Nỗ lực làm giàu và cái tâm của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoạt

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoạt, quê ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định). Sau nhiều năm vào miền Nam làm kinh tế, tại ấp Giồng Nhãn A, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để tạo đột phá, mỗi năm ông Hoạt thu lãi hàng tỷ đồng nhờ nuôi tôm công nghệ cao. Không chỉ biết đến là nông dân sản xuất giỏi, người cựu chiến binh (CCB) này luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nhiệt tình với công tác an sinh xã hội.

Người nông dân tiêu biểu

Đến ấp Giồng Nhãn A, hỏi thăm gia đình CCB Nguyễn Văn Hoạt hầu như người dân địa phương nào cũng biết. Không chỉ được biết đến là một CCB giàu nghị lực, vượt qua mọi khó khăn vươn lên phát triển kinh tế mà ông còn là tấm gương sáng để nhiều người học hỏi, làm theo. Chất giọng ấm áp cùng nụ cười phúc hậu là ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận được khi trò chuyện với người CCB này.

Tâm sự với chúng tôi về “cơ duyên” đến với nghề nuôi tôm, CCB Nguyễn Văn Hoạt nói: “Năm 1981, tôi nhập ngũ Đại đội 3, Tiểu đoàn 15, Sư đoàn 3, Quân khu 1 và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; đến năm 1985 thì xuất ngũ trở về địa phương, sau đó lập gia đình riêng. Cuộc sống thuần nông nơi quê nhà lúc bấy giờ rất khó khăn nên năm 1992, tôi quyết định khăn gói một mình vào TP Hồ Chí Minh tìm cuộc sống mới.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoạt bên vuông tôm công nghệ cao của gia đình.

Hơn 8 năm làm thuê nơi đất khách quê người, trong một lần xuống Bạc Liêu thăm người bạn cũ và không ngờ chuyến đi đó đã giúp tôi “bén duyên” với mảnh đất này. Thời điểm đó, nghề nuôi tôm sú bắt đầu phát triển, hàng trăm hộ dân, hàng nghìn héc-ta đầm lúc nào cũng nhộn nhịp. Với chút vốn liếng có được trong thời gian làm thuê, qua sự giới thiệu của người bạn, tôi quyết định mua mảnh đất nhỏ và chọn con tôm làm đầu cơ nghiệp”.

Như nhiều người mới vào nghề, CCB Nguyễn Văn Hoạt cũng không tránh khỏi những thất bại trong các vụ nuôi tôm ban đầu. Những thăng trầm trong nghề đã không làm ông nản chí mà càng thôi thúc người CCB này thể hiện sự quyết tâm, cố gắng. Chính điều đó đã mang lại thành công cho ông ở những vụ nuôi tôm tiếp theo. Nguồn lợi từ con tôm đã cho ông Hoạt nguồn thu đáng kể để nuôi các con ăn học, tiếp tục mua đất mở rộng diện tích canh tác. Có một cơ ngơi tương đối khá giả, hiện nay, CCB Nguyễn Văn Hoạt còn sở hữu hơn 4ha đầm nuôi tôm mà ông gắn bó.

Những năm gần đây, khi Tỉnh ủy Bạc Liêu có chủ trương lấy nuôi tôm công nghệ cao làm nền tảng chủ lực trong phát triển kinh tế. Nhận thấy đây là “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng, sản lượng, không ngần ngại, CCB Nguyễn Văn Hoạt cũng thử sức. Để thực hiện mô hình nuôi trồng mới này, ông Hoạt không thực hiện ngay trên diện tích nuôi trồng của gia đình mà làm thí điểm cho một doanh nghiệp với diện tích 100m2 để nghiên cứu, học hỏi, rút kinh nghiệm. Vụ nuôi đầu tiên đó là bước đệm cực kỳ quan trọng, tuy chưa thu được lãi nhưng đã giúp ông Hoạt tích lũy rất nhiều kiến thức bổ ích.

Ngay sau vụ nuôi thí điểm đó, cũng với 100m2, ông Hoạt bắt đầu mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên đất nhà và đã đem về cho người CCB 30 triệu đồng tiền lãi. Khi đã cơ bản nắm vững kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, ông Hoạt quyết định đầu tư 4 ao và kết quả cho năng suất rất cao. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư thêm, hiện tại có 18 ao với diện tích 4ha. Từ năm 2020 đến nay, CCB Nguyễn Văn Hoạt thu hoạch được hơn 200 tấn tôm, sau khi trừ tất cả khoản chi phí, lợi nhuận đem về gần 9 tỷ đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm công nghệ cao, CCB Nguyễn Văn Hoạt cho biết: “Khi triển khai mô hình, tôi đã phải đầu tư xây dựng trang trại, mua máy phát điện, lắp đặt hệ thống cung cấp oxy đáy ao, lót nền ao bằng bạt cao su và các trang thiết bị cần thiết khác. Bên cạnh đó, tôi còn phải tự nghiên cứu, tìm hiểu thông tin trên internet, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình hay, cách làm hiệu quả ở một số tỉnh bạn và tham khảo kỹ thuật chăm sóc tôm từ nhiều chuyên gia, tham gia những lớp tập huấn, lớp dạy nghề do các ngành chức năng tổ chức”.

Ông Hoạt chia sẻ thêm: “Con giống quyết định đến 70% khả năng thành công, do vậy, khâu chọn giống phải rất kỹ từ các nhà cung cấp có uy tín. Sau khi mua giống về, tôi thả ươm trong một ao riêng được vệ sinh sạch sẽ khoảng 30 ngày, khi con tôm cứng cáp thì chuyển sang ao nuôi. Quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, theo sát sự phát triển của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời...”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội CCB TP Bạc Liêu, cách nghĩ, cách làm của CCB Nguyễn Văn Hoạt đã thể hiện sự thích ứng, có tầm nhìn, là bước đột phá trong phong trào thi đua CCB làm kinh tế giỏi của thành phố. Hiệu quả chuyển đổi cách làm kinh tế nhỏ sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Hoạt không những được nhân rộng trong hội viên hội CCB thành phố mà còn được hội nông dân tỉnh công nhận hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi.

“Đặc biệt, năm 2022, CCB Nguyễn Văn Hoạt là một trong hai gương mặt nông dân tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, vượt khó của người CCB này”, ông Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Sống nghĩa tình

Câu chuyện về người CCB Nguyễn Văn Hoạt từ miền Bắc vào lập nghiệp và thành công ngay trên mảnh đất Bạc Liêu không chỉ được nhắc đến nhiều tại các hội nghị, buổi tuyên dương từ cấp xã đến cấp tỉnh và cả Trung ương mà nhiều người còn nhắc nhớ ông về tấm gương luôn sẵn lòng sẻ chia những hoàn cảnh khó khăn.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoạt (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho hội viên.

Với đồng đội, ông Hoạt không dùng từ giúp mà là san sẻ, “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi”. Khi đồng đội đã được giúp hết, ông còn hướng đến những hội viên hội nông dân, bà con có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Đặc biệt, với những người không có vốn đầu tư ban đầu, ông Hoạt sẵn sàng hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh với suy nghĩ chừng nào có lãi thì trả, “khó quá thì cho qua”.

Cứ như vậy, số lượng hội viên được ông hướng dẫn, giúp đỡ tăng dần. Hơn 3 năm qua, CCB Nguyễn Văn Hoạt đã giúp đỡ được 15 hội viên nông dân xã Hiệp Thành có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Trong đó có 4 hộ đang đầu tư theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phát triển tốt, mỗi năm thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng; còn lại 11 hộ nuôi tôm quảng canh-quảng canh cải tiến, lợi nhuận đạt được khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Là một trong những hộ được CCB Nguyễn Văn Hoạt giúp đỡ, anh Trịnh Thanh Phong, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) tâm sự: “Gia đình tôi có 5 người, do hoàn cảnh khó khăn nên năm 2019, tôi bỏ quê đến Bạc Liêu ở nhờ trên mảnh đất của người cháu để nuôi tôm. Biết được hoàn cảnh của tôi, chú Hoạt đã đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, hỗ trợ tôi ít vốn để mua con giống. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc, có những lúc không còn thức ăn, con tôm bị bệnh, chú Hoạt còn hỗ trợ tiền mua thức ăn và thuốc để ao tôm phát triển. Cũng nhờ sự giúp đỡ của chú Hoạt, 3 năm qua, gia đình tôi đã có được nguồn thu kha khá từ nuôi tôm, cuộc sống dần ổn định”.

Đã từng trải qua nghèo khó, phải đi làm thuê nên hơn ai hết, CCB Nguyễn Văn Hoạt hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của người dân, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động phải rời gia đình đi lao động tại các khu công nghiệp hoặc làm nghề đi biển... Bằng tinh thần tương thân tương ái, ông Hoạt còn hướng đến những hoàn cảnh khó khăn, ít đất sản xuất, không có nghề để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống. Những năm qua, ông đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho hơn 150 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, những hộ khó khăn tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định.

Ông Lê Tuấn Em, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thành chia sẻ: “Không những giúp đỡ giải quyết việc làm cho nhiều bà con nghèo của địa phương với mức thu nhập ổn định, ông Hoạt còn tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương như xây dựng, sửa chữa đường, làm cầu, đóng góp vào quỹ vì người nghèo, an sinh xã hội với số tiền hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19, thấy nhiều hội viên hội nông dân ở địa phương lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ông Hoạt đã không ngần ngại hỗ trợ mỗi hộ từ 3 đến 5 triệu đồng; ủng hộ hàng chục tấn gạo để bà con cùng nhau vượt qua đại dịch”.

Ông Trần Văn Mẹo, người dân ấp Giồng Nhãn A phấn khởi cho biết thêm: “Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều gia đình không có tiền sinh hoạt vì không ai có thể đi làm được. Trước những khó khăn đó, anh Hoạt đã lấy 100 triệu đồng cho bà con vay không tính lãi, mỗi hộ 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, anh Hoạt còn mua rất nhiều nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con, giúp đỡ các gia đình vượt qua khó khăn. Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng của anh Hoạt, nhờ anh mà cuộc sống của nhiều người ở đây đã khấm khá hơn”.

Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, cùng với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, CCB Nguyễn Văn Hoạt đã và đang gặt hái được nhiều thành công. Từng việc làm của ông đều cho thấy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, góp phần cùng cả hệ thống chính trị thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, với cộng đồng và xã hội. Tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, nhưng khi nói về những nỗ lực và đóng góp của mình, ông Hoạt rất khiêm tốn: “Ngày trước, khi tôi khó khăn nhất đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, khi cần vốn được bạn bè cho mượn, lúc đói được hỗ trợ gạo ăn. Đến bây giờ khi có điều kiện, bản thân mình cũng cố gắng trong khả năng để giúp đỡ lại mọi người”.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC - VĂN ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/no-luc-lam-giau-va-cai-tam-cua-cuu-chien-binh-nguyen-van-hoat-733066