Nỗ lực thực hiện 'Chính phủ số' nơi địa đầu Tổ quốc

Quyết tâm thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030' (Đề án 06) chính là góp phần hiện thực hóa khát vọng về chính phủ số, chính phủ điện tử trong tương lai của đất nước. Với tinh thần đó, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên đang ngày đêm nỗ lực hoàn thành các phần việc của Đề án.

Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Điện Biên thực hiện công tác trả thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân. (Ảnh Công an tỉnh Điện Biên)

Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Điện Biên thực hiện công tác trả thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân. (Ảnh Công an tỉnh Điện Biên)

Tại Điện Biên, Đề án 06 đã và đang được các cơ quan, ban, ngành triển khai đồng bộ, rộng khắp, bước đầu đặt những nền móng vững chắc để hiện thực hóa khát vọng ấy.

Triển khai Đề án 06 ở cơ sở

Đề án 06 đã xác định bảy quan điểm chỉ đạo lớn; các mục tiêu hướng tới năm nhóm tiện ích cụ thể là: Ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó ưu tiên hàng đầu là 25 thủ tục thiết yếu liên quan người dân; Ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Ứng dụng phục vụ xây dựng công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Đây là một nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức, góp phần làm giảm áp lực giấy tờ công việc lên chính các cơ quan quản lý nhà nước.

Bản Nậm Mỳ 2, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé (Điện Biên), đường sá đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, phần đông là bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc sống còn bộn bề vất vả, thì việc tiếp cận và sử dụng các tiện ích tối ưu mà Đề án 06 mang lại với bà con nơi đây dường như là một điều còn xa vời. Với quan điểm mang Chính phủ số đến tận tay người dân, huyện Mường Nhé đã mở các điểm truy cập internet phục vụ Đề án 06 đến tận cấp thôn, bản cho nhân dân có điều kiện tiếp cận, thực hiện các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Lúc này, người dân ở đây đang rất phấn khởi, vui mừng khi được lực lượng công an xã trực tiếp hướng dẫn thao tác trên máy tính xách tay các bước để đăng ký, sử dụng tài khoản định danh và các dịch vụ công trực tuyến. Anh Thào A Sình, người dân bản Nậm Mỳ 2 phấn khởi cho biết: "Trước đây, muốn thực hiện các thủ tục như đăng ký khai sinh, cấp đăng ký xe máy… phải đi hàng chục ki-lô-mét đường rừng núi quanh co mới đến được trung tâm để làm; vào mùa mưa đường trơn trượt hay sạt lở, lũ quét đi lại rất khó khăn. Với những người đi làm ăn xa, không trực tiếp lên xã làm các thủ tục được lại càng khó khăn hơn. Bây giờ, ngay tại bản có máy tính, có cán bộ công an xã hướng dẫn sử dụng các thủ tục; người ở xa được cán bộ công an xã hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng để thực hiện giúp tiết kiệm nhiều tiền bạc, thời gian và công sức...".

Việc triển khai điểm truy cập internet công cộng tại các điểm bản là cách làm sáng tạo, thiết thực, phù hợp địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, vất vả như Mường Nhé. Bởi nhờ những điểm truy cập như thế này mà người dân bất kể là ai, ở đâu, điều kiện kinh tế như thế nào cũng có thể sử dụng các ứng dụng công nghệ số để giải quyết các thủ tục hành chính thiết yếu, tiết kiệm kinh phí và hạn chế đến mức thấp nhất việc đi lại cho nhân dân.

Hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án 06

Xác định việc triển khai thực hiện thành công Đề án 06 chính là nhiệm vụ chính trị, là danh dự của lực lượng Công an nhân dân và cũng là mục tiêu mà Công an tỉnh Điện Biên hướng tới. Với quyết tâm ấy, ngay từ những ngày đầu triển khai, Công an Điện Biên đã bố trí cán bộ đến tất cả các xã, bản trên địa bàn, tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá nhân lực và các trang thiết bị phục vụ Đề án để tham mưu Ban Chỉ đạo phân cấp đến tận cơ sở, không để tình trạng "đầu voi đuôi chuột" dẫn đến việc thực hiện Đề án không đồng nhất từ tỉnh đến cơ sở. 199 cán bộ, chiến sĩ chuyên trách thực hiện Đề án đã được phân công thực hiện nhiệm vụ tại tất cả các cấp để phối hợp tiếp nhận, hướng dẫn nhân dân giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Cùng với đó là tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật và các nội dung trọng tâm của Đề án cho 1.479 cán bộ, chiến sĩ, bổ sung thêm nguồn nhân lực có chất lượng, có thể đáp ứng kịp thời, hiệu quả việc thực hiện Đề án. Các tờ rơi, bài tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú cũng đã liên tục được lực lượng Công an phát trên hệ thống loa phát thanh thôn, bản, tổ dân phố. Các bài báo, chương trình truyền hình hướng dẫn thực hiện các thủ tục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, về các tiện ích mà Đề án 06 mang tới cho nhân dân được phát sóng liên tục trên các kênh báo chí Trung ương, địa phương.

Tính đến thời điểm hiện tại, 100% các xã, bản trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án và ban hành Quy chế hoạt động để triển khai thực hiện; tám trong số 10 đơn vị triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án 06. Toàn tỉnh hiện có 969 tài khoản đề nghị kết nối vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đã thu nhận 33.632 hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử và 94.211 hồ sơ định danh điện tử. Đã phát huy hiệu quả tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua đó, đã tiếp nhận và giải quyết 92.000 lượt hồ sơ thuộc 23 trong số 25 thủ tục hành chính.

Các đơn vị đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Vietinbank và các doanh nghiệp viễn thông cấp 17.588 tài khoản ngân hàng phục vụ thanh toán phí, lệ phí qua cổng dịch vụ công trực tuyến, cấp và chuyển đổi sim chính chủ cho 5.942 công dân phục vụ đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến, định danh điện tử. Các thông tin, dữ liệu từ nguồn Bộ Tư pháp, bảo hiểm xã hội đã được rà soát, cập nhật và bổ sung kịp thời. Qua đó, đã triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử tại 144 cơ sở khám, chữa bệnh tại tất cả các tuyến trên địa bàn.

THU TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-thuc-hien-chinh-phu-so-noi-dia-dau-to-quoc-post716131.html