Nỗ lực nâng cao ý thức đạo đức, năng lực nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội

Có thể nói, năm 2016 đánh dấu mốc khi hội nhà báo tỉnh Sóc Trăng bắt đầu có cán bộ chuyên trách, xây dựng kế hoạch công tác bài bản hơn với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí theo từng nhiệm vụ chính trị, hoạt động chuyên ngành cụ thể từ phía lãnh đạo tỉnh. Từ một đơn vị '3 không'(không trụ sở, không kinh phí hoạt động, không biên chế chuyên trách), chỉ trong nửa nhiệm kỳ V (2016 - 2020) đã tạo nên bước chuyển biến đột phá.

Đoàn phóng viên, hội viên nhà báo tỉnh Sóc Trăng “về thăm lại chiến trường xưa ”tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh)_Ảnh:TGCC.

Đoàn phóng viên, hội viên nhà báo tỉnh Sóc Trăng “về thăm lại chiến trường xưa ”tại khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh)_Ảnh:TGCC.

Những điểm nổi bật

Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã chủ trì tổ chức tốt việc phát động, triển khai hoạt động chấm và trao thưởng giải báo chí tỉnh hàng năm. Qua 5 mùa giải đã thu hút được đông đảo hội viên, phóng viên tham gia với 443 tác phẩm. Ngoài các tác phẩm đạt giải Nhất được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; các tác phẩm đạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích được Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh tặng giấy khen. Thường trực Hội còn lựa chọn từ 25 - 34 tác phẩm báo chí nổi bật tại các giải tỉnh để gửi tham gia Giải báo chí Quốc gia hằng năm. Qua từng năm thực hiện đề án về giải báo chí tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, có thể thấy trong quá trình tác nghiệp, nhiều hội viên nhà báo trên địa bàn tỉnh đã có sự tìm tòi nghiên cứu, sâu sát và bám địa bàn, phản ánh nhiều vấn đề mang hơi thở thực tiễn cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó lựa chọn được nhiều tác phẩm có chất lượng tham gia các cuộc thi của tỉnh, Trung ương.

Đề án giải báo chí tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 được phê duyệt và bắt đầu triển khai trong năm nay đã cho thấy sự cải thiện chất lượng rõ rệt, thu hút 96 tác phẩm tham dự ở 5 loại hình báo chí (ảnh báo chí, báo viết, báo điện tử, phát thanh và truyền hình). Nhiều tác giả thể hiện được tính năng động, sáng tạo trong phong cách thể hiện; đa số tác phẩm dự giải đều bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Để góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam về việc khuyến khích đông đảo người làm báo tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng).

Bốn năm qua, Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tổ chức được vòng Sơ khảo cấp tỉnh giải báo chí Búa liềm vàng. Qua kết quả đánh giá tác phẩm của Hội đồng xét chọn, Ban tổ chức vòng sơ khảo cấp tỉnh trao thưởng cho những tác phẩm nổi trội, đồng thời gửi những tác phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chí theo thể lệ để gửi về Ban Tổ chức. Số lượng tác giả, nhóm tác giả tham gia mỗi năm đều tăng đáng kể; chất lượng cũng nâng lên và ngày càng có những tác phẩm đi vào chiều sâu, tạo được đột phá về nội dung. Ban Thường vụ Hội chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức chính trị cho hội viên để nâng dần hiệu quả tác nghiệp của đội ngũ, đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của báo chí tỉnh. Thạc sĩ Tạ Đình Nghĩa - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng nhận định: Lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu hoạt động, mọi phong trào công tác hội đều hướng về hội viên; từng bước củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức và triển khai các hoạt động mang tính thiết thực, bổ ích.

Từ đó đến nay, thông qua các giải báo chí, cuộc thi viết, đề án đầu tư hỗ trợ sáng tạo tác phẩm chất lượng cao, diễn đàn nghề nghiệp thông qua tập san Người Làm Báo tỉnh Sóc Trăng, tập huấn nghiệp vụ báo chí, những cuộc họp mặt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp,... đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò, chức năng của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo địa phương, tạo được sinh khí phấn khởi đối với đông đảo hội viên và cũng phần nào khẳng định vị thế, vai trò của Hội. Thường trực Hội luôn chủ động triển khai kế hoạch tổ chức học tập quán triệt Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam gắn với việc tổ chức giáo dục, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ đến từng hội viên nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngay từ giữa năm 2020, sau khi vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng, chương trình hoạt động toàn khóa, kế hoạch triển khai nhiệm vụ hoạt động hằng năm, hằng quý, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh luôn có sự phân công chỉ đạo, nhắc nhở đến từng chi hội, câu lạc bộ trực thuộc hội trong công tác tổ chức, phối hợp tổ chức giáo dục tuyên truyền cho hội viên của đơn vị mình để có sự quán triệt sâu rộng và mỗi hội viên chú trọng rèn luyện bản thân không chỉ về trình độ nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn mà nhất là về đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp của người làm báo. Trong năm 2022, đã tổ chức sơ kết 5 năm công tác phối hợp thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp và sơ kết 3 năm triển khai Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý

Để góp phần hình thành và củng cố nên môi trường văn hóa tốt đẹp ở các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, những giá trị văn hóa, những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức văn hóa mà mỗi cán bộ, phóng viên, người làm báo địa phương tự giác thực hiện, coi đó là điều hiển nhiên, lẽ tất yếu của người làm báo, người làm văn hóa; Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch phát động bám sát theo các tiêu chí Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện phong trào thi đua hàng năm và cho cả giai đoạn 2022 - 2025; hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Định hướng cho đội ngũ hội viên, nhà báo, thông qua những chuyến công tác thực tế cơ sở, thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, bám sát thực tiễn khách quan, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đây cũng là nội dung quan trọng mà Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo cho Hội Nhà báo tỉnh thực hiện trong Chương trình số 22-CTr/TU (ngày 5/8/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo tỉnh Sóc Trăng, Hội Nhà báo tỉnh luôn xác định công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu nhằm xây dựng đội ngũ những người làm báo thật sự vững mạnh “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ năng lực và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin tuyên truyền trong tình hình mới. Từ đó, góp phần tích cực cho báo chí địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả.

Lâm Thanh

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/no-luc-nang-cao-y-thuc-dao-duc-nang-luc-nghe-nghiep-trach-nhiem-xa-hoi-n57522.html