Nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình

Với nhiều cố gắng từ phía các sở, ngành, địa phương, thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện ở số vụ BLGĐ có xu hướng giảm, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý cho người dân xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. (Ảnh chụp tháng 7/2019)

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Sở Tư pháp) tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý cho người dân xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. (Ảnh chụp tháng 7/2019)

Năm 2005, huyện Tiên Yên có 35 vụ BLGĐ được thống kê. Các nạn nhân hầu hết là phụ nữ, chủ yếu bị xâm hại về thân thể. Tình trạng BLGĐ đã đe dọa đến sự bền vững vốn có của gia đình và ảnh hưởng đến cuộc sống của các thành viên, nhất là đối với sự phát triển về tâm, sinh lý của trẻ em. Con số này đã được giảm dần theo từng năm nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể. Năm 2014, toàn huyện xảy ra 4 vụ BLGĐ, con số này đến năm 2019 là 0 vụ.

Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Có được kết quả trên phải kể đến hiệu quả của hơn 70 địa chỉ tin cậy, nơi tạm lánh, tư vấn cho nạn nhân BLGĐ đang được duy trì trên toàn huyện và công tác hòa giải cơ sở. Hằng năm, huyện cũng tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, trợ giúp pháp lý, tư vấn, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình cho khoảng 300 hộ trên địa bàn huyện. Đây chính là những biện pháp thể hiện sự quan tâm của huyện trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của gia đình cũng như ngăn chặn các nguy cơ về bất bình đẳng giới, BLGĐ.

Không chỉ tại Tiên Yên, các đơn vị, sở, ngành, địa phương khác trong tỉnh cũng đã và đang tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện hoạt động phòng, chống BLGĐ bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp; xem đây là một trong những mục tiêu xuyên suốt của tiến trình phát triển ở địa phương.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến, tư vấn pháp luật về chính sách đối với lao động nữ, bình đẳng giới cho các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (Ảnh chụp tháng 2/2020)

Một trong những hoạt động nhằm giảm nguy cơ BLGĐ được triển khai hiệu quả nhiều năm nay là các tổ hòa giải ở cơ sở. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1.600 tổ hòa giải cơ sở ở 100% xã, phường với tổng số 8.962 hòa giải viên. Từ năm 2010 đến nay, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã thực hiện trên 23.000 vụ việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, đặc biệt ở các hộ gia đình, qua đó, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Hằng năm, việc tổ chức, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác hòa giải cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên đều được các địa phương chú trọng thực hiện.

Toàn tỉnh cũng đang duy trì 793 CLB, 672 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với 1.893 cộng tác viên tại các thôn bản, khu phố. Hoạt động hiệu quả của các CLB, nhóm này đã tiếp thêm sức mạnh nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng BLGĐ trên địa bàn dân cư, qua đó thúc đẩy sự phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ được chú trọng thường xuyên. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 20.000 buổi tuyên truyền, phổ biến về công tác gia đình; xây dựng văn hóa gia đình; Luật Phòng, chống BLGĐ; kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống khi có BLGĐ với trên 1,1 triệu lượt người tham dự. Vào những dịp lễ, ngày kỷ niệm, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền thông qua hình thức trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích trên các tuyến đường nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông về phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng dân cư.

Việc xây dựng môi trường gia đình hạnh phúc góp phần khắc phục tình trạng BLGĐ. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Tình Húc (Bình Liêu) được mẹ đưa đến trường học tập.

Đặc biệt, hoạt động trợ giúp pháp lý cho các nạn nhân BLGĐ luôn được quan tâm, góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân. Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tổ chức khoảng 40 cuộc trợ giúp lưu động cho hàng nghìn lượt người dân tại các xã, phường, thôn, bản trên địa bàn tỉnh. Qua đó tư vấn, giải đáp nhiều vướng mắc pháp luật của người dân liên quan đến hôn nhân gia đình, kịp thời cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cho những đương sự là nạn nhân của nạn BLGĐ.

BLGĐ không chỉ gây tổn hại đến tâm lý và sức khỏe của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của những đứa trẻ khi phải chứng kiến gia đình không hạnh phúc. Do đó, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ, các cấp, các ngành cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó, nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ; kịp thời phát hiện, can thiệp và xử lý nghiêm các vụ việc BLGĐ...

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/202005/no-luc-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-2481726/