Nỗ lực tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Mặc dù đã có những kết quả tích cực trong công tác vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như chia sẻ với cộng đồng, tuy nhiên, tỷ lệ học sinh, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội kiến nghị cần có sự phối hợp đồng bộ cũng như các giải pháp quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Học sình Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5, TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: Ảnh: Hồng Giang/TXVN.

Nhiều trường học chưa đạt 50%

Nhiều năm liên tục, Trường Cao đẳng Kinh tế - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ sinh viên tham gia bảo hiểm y tế thấp, thường xuyên chỉ đạt 16-18%. Năm học 2022-2023, tỷ lệ này tăng lên 20,9% nhưng vẫn quá thấp so với mức trung bình chung của toàn Thành phố. Tương tự, Trường Cao đẳng nghề Hoa Sen có tỷ lệ sinh viên tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên ở mức thấp. Năm học 2022 - 2023, đơn vị này chỉ đạt 22,28% sinh viên của trường tham gia bảo hiểm y tế.

Thực trạng này diễn ra trong nhiều năm tại một số trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022 - 2023, toàn Thành phố có 1.919.166/1.987.745 học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt 96,55%, chưa đạt mục tiêu 100% tham gia theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố. Nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là khối đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế còn thấp so với bình quân chung của Thành phố. Có cơ sở giáo dục, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế không đạt 50%. Nguyên nhân cơ quan Bảo hiểm Xã hội chỉ ra là do một bộ phận chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa của việc tham bảo hiểm y tế, nhất là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi.

Cùng với đó, việc chỉ đạo triển khai bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên tại một số cơ sở giáo dục chưa được hiệu trưởng quan tâm đúng mức. Một số cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên...

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế sẽ được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh. Năm học 2022 - 2023, Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chi 213 tỷ đồng cho công tác chăm lo sức khỏe học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, năm 2022 và 8 tháng năm 2023, một học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh được cơ quan Bảo hiểm Xã hội thanh toán 1,07 tỷ đồng trong quá trình điều trị bệnh. Nam sinh (17 tuổi tại quận Tân Phú) được chẩn đoán và điều trị bệnh viêm cơ tim cấp, di chứng tổn thương nội sọ, phải điều trị dài ngày với chi phí lớn. Nhờ có bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí điều trị, gia đình em đã bớt nỗi lo về kinh phí điều trị bệnh.

Trước đó, năm 2021, một học sinh (ngụ tại quận Gò Vấp) được cơ quan Bảo hiểm Xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bảo hiểm y tế 2 lần tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Quân y 175 với số tiền 1,14 tỷ đồng.

Cần nhiều giải pháp tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế

Là một trong những trường luôn có tỷ lệ sinh viên tham gia bảo hiểm y tế ở mức cao, năm học vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có khoảng 95 - 96% sinh viên tham gia. Mặc dù vậy, theo đại diện Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, một số ít sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở, truyền thông, khuyến khích các em tham gia đầy đủ bởi việc này không chỉ nhằm bảo vệ bản thân khi có sự cố không may về sức khỏe mà còn thể hiện trách nhiệm của sinh viên đối với cộng đồng. Năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật phấn đấu đạt mục tiêu 100% sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời, tất cả sinh viên sử dụng ứng dụng VssID (ứng dụng bảo hiểm xã hội số của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngay từ đầu mỗi năm học, Phòng Công tác sinh viên nhà trường sẽ gửi link để sinh viên đăng ký tham gia bảo hiểm y tế. Hằng năm, dù không có thống kê cụ thể về số lượng sinh viên tham gia bảo hiểm y tế ở nơi khác nhưng đến nay chưa ghi nhận trường hợp không có bảo hiểm y tế.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Thảo, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, những ngày qua, đơn vị đẩy mạnh tuyên tuyền, khuyến khích sinh viên duy trì việc tham gia bảo hiểm y tế bằng cách lồng ghép nội dung này trong buổi họp với Ban cán sự các lớp. Từ đó, Ban cán sự lớp cập nhật thông tin, quy định liên quan để có thể hỗ trợ sinh viên nếu có thắc mắc. Hàng năm, Phòng rà soát nhu cầu của sinh viên, hỗ trợ điều chỉnh nơi đăng ký khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để các em tham gia đầy đủ.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối đại học, cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác nhằm tăng cường công tác truyền thông, nâng tỷ lệ học sinh, sinh viên trong Khối tham gia bảo hiểm y tế.

Theo đó, hai bên tăng cường vận động học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định, cài đặt và sử dụng hình ảnh trên ứng dụng VssID hoặc căn cước công dân có gắn chíp để khám bệnh, chữa bệnh… Năm học 2023 - 2024, phấn đấu đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế của các trường thuộc Đảng bộ Khối Đại học, Cao đẳng Thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 98% trở lên.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế và thực hiện giải pháp mở rộng tỷ lệ bao phủ trong học sinh, sinh viên; đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia; 100% học sinh, sinh viên cài đặt và sử dụng VssID; 100% học sinh, sinh viên được đồng bộ dữ liệu dân cư quốc gia.

Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Luật Bảo hiểm y tế đã mở rộng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, liên thông tuyến khám chữa bệnh quận, huyện và kết hợp với nhiều biện pháp cải cách hành chính, thay đổi lề lối làm việc, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ của các cơ sở y tế tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm y tế tại cơ sở.

Việc triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID trong khám chữa bệnh trên toàn quốc là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, giúp học sinh, sinh viên thuận tiện trong việc khám chữa bệnh, không cần sử dụng thẻ giấy.

Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp pháp tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm xã hội như: Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế đến học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thông qua Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Đội Thiếu niên tiền phong. Cùng với đó, kiến nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; đưa tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhằm đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Đinh Hằng - Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/no-luc-tang-ty-le-tham-gia-bao-hiem-y-te-hoc-sinh-sinh-vien-20230927103545954.htm