Nỗ lực không tụt hậu với nghề của thủ khoa giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh Nghệ An

Gần 50 tuổi, cô Nguyễn Thị Lương (Trường Tiểu học Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn tham gia cuộc thi GV chủ nhiệm giỏi với sự háo hức và chờ đợi, bởi không muốn mình tụt hậu với nghề, thiếu sót với trò.

Cô Nguyễn Thị Lương (GV Trường Tiểu học Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đạt thủ khoa hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh cấp tiểu học năm 2022.

Cô Nguyễn Thị Lương (GV Trường Tiểu học Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đạt thủ khoa hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh cấp tiểu học năm 2022.

Tâm huyết, trách nhiệm đó đã được đền đáp bằng kết quả xứng đáng, cô Nguyễn Thị Lương vượt qua gần 300 giáo viên toàn tỉnh đạt danh hiệu thủ khoa giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học.

Nỗ lực của cô giáo "sắp về hưu"

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục Nghệ An lần đầu tiên tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh bậc tiểu học. Hội thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, bởi ở bậc tiểu học, phần lớn giáo viên văn hóa đều làm công tác chủ nhiệm, gắn bó với học sinh trong những năm tháng đầu đời đi học.

Cô Nguyễn Thị Lương (GV Trường Tiểu học Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã gần 50 tuổi, “sắp về hưu” và với nhiều người đã không còn muốn phấn đấu hay tham gia các cuộc thi nữa. Nhưng cô Lương lại đăng ký dự thi và chờ đợi với sự háo hức, sôi sục trong người khó tả.

“Tôi đã hơn 25 năm gắn bó với nghề, cũng từng trải qua cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhưng cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi là sân chơi mới với đồng nghiệp cả tỉnh. Công tác dạy học, giáo dục học sinh những năm gần đây có nhiều đổi mới, và tôi muốn dự thi như một cách nhìn lại bản thân, cố gắng không tụt hậu, đáp ứng nhu cầu của học sinh”, cô Lương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Lương trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp.

Hội thi gồm 2 phần: trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp và thực hành. Trong đó, phần trình bày biện pháp được cô dành nhiều thời gian để viết, giới thiệu trước ban giám khảo, từ chính thực tế công tác chủ nhiệm với vô vàn tình huống sư phạm từng gặp phải.

Cô đưa ra giải pháp hình thành năng lực phẩm chất và phát huy tính tích cực của học sinh thông qua tiết Giáo dục tập thể. Đây là 1 trong 2 tiết học ngoại khóa ở trường mỗi tuần. Nhưng thực tế nhiều năm nay, công tác dạy học ở nhiều trường học chưa thực sự chú trọng đến năng lực, phẩm chất học sinh. Thay vào đó tập trung dạy Toán, Tiếng Việt và các bộ môn Tự nhiên xã hội, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh…

Các tiết ngoại khóa thường được chuẩn bị qua loa, nội dung đơn điệu, thậm chí còn dành thời lượng của những tiết này để ôn luyện Toán, Tiếng Việt. Điều đó khiến học sinh không hứng thú và không được thực sự hoạt động với đúng ý nghĩa của tiết giáo dục tập thể.

“Một thực tế khác là tiết giáo dục tập thể (sinh hoạt lớp) thường tập trung vào việc nhận xét, đánh giá các hoạt động trong tuần. Trong khi đó, các em lại thiếu những hoạt động sinh hoạt theo chủ điểm để có cơ hội được thể hiện năng khiếu, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết và phát triển các năng lực phẩm chất”, cô Lương nêu thực tế.

Vì vậy, cô đã xây dựng kế hoạch cho các tiết giáo dục tập thể này bằng các hoạt động như: biểu diễn văn nghệ, vẽ tranh, chơi trò chơi dân gian để tạo sự hào hứng cho học sinh. Qua đó giúp học sinh biết phối hợp làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết, kỹ năng giao tiếp...

Dù đã gần 50 tuổi, cô Nguyễn Thị Lương vẫn tâm huyết, nỗ lực không tụt hậu với nghề.

Phần thực hành, cô triển khai tiết dạy có chủ đề “Sống để yêu thương”. Yêu thương là điều mà đứa trẻ nhận được rất nhiều từ gia đình, thầy cô, bạn bè… Nhưng ở lứa tuổi tiểu học, “sống để yêu thương” lại là chủ đề trừu tượng rất khó cắt nghĩa cho các em hiểu được. Tâm lý và khả năng tiếp nhận của các em chủ yếu phải qua trực quan sinh động và những câu chuyện, ví dụ cụ thể.

Một khó khăn khác là thời điểm diễn ra hội thi, địa phương tổ chức phần thi thực hành chỉ vừa cho học sinh quay trở lại trường sau thời gian dài dạy học trực tuyến. Vì thế, học sinh chưa quen lại nề nếp sinh hoạt, đang trong giai đoạn rà soát, củng cố kiến thức. Sỹ số lớp học cũng chưa đầy đủ do một số em đang phải cách ly y tế tại nhà và tham gia học trực tuyến. Vì vậy, ngoài năng lực chuyên môn, cô Lương còn phải vận dụng nhiều kỹ năng khác để điều hành lớp, vừa dạy trực tiếp, vừa livestream cho 5 em F0 theo dõi qua ứng dụng zoom.

“Trong slide đã chuẩn bị, tôi trình chiếu clip về những câu chuyện thường ngày trong gia đình, người thân quen. Từ đó học sinh đã cảm nhận được sự yêu thương, sẻ chia để hình dung được sống là để yêu thương nó đơn giản, gần gũi, và bất cứ ai cũng có thể thực hiện được.

Những hành động thể hiện tình yêu thương sẽ làm cho chính các em và người xung quanh cảm thấy vui hơn. Các em cũng xung phong phát biểu, nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình, hào hứng kể về những việc mình đã thực hiện. Tất cả học sinh cả trực tiếp lẫn trực tuyến đều được tương tác với cô và các bạn”, cô Lương nhớ lại.

Không để mình tụt hậu với nghề

Sau 1 tháng diễn ra kỳ thi và hồi hộp chờ đợi, cô Lương bất ngờ nhận kết quả “thủ khoa” của kỳ thi. “Tôi không tin nổi, vì so với đồng nghiệp toàn tỉnh, tôi đã “cứng tuổi”, không năng động được như giáo viên trẻ. Nhưng tôi rất mừng khi cố gắng, nỗ lực của mình đã được ban giám khảo công nhận và đánh giá cao như thế”, cô Lương xúc động chia sẻ.

Danh hiệu này cũng đem lại động lực lớn cho cô giáo “gõ đầu trẻ” ở trường làng để tiếp tục cống hiến cho nghề. Cô chia sẻ, giáo viên tiểu học rất dễ có sức ì sau nhiều năm công tác. Tình trạng tự bằng lòng với kiến thức, kinh nghiệm bản thân là thực trạng khó tránh khỏi. Nhưng khi được công nhận giáo viên chủ nhiệm giỏi tỉnh, cô có trách nhiệm hơn, để xứng đáng với danh hiệu, và làm gương, mẫu mực cho đồng nghiệp trong trường.

Cô Nguyễn Thị Lương (ảnh trái) đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng trong gần 25 năm gắn bó với nghề giáo.

Cô Nguyễn Thị Lương công tác tại Trường Tiểu học Diễn Yên từ năm 1999. Chồng của cô cũng trong nghề sư phạm. Hai vợ chồng từng phải trải qua muôn vàn khó khăn khi 10 năm đầu chỉ dạy hợp đồng với mức lương 200 nghìn – 300 nghìn mỗi tháng. Sau đó được nhận vào chính thức với mức lương cải thiện, thì vợ chồng lại lo toan thêm nuôi ăn học cho các con.

Dù vậy, chưa bao giờ cô và chồng thiếu trách nhiệm với trò, với nghề. Ngược lại, càng gắn bó, cô lại càng thấy mình yêu nghề, yêu trẻ hơn. Những đứa trẻ nông thôn còn nhiều thiệt thòi so với vùng thuận lợi, thì cô giáo phải là người bù đắp. Đặc biệt, bậc tiểu học là “vừa dạy vừa dỗ”, không chỉ kiến thức mà quan trọng hơn là rèn nết người, hình thành tình cảm, kỹ năng, đạo đức cho các em trong những năm tháng đi học đầu đời.

“Hơn 25 năm làm nghề, điều tôi thấy hạnh phúc nhất là được phụ huynh, học sinh yêu quý, tin tưởng. Nhiều em trưởng thành, vẫn nhớ cô giáo tiểu học, dịp lễ tết đến thăm cô. Những năm tháng khó khăn chung, phụ huynh vẫn tin tưởng và ủng hộ cô trong việc giáo dục con em mình. Tình cảm đó chính là thành công nhất của tôi trong cuộc đời dạy học hàng chục năm qua”, cô Lương tâm sự.

Nói về giáo viên của trường, cô Nguyễn Thị Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An khẳng định: Cô Nguyễn Thị Lương rất nhiệt tình, trách nhiệm, và say mê hiếm có dù đã nhiều năm trong nghề. Sự gương mẫu và nhiệt huyết của cô đã truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, là tấm gương những giáo viên trẻ mới bước vào nghề. Qua đó góp phần xây dựng và phát triển phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong trường.

Ngoài danh hiệu giáo viên giỏi huyện, tỉnh, cô Nguyễn Thị Lương nhiều lần được trao tặng các danh hiệu như Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, chiến sỹ thi đua cơ sở, giáo viên điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo tỉnh giai đoạn 2015 – 2020.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/no-luc-khong-tut-hau-voi-nghe-cua-thu-khoa-giao-vien-chu-nhiem-gioi-tinh-nghe-an-5KX6Kzung.html