Nỗ lực phủ 'lưới đỡ' an sinh

Sau 6 năm thực hiện Luật BHYT 2014 sửa đổi, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân với gần 90% dân số tham gia. Tuy vậy, hơn 10% dân số chưa có thẻ BHYT có thể đứng trước những rủi ro nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật

Viện Khoa học BHXH thuộc BHXH Việt Nam vừa công bố khảo sát về tình hình tham gia BHYT tại 7 vùng kinh tế trong cả nước để tìm hiểu nguyên nhân, lý do các hộ chưa tham gia BHYT.

Nhiều người dân chưa có BHYT

Theo đó, 2.576 hộ gia đình tại 7 tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Tây Ninh, Phú Yên, Gia Lai đã được khảo sát. Trong đó, hộ gia đình chưa tham gia BHYT là 1.680, hộ gia đình đã tham gia BHYT là 840. Trong số 1.680 hộ chưa tham gia BHYT có đến 63,63% có nguồn thu nhập từ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; 78,6% có thu nhập bình quân dưới 5 triệu đồng/tháng; 33,7% có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng.

Theo khảo sát này, 60,6% hộ gia đình cho rằng có khả năng tham gia BHYT, 39,4% hộ nhận định không có khả năng tham gia BHYT. Lý do chính là không có tiền để tham gia (chiếm 51,2%); có 54% hộ gia đình cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là cao. Một số hộ từng tham gia BHYT sau lại thôi do gặp khó khăn về kinh tế...

Tuyên truyền viên tại TP HCM tìm đến từng lao động tự do để vận động tham gia BHYT, BHXH tự nguyện Ảnh: Hải Yến

Tuyên truyền viên tại TP HCM tìm đến từng lao động tự do để vận động tham gia BHYT, BHXH tự nguyện Ảnh: Hải Yến

Còn đối với 840 hộ gia đình đang tham gia BHYT thì 60% gia đình làm nông - lâm - ngư nghiệp. Các hộ có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 63,8%, từ 5 triệu đồng/tháng trở lên là 36,2%. Phần lớn ý kiến (59,8%) cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là trung bình và 37,8% hộ cho rằng mức tham gia BHYT hiện nay là cao. Trong khi đó, chỉ có 44% hộ gia đình chưa tham gia BHYT cho rằng mức đóng BHYT là trung bình và 54,1% cho rằng mức đóng là cao.

Đánh giá về mức độ hài lòng khi khám chữa bệnh (KCB) BHYT có 547 đại diện hộ gia đình (tương ứng 65,1%) hài lòng khi đi KCB BHYT, còn 293 đại diện hộ gia đình (tương ứng 34,9%) chưa hài lòng.

Ông Lương Tuấn Anh, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học BHXH, cho biết mặc dù thu nhập thấp nhưng chưa đạt ngưỡng chuẩn cận nghèo, do đó nhóm hộ gia đình thu nhập thấp này không được nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Các hộ đều cho rằng thu nhập gia đình còn thấp mà phải mua thẻ BHYT cho tất cả thành viên trong gia đình thì chi phí quá lớn nhưng lại chưa đủ nghèo để được hỗ trợ như hộ nghèo, cận nghèo... "Đại diện các hộ gia đình chưa tham gia BHYT mong muốn có sự điều chỉnh chính sách theo hướng giảm chi phí cho người tham gia, trong đó, 17,6% muốn giảm mức đóng cho người thu nhập thấp, 17,5% giảm mức đóng cho khu vực nông thôn, 12,3% mong muốn có chính sách ưu đãi cho những hộ gia đình tham gia nhiều năm" - đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Tăng hơn 15 triệu người tham gia BHYT

Theo BHXH Việt Nam, hiện tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế như: nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100%; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt gần 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Với kết quả trên, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Do đó mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số là hoàn toàn khả thi. Theo BHXH Việt Nam, nếu như năm 2014 mới có 2.111 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH thì đến tháng 6-2020, số cơ sở KCB BHYT là 2.571 cơ sở, tăng 22% so với năm 2014. Đặc biệt là số cơ sở KCB tư nhân ký hợp đồng KCB BHYT đã tăng gần gấp đôi, từ 424 cơ sở năm 2014 lên 835 cơ sở năm 2020. Cơ hội tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Cùng với đó, sau 10 năm, số lượt người đi KCB BHYT đã tăng gần gấp 2 lần với 186 triệu lượt. Số chi KCB từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15.500 tỉ đồng của năm 2009, tăng lên đến hơn 100.000 tỉ đồng của năm 2019.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội; nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỉ đồng.

Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/no-luc-phu-luoi-do-an-sinh-20200723150954197.htm