Nỗ lực nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất

Là một trong 3 đơn vị, địa phương được Quân khu 9 chọn làm điểm thực hiện Đề án 'Nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất (TGSX), chế biến trong Quân đội bảo đảm phù hợp, an toàn, bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030' (gọi tắt là Đề án QN-21), từ cuối năm 2022 đến nay, Ban CHQS huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã làm tốt công tác chuẩn bị, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào TGSX, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Thượng tá Trương Văn Sử, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Long Mỹ cho biết: “Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, chúng tôi quy hoạch khu tăng gia sản xuất rộng 20.000m2, gồm: Khu nuôi cá, nuôi gia cầm, hệ thống nhà lưới trồng rau và khu trồng cây ăn trái theo hướng tận dụng tối đa diện tích đất, mặt nước, vừa bảo đảm nhu cầu thực phẩm cho đơn vị, vừa triển khai tốt lộ trình thực hiện đề án”.

Do đặc thù khuôn viên doanh trại đơn vị nằm trên vùng đất nhiễm phèn nên Ban CHQS huyện tham mưu với Đảng ủy, UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống bờ bao, mương thoát nước ra sông lớn giúp giảm đáng kể độ phèn.

Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Long Mỹ trồng mít ruột đỏ.

Trung tá Phạm Minh Khởi Em, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật đơn vị cho biết thêm: “Chúng tôi tận dụng các bờ bao trồng dừa xiêm, chuối, mít ruột đỏ... Đây là các loại cây ngắn ngày phù hợp thổ nhưỡng, không tốn nhiều công chăm sóc, dự kiến khoảng 2-3 năm sẽ cho thu hoạch. Ngoài ra, để khắc phục tình trạng phèn trong đất, chúng tôi lựa chọn trồng giống mãng cầu ghép từ gốc cây bình bát bởi cây bình bát chịu phèn rất tốt, lại không ảnh hưởng đến chất lượng trái mãng cầu. Thực tế cho thấy, sau gần một năm chăm sóc, hiện nay, 300 cây mãng cầu đang phát triển tốt, bao phủ diện tích rộng hơn 11.000m2”.

Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng hệ thống nhà lưới rộng 500m2 trồng rau, củ, quả các loại và áp dụng hệ thống tưới tự động điều khiển từ xa, giúp giảm bớt thời gian, công sức của cán bộ, chiến sĩ và điều chỉnh được lượng nước cần thiết, không để ngập úng, sâu bệnh. Ngoài ra, được Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh hỗ trợ thêm phân hữu cơ nên chất lượng rau trồng của đơn vị tương đối tốt.

Điểm nhấn trong khu TGSX của Ban CHQS huyện Long Mỹ chính là hệ thống ao nuôi cá. Từ khi chính thức triển khai thực hiện Đề án QN-21 đến nay, Ban CHQS huyện đã thả thêm 60kg cá giống các loại, gồm: Rô phi, trắm cỏ, sặc rằn, diêu hồng... trên 3 ao với diện tích mặt nước hơn 11.000m2.

Mặc dù quân số ít, diện tích rộng, điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Ban CHQS huyện Long Mỹ đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ triển khai Đề án QN-21 trong năm 2023. Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2024, giá trị thu được từ nguồn TGSX của đơn vị đã đạt gần 50 triệu đồng.

“Thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trong tiến hành các khâu, các bước triển khai đề án; quán triệt để cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác TGSX; từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phấn đấu bảo đảm 100% nhu cầu thực phẩm cho đơn vị”, Thượng tá Trương Văn Sử nhấn mạnh.

Bài và ảnh: CÔNG KHANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/no-luc-nang-cao-chat-luong-tang-gia-san-xuat-768979