Nỗ lực phát triển kinh tế ở khu Nghèo

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, Nhân dân các dân tộc khu Nghèo, thị trấn Quan Hóa đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đời sống của người dân khu Nghèo, thị trấn Quan Hóa (Quan Hóa) ngày càng khởi sắc.

Trước đây, bản Nghèo thuộc xã Hồi Xuân, tháng 12-2020, bản sáp nhập vào thị trấn Quan Hóa và được đổi tên thành khu Nghèo. Cách trung tâm thị trấn 7 km, khu Nghèo nằm trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, có 115 hộ, với 525 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái và Mường sinh sống. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng do diện tích đất canh tác ít và phần lớn diện tích chỉ canh tác được 1 vụ do thiếu nước, năng suất thấp, nên người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng trên, ban quản lý khu Nghèo thường xuyên vận động người dân trên địa bàn chủ động, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhằm bảo đảm ổn định nguồn lương thực tại chỗ, người dân trong khu đã chủ động đưa các loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, với diện tích 15 ha. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năng suất lúa từng bước được nâng lên và đạt bình quân 5,5 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, người dân trong khu tích cực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, vườn, đồi và duy trì phát triển diện tích trồng cây khoai mán, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ, các hộ nghèo, cận nghèo trong khu đã được hỗ trợ 14 con bò cái sinh sản, 11 con lợn cái đen, 162 lượt người dân được tập huấn kỹ thuật. Đến nay, đã có 9/14 con bò đã sinh sản, 10/11 con lợn nái đã sinh sản... Để người dân đi lại thuận tiện, thông qua nguồn vốn của các chương trình, dự án của Chính phủ cùng với sự đóng góp của người dân, khu Nghèo đã xây dựng được 540m mương nội đồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và bê tông hóa được 5 tuyến đường giao thông trong khu với chiều dài 1.600m. Ông Cao Văn Khánh, bí thư chi bộ, trưởng khu Nghèo, cho biết: Ngoài việc hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, ban quản lý khu thường xuyên vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tập trung trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt rừng luồng, xoan... và rừng phòng hộ. Nhiều hộ dân trong khu đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, tiêu biểu, như: gia đình ông Phạm Văn Nhuận đầu tư nuôi 20 con bò; ông Phạm Văn Hiệm nuôi 15 con bò; gia đình các ông Phạm Văn Tuyên, Phạm Văn Hứng, trồng hơn 10 ha rừng sản xuất, cho thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/năm; các ông Vi Văn Tuyến, Vi Văn Lạm, xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng - rừng cho thu nhập cao... Để tiếp tục giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hiện nay, khu Nghèo đang tích cực vận động người dân bảo vệ và chăm sóc rừng sản xuất, rừng đặc dụng. Cùng với việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân, khu Nghèo luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động con em học nghề, tham gia lao động tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh, nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc thường xuyên trong độ tuổi lao động của khu đạt 95%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,8%. Các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được phát huy, con em đến độ tuổi đều được đến trường đầy đủ, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/no-luc-phat-trien-kinh-te-o-khu-ngheo/141286.htm