Nỗ lực ngăn chặn bạo lực súng đạn

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland vừa công bố các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề bạo lực súng đạn ở Mỹ. Lộ trình tăng cường việc kiểm soát súng đạn diễn ra theo đúng cam kết mà Tổng thống J.Biden từng lên tiếng sau vụ xả súng kinh hoàng khiến hàng chục người thiệt mạng vào tháng trước. Đây được xem là nỗ lực thúc đẩy giải quyết vấn đề mà nhà lãnh đạo này từng nhấn mạnh là 'một dịch bệnh ở Mỹ và một nỗi hổ thẹn đối với quốc tế'.

Hiện trường một vụ xả súng ở ngoại ô New Orleans (Mỹ) ngày 21-2 khiến 3 người thiệt mạng.

Nước Mỹ đang đối mặt với nhiều đau thương bởi liên tiếp xảy ra các vụ xả súng trong những ngày gần đây. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Mike Thompson, người dẫn đầu cuộc vận động mở rộng kiểm soát súng đạn trong nhiều năm cho biết, trung bình mỗi ngày có 30 người thiệt mạng do bạo lực súng đạn ở Mỹ. Con số này sẽ tăng lên 100 người nếu tính cả các vụ tự sát và chết do tai nạn liên quan đến súng. Nguyên nhân về tình trạng bạo lực súng đạn gia tăng được cho là các quy định sở hữu súng đạn quá lỏng lẻo, sự manh động của các băng nhóm tội phạm và xuất phát từ vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bạo lực súng đạn từ lâu đã là câu chuyện gây nhức nhối trong xã hội Mỹ và đến nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng bởi những bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ cũng như những tác động của khía cạnh lợi ích. Những người ủng hộ việc sử dụng vũ khí luôn viện dẫn lý do "bảo vệ các giá trị về tự do" còn các tập đoàn sản xuất vũ khí đương nhiên cũng không muốn kiểm soát chặt súng đạn do sẽ bị ảnh hưởng đến doanh thu.

Đặc biệt, đảng Cộng hòa, với quan điểm ủng hộ các giá trị về tư tưởng và lợi ích của các tập đoàn công nghiệp vũ khí, thường hậu thuẫn để bảo đảm quyền sử dụng súng của người dân Mỹ. Việc ngăn chặn các nỗ lực của chính quyền mới cũng như của đảng Dân chủ trong vấn đề siết chặt kiểm soát súng đạn có thể giúp ngành công nghiệp vũ khí vốn đóng vai trò không nhỏ tại Mỹ tránh được nguy cơ đứng trước bờ vực phá sản.

Sau hàng loạt vụ xả súng gây chết người diễn ra thời gian qua, những người ủng hộ kiểm soát súng đạn tại Mỹ đã hối thúc chính quyền Tổng thống J.Biden cần phải hành động thật sự cứng rắn và quyết liệt, dù Nhà Trắng vừa công bố một dự án về phòng, chống bạo lực cộng đồng trị giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, kiểm soát súng đạn còn đòi hỏi chính quyền Mỹ phải chú trọng vào việc thắt chặt những lỗ hổng trong các bộ luật liên quan.

Thế nên, trong một bước đi nhằm giảm tình trạng bạo lực súng đạn, Tổng thống J.Biden ngày 8-4 đã công bố các biện pháp kiểm soát mới. Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ loại bỏ các loại súng tự chế và siết chặt kiểm soát các cá nhân sở hữu súng. Ông J.Biden cũng vạch ra mục tiêu tham vọng hơn, kêu gọi sự hỗ trợ của Quốc hội, trong đó có 2 dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn đã được Hạ viện thông qua hồi tháng 3.

Nội dung chính của hai dự luật này nhằm thắt chặt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay trong luật kiểm soát súng đạn thông qua việc mở rộng kiểm tra lý lịch với những người mua vũ khí. Quy định này cũng cho phép nhà chức trách có 10 ngày làm việc để hoàn thành việc thẩm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép cho hoạt động bán súng. Song để có thể chính thức trở thành đạo luật, chính quyền của ông J.Biden và đảng Dân chủ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, đặc biệt nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa tại Thượng viện thời gian tới.

Dù vậy, các biện pháp mới của Tổng thống J.Biden cùng hai dự luật mà Hạ viện đã thông qua phần nào mang lại những tín hiệu tích cực và niềm tin về một nước Mỹ an toàn hơn sau nhiều vụ xả súng đẫm máu trong những năm gần đây.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/996026/no-luc-ngan-chan-bao-luc-sung-dan