng của học sinh…

Cần chủ động hơn để hoàn thành mục tiêu đề ra

Bước sang năm mới 2020, bên cạnh việc tích cực, chủ động triển khai các hoạt động dạy học của học kỳ 2 năm học 2019-2020, các cơ sở giáo dục và toàn ngành cần tích cực triển khai xây dựng kế hoạch cho năm học 2020-2021 sẽ khai giảng vào tháng 9-2020. Đặc biệt, công tác này phải được chú trọng hơn ở bậc học tiểu học với việc triển khai chương trình lớp 1.

Đầu tiên là chuẩn bị SGK cho chương trình GDPT mới. Tính đến thời điểm này, theo dự thảo thông tư về việc lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT thì chỉ còn 4 tháng nữa phải hoàn thành lựa chọn, công bố SGK (niêm yết công khai trước khi năm học mới diễn ra ít nhất 5 tháng). Tuy nhiên, đến thời điểm này, giáo viên các trường mới chỉ biết đến SGK qua… hình ảnh và các hội đồng lựa chọn SGK mới chỉ là chủ trương… trên giấy.

Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu các nhà xuất bản, các sở GD&ĐT có phương án để giáo viên, phụ huynh có điều kiện tiếp cận, lựa chọn SGK. Tuy nhiên, những công văn kiểu “bắn chỉ thiên” thế này được cho là chưa thật sự hiệu quả. Dư luận xã hội và đội ngũ nhà giáo cần những giải pháp cụ thể hơn nữa từ Bộ GD&ĐT để SGK sớm đến tay những người tham gia lựa chọn, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, các cơ sở giáo dục được tiếp cận và nghiên cứu, làm quen với công cụ dạy học của mình. Muốn vậy, Bộ GD&ĐT cần phải có một lộ trình và hướng dẫn cụ thể, kịp thời cho công tác này.

Cùng với đó, sự quan tâm của dư luận xã hội trong năm 2020 cũng dành nhiều cho kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi năm nay, về cơ bản sẽ được giữ ổn định như năm 2019. Tuy nhiên năm nay, Bộ GD&ĐT đã không công bố đề thi minh họa. Điều này khiến không ít giáo viên và học sinh “hụt hẫng”, rơi vào trạng thái lo lắng. Để chuẩn bị cho sự đổi mới thi cử trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức kỳ thi sẽ được đẩy mạnh hơn ngay từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020. Theo phương án mới nhất, từ năm 2021, ngoài thi trên giấy có thể sẽ thi cả trên máy tính. Muốn thực hiện được lộ trình đề ra, không chỉ công tác chuẩn bị về mặt con người, máy móc, thiết bị mà còn cả tâm thế và nhận thức của thí sinh.

Năm 2020 là năm ngành GD&ĐT cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Cùng với đó, thi cử, đánh giá, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, xây dựng văn hóa học đường phải được chú trọng toàn diện hơn.

MINH ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/no-luc-hon-nua-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-606827