Nỗ lực phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

Năm nay, trong khi ngành chăn nuôi heo phải đối mặt với khó khăn, thiệt hại từ bệnh dịch tả heo châu Phi, thì ngành trồng trọt cũng vất vả đối phó với các loại dịch bệnh trên cây trồng.

Người dân phát hiện sâu keo mùa thu trên cây bắp. Ảnh: C.Ly

Người dân phát hiện sâu keo mùa thu trên cây bắp. Ảnh: C.Ly

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc đồng hành với người nông dân để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

* Nhiều loại dịch bệnh hoành hành

Bắt đầu từ cuối tháng 4-2019, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom. Theo đó, ổ dịch này được phát hiện trên đàn heo của gia đình ông Nguyễn Văn Đằng, ấp Tân Đạt. Vào ngày 17-4, gia đình ông Đằng phát hiện một số con heo trong đàn có dấu hiệu sốt, bỏ ăn nên tiêm thuốc kháng sinh và đàn heo khỏe lại. Nhưng chỉ 3 ngày sau đàn heo lại bỏ ăn, ói, đỏ, nhiệt độ từ 38-420C, chảy nước hai bên mép.

Thấy vậy, gia đình ông Đằng đã trình báo cơ quan chức năng để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, đàn heo của gia đình ông Đằng bị nhiễm ASF. Từ đó, các ổ dịch mới tiếp tục được phát hiện tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) và các xã Phước Thiền, Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Đến nay, dịch ASF đã lan rộng khắp 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ngoài dịch bệnh trên vật nuôi, người nông dân còn phải đối phó với 2 loại dịch bệnh gây hại diễn biến khá phức tạp trên lĩnh vực trồng trọt là bệnh khảm lá mì và sâu keo mùa thu. Đối với dịch bệnh khảm lá trên cây mì, dù đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 6-2018, nhưng đến năm 2019, loại dịch bệnh này vẫn hoành hành.

Bà Võ Thị Hồng Thúy, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Trồng trọt và bảo vệ thực vật Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho hay, bệnh khảm lá mì gây bệnh trên 2,4-2,5/15 ngàn hécta tổng diện tích trồng mì của toàn tỉnh. Bệnh này xuất hiện trên giống mì HL-S11, loại giống chưa được công nhận trong danh mục cây trồng tại Việt Nam. Nguyên nhân là do người dân tự lấy giống (có nhiễm bệnh) của mùa trước để trồng. Việc lấy lại giống cũ nhiễm bệnh khiến cho diện tích cây trồng mắc bệnh tới 100%. Hậu quả, năng suất và hàm lượng tinh bột của củ mì giảm rất lớn, giảm tới 80% lượng tinh bột mì.

* Tích cực vào cuộc

Bệnh khảm lá trên cây mì do virus gây ra, truyền bệnh qua trung gian là bọ phấn trắng hoặc bệnh phát tán do mầm bệnh đã có sẵn trong hom giống. Mì nhiễm bệnh khảm, năng suất sẽ giảm mạnh và phần lớn là sẽ mất 100% năng suất. Bà Thúy cho rằng: “Vụ trước, nhiều người trồng giống mì HL-S11 cho năng suất cao, độ bột nhiều nên nhiều người dân đã lấy giống để trồng. Họ không ngờ, việc làm đó đã khiến cho vụ sau thất thu hoàn toàn. Chúng tôi đã vận động người dân nhổ bỏ những cây mì bị nhiễm bệnh, hủy bỏ theo đúng quy trình; không lấy lại giống mì cũ bị nhiễm bệnh để trồng cho vụ sau và không trồng giống mì HL-S11”.

Lực lượng chức năng phun xịt hóa chất khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch tại vùng dịch xã Đồi 61 (huyện Trảng Bom). Ảnh: C.Ly

Ngoài bệnh này, dịch sâu keo mùa thu trên cây bắp xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 5 vừa qua cũng gây thiệt hại trên cây trồng. Ông Nguyễn Trạng Thịnh, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật tỉnh cho biết, sâu keo mùa thu “tấn công” vào các ruộng bắp còn non, khoảng 20-35 ngày tuổi, nhất là những cây bắp đang ở giai đoạn từ 3-7 lá. “Sức cắn phá của sâu keo mùa thu rất khỏe, tốc độ phá rất nhanh. Thực tế cho thấy, trên mỗi đọt bắp, thường chỉ có một con sâu trưởng thành, nhưng chỉ sau vài ngày xuất hiện, chúng có thể cắn và ăn hết phần lá non ở ngọn và thải lượng phân rất lớn” - ông Thịnh cho biết.

Chỉ sau hơn 2 tháng xuất hiện, hiện nay sâu keo mùa thu đã gây hại cho hơn 400 hécta bắp trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cả 2 loại dịch bệnh khảm lá mì và sâu keo mùa thu hiện tại vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị hữu hiệu nhất. Đối với bệnh khảm lá mì, ngành nông nghiệp đã đưa ra một số giống mì có khả năng nhiễm bệnh thấp hơn như: KM94, KM140, KM505 cho người dân trồng thay thế. Tương tự, đối với sâu keo mùa thu, biện pháp được khuyến cáo thực hiện vẫn là phòng bệnh và thực hiện biện pháp thủ công tìm diệt khi bệnh xuất hiện.

Còn với dịch ASF, ngay khi phát hiện các ổ dịch, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu độc khử trùng với tần suất 1 ngày/lần tại các trại heo xuất hiện dịch và vùng xung quanh ổ dịch trong phạm vi 3km. Ngoài ra, các huyện cũng thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời; thực hiện tiêu độc khử trùng, bao vây ổ dịch, cấm giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông heo, sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn các địa phương có dịch ASF hoành hành.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi - thú y, đến ngày 26-11 dịch tả heo châu Phi đã xảy ra trên 5,3 ngàn hộ chăn nuôi; tổng số heo tiêu hủy hơn 445,9 ngàn con, tương đương với trên 23,8 ngàn tấn thịt. “Một số lượng heo lớn bị tiêu hủy không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn tạo ra nguy cơ thiếu nguồn cung thịt heo, nhất là vào dịp cuối năm” - ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y.

Đến thời điểm này, số lượng heo tiêu hủy đã ở mức thấp, là tín hiệu đáng mừng về việc dịch giảm lây lan. Hiện nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ khoảng 488,5 tỷ đồng cho người chăn nuôi bị thiệt hại, đạt trên 73% tổng số tiền hỗ trợ.

Chiêu Ly

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/no-luc-phong-chong-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi-2977905/