Nỗ lực hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

Để hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, những năm qua, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ nên đã thu được những kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung.

Tuyên truyền cho phụ nữ mang thai về lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm tại Trung tâm Y tế huyện Như Xuân.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con), 15 - 20% trong thời kỳ chuyển dạ đẻ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV) và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...). Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm sớm HIV đối với phụ nữ mang thai rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Tỷ lệ nhiễm từ mẹ sang con nếu không được điều trị dự phòng là khoảng 25 - 40%; còn nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28 thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn khoảng 2%, thậm chí là 0%, nếu các bà mẹ được chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả. Chính vì vậy, để hướng tới mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”, thời gian qua, ngành y tế đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp cho mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là phụ nữ mang thai, vợ người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có nguy cơ cao hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, cũng như lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, việc mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm sớm HIV để có những can thiệp kịp thời... là một trong những giải pháp quan trọng mà Thanh Hóa quan tâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS...

Bên cạnh đó, các hoạt động dự phòng lây truyền mẹ con đã được lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản hay khi chẩn đoán, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Thực hiện can thiệp kế hoạch hóa gia đình khi phụ nữ nhiễm HIV không có nhu cầu sinh con, những phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh, chăm sóc trẻ và tổ chức một hệ thống quản lý và chăm sóc thích hợp tại nhà.

Nhờ vậy, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm một cách rõ rệt và mang tính bền vững. Năm 2021, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 30.962 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 9 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; có 36 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV, 36 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và đều được dự phòng ARV. Quý I-2022, toàn tỉnh xét nghiệm HIV cho 4.942 phụ nữ mang thai, phát hiện mới 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; có 9 phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con (trong đó điều trị ARV trước khi có thai 7, bắt đầu điều trị ARV trong khi chuyển dạ, đẻ 2); 9 trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV và 100% trẻ đều được điều trị dự phòng ARV. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được xét nghiệm PCR lần 1 trong vòng 2 tháng tuổi có 1 trẻ... Do tuân thủ đúng, đầy đủ quá trình điều trị bằng ARV, nên tất cả các trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh.

Trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Nhằm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong thời gian qua, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh đều được các bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm. Đây được đánh giá là biện pháp hữu ích, không chỉ phòng ngừa HIV, mà còn tạo điều kiện chăm sóc, hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và các bé sinh ra có được sức khỏe phát triển bình thường.

Hưởng ứng “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2022” được triển khai từ 1-6 đến 30-6, công tác tuyên truyền được tập trung vào các nội dung như: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; điều trị ARV sớm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...

Để hướng tới mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, thì rất cần sự tham gia, chung tay vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, những người trong độ tuổi sinh con, đang mang thai cần chủ động đi xét nghiệm HIV và đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, can thiệp phù hợp, kịp thời; những phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, cần đến các cơ sở y tế chuyên trách để được tư vấn, hướng dẫn các xét nghiệm cần thiết, để có những đứa con khỏe mạnh.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/no-luc-huong-toi-loai-tru-lay-truyen-hiv-tu-me-sang-con-vao-nam-2030/160343.htm