Nỗ lực phục dựng, phát huy nghệ thuật Bài chòi ở các tỉnh miền Trung

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian của các tỉnh miền Trung vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây thực sự là niềm tự hào không chỉ của các tỉnh miền Trung, mà còn của mỗi người dân đất Việt khi một loại hình nghệ thuật dân gian đã lưu truyền nhiều đời để đến nay được cả thế giới vinh danh.

Hát Bài chòi ở “Đêm phố cổ” Hội An. Ảnh: Trúc Hà

Độc đáo Bài chòi

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, loại hình nghệ thuật dân gian hô Bài chòi, hát Bài chòi (gọi chung là hội Bài chòi hay nghệ thuật Bài chòi) ra đời tại các tỉnh duyên hải miền Trung vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, trong đó, Bình Định được xem là cái nôi đầu tiên gắn với tên tuổi của người sáng lập là Đào Duy Từ (1572 - 1634) - người Thanh Hóa vào Bình Định lập nghiệp. Ông đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh nương rẫy mà sáng lập ra hội Bài chòi.

Hội Bài chòi thường được tổ chức vào các dịp Tết đến, Xuân về. Nơi diễn ra là các khoảng đất rộng, có thể là trước sân đình, miếu hoặc một đám ruộng mới thu hoạch chưa cày hay một gò đất hoang bằng phẳng gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội. Khi đến với hội Bài chòi, người tham gia vừa là để cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí, vừa là để cầu may, cầu lộc đầu năm. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản nhất, hội Bài chòi kết hợp giữa trò chơi đánh bài giữa các chòi và nghệ thuật diễn xướng, hô bài của các nghệ nhân trong vai trò anh “Hiệu” - những người quản trò dẫn dắt, hô, hát các con bài được đánh ra.

Để có một hội Bài chòi thành công, đem lại nhiều niềm vui cho người chơi, trước khi diễn ra, vào những ngày trước Tết, các làng tập hợp những người có uy tín, nhiệt tình để thành lập Ban tổ chức. Khoảng sau ngày 23 tháng Chạp, Ban tổ chức huy động những người trong làng góp tranh, tre để dựng chòi hay cho mượn các vật dụng như bàn, ghế, khay trà, chén, bát, bình rượu... Người không góp vật dụng thì góp công, ai không góp công thì góp tiền.

Sáng mồng 1 Tết, các vị chức sắc trong làng, các thành viên Ban tổ chức, người điều hành hội giục trống chầu, dàn nhạc cổ tấu bài chiến rao khai trường. Nghe trống nhạc, mọi người gần xa lần lượt tề tựu về sân hội, các anh, chị Hiệu mời chào các con bài cho những người dự hội. Khi phát hết 9 con bài cái, người chơi lên chòi, người điều hành hội thúc một hồi trống chầu làm thủ tục khai hội theo thể thức “đả cổ pháp” của một đêm diễn hát bội xưa: “Xuân tam, Hè cửu, Thu thất, Đông ngũ” (mùa Xuân đánh ba tiếng, mùa Hè đánh chín tiếng, mùa Thu đánh bảy tiếng, mùa Đông đánh năm tiếng).

Lúc này, anh Hiệu mặc áo dài, đầu khăn đóng chỉnh tề cất tiếng hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng địa phương: “Gió xuân phảng phất nhành tre/ Xin mời bà con cô bác lắng nghe Bài chòi/ Bà con cô bác lắng lặng mà nghe/ Tui hô cái quân bài, con gì nó ra đây.../ Nực cười chị bán thịt heo/ Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân”. Hô to: là con bài “Tứ Móc”.

Điều độc đáo ở hội Bài chòi chính là một loại hình sinh hoạt giải trí dân gian, một hình thức chơi bài không có sát phạt, không cốt ở chỗ ăn thua. Khi tham gia vào hội Bài chòi, người chơi ngoài việc thử thời vận may, hên xui vào dịp đầu năm, đây cũng là dịp để người chơi tìm đến với hội hát bài chòi nhằm mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của các anh Hiệu, chị Hiệu. Trong khi đó, trên các chòi, người chơi luôn hồi hộp lắng nghe tên con bài xem có trúng con bài của mình không, đồng thời vừa thưởng thức các trò diễn của các anh Hiệu, chị Hiệu thông qua các câu ca dao, tục ngữ, hò, vè để kể những câu chuyện trong dân gian có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra.

Nỗ lực phục dựng

Tuy có sức hấp dẫn là vậy, song một thời gian dài, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường và sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật khác, hội Bài chòi tại nhiều làng quê ở miền Trung dần đi vào sự mai một. Đặc biệt, cùng với việc các nghệ nhân hô Bài chòi đã lớn tuổi, chất giọng không còn tốt hoặc đã mất, lớp trẻ ngày này lại ít quan tâm, từ đó nghệ thuật Bài chòi ở nhiều làng quê miền Trung không còn người kế tục, tổ chức và tham gia.

Để khôi phục và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này, tại tỉnh Bình Định, từ năm 2010, UBND tỉnh này đã triển khai đề án phục dựng hội Bài chòi cổ và đề ra nhiều biện pháp nhằm khôi phục trò chơi dân gian hay ban hành cơ chế, chính sách đào tạo nghệ nhân trẻ hô Bài chòi. Nhờ đó, đến nay, từ chỗ là một di sản có nguy cơ thất truyền, Bài chòi đã được hồi sinh. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh có 28 câu lạc bộ Bài chòi dân gian với 176 nghệ nhân tham gia sinh hoạt, trong đó số thực hành hô Bài chòi là 80 người, số có khả năng truyền dạy là 50 người.

Tại Quảng Nam, từ cuối năm 1998, thành phố Hội An bắt đầu đưa trò chơi Bài chòi vào lễ hội “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX”. Tại “Đêm phố cổ”, các nghệ nhân chơi Bài chòi hiện nay còn rất ít người, nhưng đã nỗ lực khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian này gắn với các điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng của phố cổ để thu hút du khách quan tâm, tham gia. Đặc biệt, Hội An cũng “đưa” hội Bài chòi ra bên ngoài bằng việc tham gia biểu diễn, giao lưu với các tỉnh, thành phố trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Đáng nói hơn, đến nay, hội Bài chòi của Hội An đã có 9 lần xuất ngoại giao lưu tại 7 quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý, Hung-ga-ri, Nhật Bản. Điều này đã tạo thêm động lực, là cơ sở để không chỉ Quảng Nam tiếp tục phục dựng loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này, mà còn quảng bá, giới thiệu, đưa Bài chòi ra thế giới. Trong khi đó, sau thời gian quan tâm phục dựng lại loại hình nghệ thuật này thông qua các câu lạc bộ chơi Bài chòi, đến nay, ngoài thành phố Hội An thì còn có thành phố Tam Kỳ cũng đang đưa môn nghệ thuật Bài chòi vào giảng dạy ở các trường học.

Liên quan đến việc phục dựng và phát triển Nghệ thuật Bài chòi, vào những ngày cuối tuần tại công viên bờ Đông sông Hàn, ngành Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức các điểm hô Bài chòi để quảng bá, giới thiệu đến công chúng. Điều đáng mừng là tại các đêm bài chòi này, nhiều bạn trẻ và du khách trong và ngoài nước rất quan tâm tham gia. Đây cũng chính là tín hiệu đáng mừng để không chỉ Đà Nẵng hay các tỉnh miền Trung có thêm động lực đầu tư, phát triển môn nghệ thuật dân gian này, mà còn gắn với đó là từng bước đưa Bài chòi vào phục vụ du lịch ở địa phương.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/no-luc-phuc-dung-phat-huy-nghe-thuat-bai-choi-o-cac-tinh-mien-trung/