Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

Nhiều năm qua, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới.

Tác phẩm “Điều ước của con” của Trường PTDT Bán trú THCS Trung Lý (Mường Lát) đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Năm 2023 là năm thứ 3 cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép triển khai các mục tiêu bình đẳng giới với Chương trình hành động quốc gia, phòng chống bạo lực gia đình; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Sở Tư pháp thực hiện công tác bình đẳng giới và lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hòa giải cơ sở, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong quản lý Nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật; Ban Dân tộc tỉnh thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025”; Hội LHPN tỉnh thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa... Các ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sắp xếp công tác cán bộ nữ; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; xây dựng các mô hình, môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em...

Cùng với đó, công tác truyền thông, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới được Ban VSTBCPN tỉnh, các thành viên của ban thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Hình thức truyền thông phong phú, như: tập huấn, hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, kịch sân khấu; tuyên truyền trực quan, cấp phát tài liệu cho cán bộ, người dân và học sinh các trường học; diễn đàn “Lắng nghe con nói”... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tầng lớp Nhân dân về bình đẳng giới, VSTBCPN. Anh Bùi Trung Thành, xã Thạch Tượng (Thạch Thành), cho biết: Phụ nữ hay nam giới đều phải có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình. Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác... Đây là những nội dung chúng tôi lĩnh hội trong các buổi truyền thông để vận dụng nuôi dưỡng, chăm sóc các con, cư xử với đồng nghiệp nữ, đồng thời chia sẻ công việc với vợ con để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình...

Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị các cấp, những năm gần đây công tác bình đẳng giới, VSTBCPN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. 6 nhóm mục tiêu theo định hướng của Chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030, gồm: Lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, y tế, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông... đều thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra. Tiêu biểu trên lĩnh vực chính trị, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 417/1.194 cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếu tỷ lệ 35,52%, trong đó có 6/17 các sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 19/54 cơ quan chính quyền địa phương cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 35,2%; 398/1.118 cơ quan chính quyền địa phương cấp xã có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 35,6%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cấp ủy đảng và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Ở các vị trí công tác, cán bộ nữ nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đổi mới. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động có 488.215 nữ lao động làm công hưởng lương đạt tỷ lệ là 48,94% trên tổng số lao động làm công hưởng lương trên địa bàn tỉnh...

Tuy vẫn còn một số hạn chế nhất định trong thực hiện công tác bình đẳng giới VSTBCPN, nhưng có thể khẳng định, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã được đổi mới cách tiếp cận. Đó là: xác định các vấn đề bình đẳng giới trọng tâm và đề ra các giải pháp phù hợp, khả thi theo từng nhóm mục tiêu để thực hiện đạt được các chỉ tiêu đề ra. Các cấp chính quyền, các ngành chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về huy động, bố trí kinh phí từ ngân sách, các chương trình, dự án và nguồn vận động để thực hiện hiệu quả hoạt động bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, lao động. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, VSTBCPN ở các cấp, ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo để chỉ đạo nhân rộng; đồng thời, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để sớm chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Đồng chí Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó trưởng Ban Thường trực Ban VSTBCPN tỉnh, cho biết: Mục tiêu thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và công tác VSTBCPN tỉnh là không chỉ dừng lại ở việc thu hẹp khoảng cách giới, xóa bỏ định kiến giới và hoàn thành các chỉ tiêu của 6 nhóm mục tiêu theo định hướng của Chiến lược quốc gia. Giá trị cốt lõi, bền vững chính là: phát huy vai trò của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, xóa bỏ quan niệm, lệch chuẩn xã hội còn tồn tại. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu sẽ làm thay đổi tình trạng bất bình đẳng giới, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ và là mục tiêu hoạt động của Ban VSTBCPN tỉnh trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/no-luc-thuc-hien-binh-dang-gioi-vi-su-tien-bo-cua-phu-nu/202843.htm